Nguồn tư liệu quý giá trong nghiên cứu văn hóa, xã hội làng xã Việt Nam
Tham gia nghiệm thu bản thảo với vai trò là ủy viên Hội đồng, đại diện của Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách Tư liệu - Tổng hợp, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng đã có những đánh giá ghi nhận chất lượng, giá trị của công trình.
Về cách thức trình bày, bản thảo giới thiệu theo trật tự tộc ước họ gì, ở đâu, giới thiệu xuất xứ, phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa. Đối với tộc ước khắc trên bia, thì sau giới thiệu xuất xứ, là phần chữ Hán, rồi đến phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa. Để hiểu nội dung các văn bản, tác giả đã giới thiệu cách trình bày Tuyển tập qua mục Phàm lệ, đồng thời giải nghĩa một số từ ngữ mà không thông dụng hiện nay về mặt vỏ thuật ngữ.
Bài Tổng quan về văn bản tộc ước, gia quy Thăng Long - Hà Nội theo PGS.TS. Phạm Xuân Hằng khá chi tiết và có chất lượng. Với 57 trang, bài viết đã giới thiệu các nội dung như: đặc trưng của loại hình văn bản tộc ước, gia quy là mang tính luật tục của một dòng họ, có chức năng chế ước điều tiết hành vi và các quan hệ giữa các thành viên nội tộc; Giới thiệu tình hình diện mạo của 51 văn bản trên 21 địa bàn, có niên đại từ 1945 trở về trước. Vật liệu chế tác văn bản là trên giấy và trên bia đá. Qua nghiên cứu, các tác giả khẳng định đa phần tộc ước được chép trong gia phả, mà tên gia phả lại không cho thông tin gì về tộc ước ghi bên trong. Thêm vào đó, việc chép vào gia phả khá tùy tiện, không theo trật tự nhất định; Giới thiệu cấu trúc Tộc ước, trong đó những nội dung quan trọng, được tác giả chú ý như: Việc tế tự (địa điểm, thời gian, sự chuẩn bị, nghi thức, chia phần…), việc răn dạy ý thức đoàn kết, tương trợ trong gia tộc, vấn đề khuyến học, đạo đức, nhân cách của thành viên trong họ, cũng như việc cưới xin, ma chay…
Đánh giá về giá trị của Tuyển tập, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng cho rằng thông qua 51 tộc ước trên 21 quận, huyện của Hà Nội do nhóm tác giả sưu tầm, tuyển chọn, biên dịch, giới thiệu, người đọc có thể thấy những quy định của nội bộ tộc họ luôn hướng thiện cho thành viên của họ mình. Luật tục nội tộc này khá phong phú về ý nghĩa như: Nguồn gốc tộc họ, gia lễ, gia huấn, quy định nếp sống cá nhân và gia đình. Hơn thế với những nội dung cơ bản mà nhóm tác giả đã nêu ra trong Tộc ước, cho thấy giá trị văn hóa dòng họ trong dòng chảy văn hóa làng xã với những quy tắc bồi đắp tố chất đạo đức, nhân cách cho thành viên trong họ.
Ngoài một số lưu ý chỉnh sửa ký hiệu các mục trong bài Tổng quan, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng cho rằng công trình hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu đã đặt ra trong Đề cương nghiên cứu được phê duyệt. Khẳng định đây là nguồn tư liệu có giá trị trong nghiên cứu văn hóa, xã hội làng xã Việt Nam thông qua những quy định, những sinh hoạt của các dòng họ, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng đề nghị tập thể biên soạn chỉnh sửa hoàn thiện bản thảo trước khi xuất bản.
Minh An (tổng hợp)
Theo nhận xét của PGS.TS. Phạm Xuân Hằng - Ủy viên Hội đồng
Nhà xuất bản Hà Nội