Để hoàn thiện hơn một công trình công phu về thành tựu văn học xứ Đoài
PGS.TS. Vũ Thanh - Phó Viện trưởng Viện Văn học - Ủy viên Hội đồng thẩm định, nghiệm thu bản thảo nhận định đây là một cuốn sách lớn, công phu về thể tản văn của một vùng văn học có truyền thống lâu đời, nơi sản sinh ra nhiều nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trải qua trường kỳ lịch sử của dân tộc. Bản thảo cuốn sách được chuẩn bị bài bản, công phu. Phần tuyển chọn đã giới thiệu được những tác giả và tác phẩm tiêu biểu của tản văn xứ Đoài qua các thời kỳ văn học từ cổ chí kim. Đó là những nhà văn, nhà thơ sinh ra hoặc định quán lâu dài tại vùng quê xứ Đoài.
Đánh giá cao nội dung được chuẩn bị của bản thảo Tản văn xứ Đoài và công sức của nhóm biên soạn, PGS.TS. Vũ Thanh cũng đã có bản nhận xét công phu, kỹ lưỡng với nhiều góp ý cho bản thảo cuốn sách.
Một trong những vấn đề trọng tâm của bản thảo đã được đề cập đến, đó là khái niệm “tản văn” trong đầu đề tập sách. Theo Phó giáo sư phó Viện trưởng Viện Văn học, các tác giả bản thảo đã cụ thể hơn khái niệm này nhưng vẫn còn khá mơ hồ nên đã dẫn đến việc lựa chọn tác phẩm còn chưa chuẩn xác. Theo ông nhóm biên soạn nên tham khảo thêm khái niệm thuật ngữ này trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 2007.
PGS.TS. Vũ Thanh cho rằng tản văn là một khái niệm hẹp hơn văn xuôi. Nó không bao gồm các loại truyện hư cấu như tiểu thuyết, truyện ngắn. Tản văn có nội hàm rộng hơn khái niệm ký, nó chứa đựng cả những thể văn xuôi khác như thư, tựa, bạt, du kí. Đây là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, tự do, dung lượng dài ngắn tùy ý, cách thức thể hiện đa dạng, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, hoặc miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật. Tản văn bộc lộ trực tiếp tư tưởng, tình cảm, chính kiến, mang đậm bản sắc, cá tính của nhà văn.
Xuất phát từ quan điểm đó, nhà nghiên cứu này lưu ý nhóm biên soạn nên cân nhắc khi đưa Hoàng Lê nhất thống chí vào cuốn sách, vì phần được trích từ cuốn tiểu thuyết chương hồi này rõ ràng là chứa đựng nhiều yếu tố hư cấu, tưởng tượng. Cũng tương tự cần phải bỏ Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Tử Siêu, Hòa Vang, truyện ngắn Bầy chim chìa vôi của Nguyễn Quang Thiều ra khỏi bản thảo, vì đây đều là truyện ngắn và tiểu thuyết. Nguyễn Quang Thiều bên cạnh Những mùa rau khúc có thể tuyển thêm các bài tản văn rất hay của anh viết trong thời gian gần đây. Ở một số tác giả khác PGS.TS. Vũ Thanh cho rằng cũng cần có sự lựa chọn chính xác hơn để không lẫn lộn giữa tản văn với truyện ngắn và tiểu thuyết.
Đánh giá về bài giới thiệu đầu sách, PGS.TS. Vũ Thanh cho rằng bài viết chưa khái quát được những nét đặc sắc của tản văn xứ Đoài. Vì thế tác giả cần đầu tư công phu hơn cho bài viết nhằm cung cấp cho độc giả những tri thức mang tính hệ thống, làm nổi bật được đặc trưng riêng biệt của xứ sở này qua một thể văn tiêu biểu thể hiện sự tài hoa nổi trội mang nhiều nét riêng của một miền đất.
Nhà nghiên cứu này cũng nêu ra nhiều ý kiến về việc ghi đầu đề các phần mục. Ông nhấn mạnh không thể đặt đầu đề kiểu: Phần I: Từ thời trung đại đến hết thế kỷ XIX (?). Các nhà sử học và nghiên cứu văn học từ lâu đã thống nhất thời trung đại trong lịch sử và lịch sử văn học Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX nên nhan đề Phần I nên đặt là “Thời kỳ văn học trung đại” mới chính xác (Hoặc để cụ thể hơn, đơn giản có thể đặt: “Thời kỳ văn học từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX”). Đầu đề Phần II: Từ đầu thế kỷ XIX đến nay (A) cũng là chưa cụ thể. Nếu đã chọn mốc cuối cùng là 2010 thì nên ghi là đến 2010, vì khái niệm “đến nay” rất mơ hồ, không xác định.
Khái niệm “cận đại” hiện nay giới khoa học cũng không sử dụng để chỉ giai đoạn văn học đầu thế kỷ XX nữa. Vì vậy để đơn giản và chính xác nên chia bản thảo cuốn sách làm 2 phần: Phần I: Thời kỳ văn học trung đại. Phần II: Thời kỳ văn học hiện đại. Thời kỳ II được chia nhỏ thành 2 giai đoạn: A. Giai đoạn từ 1900 đến 1944; B. Giai đoạn từ 1945 đến 2010.
Đối với việc tuyển chọn các tác phẩm cụ thể, PGS.TS. Vũ Thanh cũng chỉ ra một số vấn đề. Ở Phần I: Từ thời trung đại đến hết thế kỷ XIX trong mục 2. TRẦN THẾ PHÁP - VŨ QUỲNH - KIỀU PHÚ. PGS.TS. Vũ Thanh cho biết không có cuốn Lĩnh Nam chích quái nào do cả 3 tác giả này viết ra cả. Cuốn Lĩnh Nam chích quái, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1960 mà nhóm biên soạn trích tuyển là một văn bản ít có giá trị khoa học. Ngày nay các nhà nghiên cứu đã tạm thời xác định được đâu là bản của Trần Thế Pháp (bản hiện đang lưu giữ tại Viện Sử học), đâu là bản của Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Bản của Trần Thế Pháp được coi là bản gốc, bản cổ hơn. Các bản của Vũ Quỳnh, Kiều Phú được coi là bản đã sửa chữa trên cơ sở bản của Trần Thế Pháp. Vì vậy theo ông nên chọn bản của Trần Thế Pháp (có thể lấy từ cuốn Văn xuôi trung đại Việt Nam, tập 1 - Truyện ngắn của Nguyễn Đăng Na, NXB Giáo dục hoặc cuốn sách về truyện ngắn trung đại của Nguyễn Đăng Na trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”). Một lý do khác ông đưa ra, đó là Trần Thế Pháp là người xứ Đoài còn Vũ Quỳnh và Kiều Phú thì không, vì vậy nên chọn bản của Trần Thế Pháp và bỏ tên hai tác giả còn lại ra khỏi tập sách là được. Trần Thế Pháp là tác giả giai đoạn đầu hoặc giữa thế kỷ XIV, Nguyễn Phi Khanh là tác giả những năm cuối thế kỷ XIV, đầu XV, vì vậy phải đưa Trần Thế Pháp lên trước Nguyễn Phi Khanh.
Mục 3. NGUYỄN TRÃI nên tuyển thêm cả Nguyễn Phi Khanh truyện, tác phẩm này tuy đặt là truyện nhưng không phải là truyện hư cấu, tưởng tượng mà là tác phẩm ký viết về Nguyễn Phi Khanh.
Phần I theo nhà nghiên cứu này nên tuyển thêm văn của Ngô Thì Sĩ, một tác giả lớn, một nhà văn, nhà văn hóa người Tả Thanh Oai, bố của Ngô Thì Nhậm.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh bản thảo cũng cần có một quy cách biên soạn khoa học hơn, nhất là ở phần giới thiệu tác giả, tác phẩm. Phần này quá ngắn gọn, ít thông tin cập nhật. Phần địa danh, quê quán tác giả chỗ thì ghi là Hà Tây, Hà Đông, chỗ thì Hà Tây cũ, Hà Đông cũ, chỗ thì nay thuộc Hà Nội... Nếu tất cả các địa danh này nay đã đều thuộc Hà Nội thì không cần ghi Hà Đông cũ, Hà Tây cũ, Hà Nội mới nữa, mà chỉ cần ghi đến tên huyện hoặc thị xã, thành phố trực thuộc là được. Các trường hợp thuộc xứ Đoài nhưng nay không thuộc Hà Nội mới cần chú thích thêm.
Ngoài ra một vài góp ý về quy cách biên soạn PGS.TS. Vũ Thanh lưu ý thêm nhóm biên soạn như: Cần phải ghi một cách đầy đủ nguồn gốc tài liệu, tên tài liệu, năm và nơi xuất bản, tên tác giả, dịch giả; cần rà soát, sửa chữa các lỗi chính tả, kỹ thuật; Nên bổ sung các bảng tra cứu tên tác giả, tác phẩm và tranh ảnh minh họa.
Về cơ bản, PGS.TS. Vũ Thanh khẳng định đây là bản thảo của một tập sách lớn, được biên soạn công phu, nghiêm túc, hoàn toàn có cơ sở và khả năng thực thi. Ông đề nghị tập thể tác giả lưu ý các nhận xét của Hội đồng để có sự điều chỉnh, sửa chữa cho cuốn sách khi ra đời sẽ hợp lý và mang giá trị nghệ thuật, khoa học chuẩn mực hơn.
Minh An (tổng hợp)
Theo nhận xét của PGS.TS. Vũ Thanh - Ủy viên Hội đồng
Nhà xuất bản Hà Nội