Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Tộc ước gia quy qua đánh giá của một nhà nghiên cứu Hán Nôm
Thứ năm, 19/11/2015 10:58

Tham gia thẩm định, nghiệm thu đề tài từ khâu đề cương chi tiết, ngay từ đầu TS. Nguyễn Hữu Mùi đã khẳng định việc triển khai thực hiện đề tài Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Tộc ước gia quy thuộc Tủ sách Thăng Long giai đoạn II là cần thiết.

 
Đây là loại hình văn bản có giá trị trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Tộc ước gia quy vốn là những quy định do các dòng họ đặt ra để mọi thành viên trong dòng tộc có trách nhiệm thi hành. Loại hình văn bản này phản ánh sự sinh hoạt của các dòng họ ở nước ta trong quá khứ, trong đó có các dòng họ trên địa bàn thủ đô Hà Nội và vùng phụ cận nhưng chưa được nghiên cứu, khai thác. Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm này, khi công trình hoàn thành sẽ có ý nghĩa trong việc khỏa lấp phần còn để trống, đồng thời cung cấp cho bạn đọc thấy sự đặc sắc của văn hiến Thăng Long - Hà Nội và vùng phụ cận trong đời sống tinh thần cũng như những phong tục tập quán của các gia tộc nơi đây. Công trình sẽ góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Thêm nữa, tư liệu về tộc ước gia quy hiện đang tồn tại dưới dạng bản gốc viết bằng chữ Hán trên chất liệu giấy bản và khắc trên bia, nên khi công bố sẽ là nguồn tư liệu quý, có độ tin cậy cao giúp các nhà nghiên cứu về lịch sử, về dân tộc học, văn hóa học, xã hội học, nhân học… có tư liệu để nhìn nhận, đánh giá sâu sắc về các dòng họ trên đất thủ đô Hà Nội. Từ đó làm căn cứ để hoạch định chính sách mới về văn hóa, về con người mới trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
 
Trước hết, so sánh với bản đề cương chi tiết, TS. Nguyễn Hữu Mùi nhận định qua bản thảo trình bày lần này cho thấy nhóm tác giả đã có sự gia công, sửa chữa rất công phu. Cụ thể ở phần thứ nhất (Tổng quan về văn bản tộc ước gia quy Thăng Long Hà Nội), sự thay đổi ở đây không chỉ thể hiện ở việc sắp xếp các đầu mục cho hợp lý, mà còn thể hiện ở chỗ viết sâu hơn vào nội dung của tộc ước gia quy có trên địa bàn Thủ đô, trên cơ sở đó nêu giá trị tư liệu do loại hình này cung cấp.
 
Phần thứ hai đề cập đến Các văn bản tộc ước gia quy. Phần này bao gồm 51 văn bản tộc ước gia quy do nhóm tác giả công trình điều tra, thu thập trong quá trình thực hiện đề tài. Đó là các văn bản có trên địa bàn của các xã thuộc các huyện Ba Vì, quận Cầu Giấy, huyện Chương Mỹ, huyện Đan Phượng… tổng cộng gồm  21 quận huyện. TS. Nguyễn Hữu Mùi nhấn mạnh về cơ bản bản thảo đã tập hợp tương đối đầy đủ số văn bản tộc ước gia quy có trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện nay. Trong bản thảo lại có thêm 6 văn bản mà đề cương cũ vốn chưa đề cập.
 
Mỗi văn bản ở đây, ngoài việc giới thiệu xuất xứ, tình trạng văn bản, đặc điểm văn bản…, đã tiến hành chế bản chữ Hán (đối với văn bia), phiên âm, dịch nghĩa ra chữ quốc ngữ. Các văn bản tộc ước gia quy trong phần này không xếp theo loại hình văn bản thể hiện trên giấy, sau đến văn bia như bố cục trước đây, thay vào đó là sắp xếp theo thời gian. Đặc biệt theo TS. Nguyễn Hữu Mùi chất lượng của bản dịch cũng đã được nâng lên rõ rệt. Đó là những điểm mới trong bản thảo lần này.
 
Với kết cấu gồm hai phần cùng với những ưu điểm như trình bày, TS. Nguyễn Hữu Mùi khẳng định đây là công trình có chất lượng. Song để công trình hoàn thiện ở tầm mức cao hơn nữa, ông cũng đề xuất một số góp ý cụ thể.
 
Điểm thứ nhất, kết cấu của công trình gồm hai phần như trình bày là hợp lý nhưng tại Phần 1, tức phần Tổng quan (Tổng luận) cũng cần điều chỉnh về tên gọi của các mục. Chẳng hạn như mục 2.2 ghi là Tình hình lưu giữ các văn bản (trang 21). Theo ông nên chăng thay bằng tên Các dạng tồn tại của văn bản tộc ước gia quy. Thêm nữa các trang viết tại phần này chưa sâu, do chưa khai thác hết giá trị tư liệu do tộc ước gia quy cung cấp, đặc biệt là mục đề cập đến Việc khuyến học (trang 61).
 
Nói như vậy vì thông tin có trong các bản tộc ước gia quy được tuyển dịch trong công trình này còn khá dồi dào. Đối chiếu với nội dung cho thấy điều đó: Đại bộ phận các dòng họ ở đây đều có những điều ước về khuyến học, như tạo điều kiện về giấy bút cho học sinh nghèo, đặt học điền, thưởng cho người thi đỗ… Bên cạnh khuyến khích bằng vật chất còn có khuyến khích bằng tinh thần. Tuy nhiên tại mục này các tác giả viết sơ sài, do đó không nêu bật được giá trị của tộc ước gia quy đối với khuyến học xưa. Cũng cần nói thêm đây là một trong những vấn đề hiện đang được các dòng họ quan tâm, bởi liên quan đến hoạt động khuyến học đang đặt ra hiện nay cho các dòng họ không chỉ ở Thủ đô Hà Nội mà còn cho cả các dòng họ ở nước ta.
 
Điểm thứ hai, việc nêu xuất xứ văn bản của tất cả các văn bản trình bày ở phần thứ 2 của công trình đều ghi là Lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. TS. Nguyễn Hữu Mùi nhấn mạnh cần sửa lại là lưu trữ tại kho Thư tịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hoặc ghi vắn tắt là lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ chuẩn xác hơn. Sở dĩ phải đính chính điều này vì Thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm từ nhiều năm nay không có chức năng lưu trữ văn bản Hán Nôm. Ở đó đơn thuần chỉ lưu trữ các sách xuất bản bằng chữ quốc ngữ như các thư viện khác.
 
Điểm thứ ba, trong phần Phiên âm, dịch nghĩa của các văn bản tộc ước gia quy, các tác giả đều phiên là Nhất điều hoặc Nhất lệ và dịch thành Điều 1, Điều 2, Điều 3… (các Điều này in đậm). Với vấn đề này nhà nghiên cứu Hán Nôm đề nghị nhóm tác giả công trình xem lại, vì theo ông đây chỉ là những gạch đầu dòng liệt kê các Điều ước, lệ ước nên không thể phiên là “Nhất”, và cũng không nên ghi thẳng  thành Điều 1, Điều 2, Điều 3 như nói đến ở trên. Phương án TS. Nguyễn Hữu Mùi đề xuất là chỉ nên gạch đầu dòng cho đúng với nguyên tác, còn khi dịch thì ghi thành Điều 1, Điều 2, Điều 3… đưa vào trong ngoặc vuông [  ], và chú thích một lần cho tất cả các trường hợp này.
 
Ngoài ra, TS. Nguyễn Hữu Mùi cũng chỉ rõ trong bản thảo còn tồn tại một số lỗi chính tả, kể cả một số chữ Hán cần phải lưu ý rà soát chỉnh sửa.
 
Sau cùng vì đây là đề tài thuộc mảng sách tư liệu thì cần xác định trọng tâm của đề tài là tuyển dịch văn bản tộc ước gia quy, do vậy theo TS. Nguyễn Hữu Mùi, nhóm đề tài công trình cần nghiên cứu, xem xét để có thể bổ sung các văn bản tộc ước gia quy có trên địa bàn Hà Nội, làm cho công trình trở nên dày dặn hơn nữa sẽ là đóng góp nổi bật của đề tài này.
 
Tóm lại, TS. Nguyễn Hữu Mùi đánh giá đề tài Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Tộc ước gia quy thuộc Tủ sách Thăng Long giai đoạn II là công trình có giá trị khoa học và thực tiễn, khi xuất bản chắc chắn sẽ được giới nghiên cứu và bạn đọc đánh giá cao.

Minh An (tổng hợp)

Theo nhận xét của TS. Nguyễn Hữu Mùi - Phản biện 2
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá