Một công trình công phu về văn học - văn hóa vùng đất xứ Đoài
Sau khi đọc bản thảo công phu với dung lượng lên tới hơn 1400 trang, PGS.TS. Vũ Tuấn Anh ghi nhận những ưu điểm của công trình. Trước hết thành công của bản thảo đến từ bài dẫn luận do chủ biên Bằng Việt chắp bút. Nhà nghiên cứu văn học này nhấn mạnh bài viết có chất lượng tốt, trình bày khá rõ nội dung, mục tiêu, cách tuyển chọn của công trình cùng những giới thuyết cần thiết về thể loại để làm rõ quan điềm về tên gọi của sách là “Tản văn xứ Đoài”. Cách viết nhẹ nhàng nhưng chu đáo, kỹ lưỡng thích hợp với việc giới thiệu một Hợp tuyển.
Phần Tuyển chọn được đánh giá có chất lượng tương đối tốt, bao gồm được những tác giả đáp ứng các tiêu chí cùng những tác phẩm tiêu biểu của từng người. PGS.TS. Vũ Tuấn Anh ghi nhận nhóm biên soạn đã có sự tiếp thu những góp ý bổ sung trong cuộc họp nghiệm thu đề cương cách đây hơn một năm. Tuy nhiên ông cũng lưu ý nhóm biên soạn trường hợp một vài tác giả khác có được nhắc đến nhưng không được tuyển thì nên có giải thích rõ hơn.
Bên cạnh đó PGS.TS. Vũ Tuấn Anh cũng đề xuất một số góp ý để hoàn thiện bản thảo.
Trước hết theo ông, tên sách nên nghiên cứu và đặt lại. Đặt là Tản văn xứ Đoài vừa không đúng về thể loại nhiều bài tuyển trong sách vừa làm nhỏ đi quy mô và tầm vóc cuốn sách. Nhiều bài tuyển là trích từ những tác phẩm ký, hồi ký dầy dặn, và có nhiều tác phẩm mang dáng dấp truyện ngắn, truyện dài. Ông cho rằng nên đặt chữ ký vào tên sách để tránh những thắc mắc không cần thiết và điều này cũng tạo sự hài hòa, “trọn bộ” với các tuyển truyện ngắn, tiểu thuyết, góp phần tạo nên sự hoàn chỉnh của toàn bộ Văn xuôi xứ Đoài. Thêm nữa, nhà nghiên cứu này cũng đồng ý với ý kiến không nên đặt là Tuyển; đặt là Hợp tuyển đúng hơn bởi có lẽ đây là “lần cuối” tổng kết văn xuôi xứ Đoài - một vùng đất đã nằm trong lòng Hà Nội nhiều năm nay. Với cách lý giải đó, PGS.TS. Vũ Tuấn Anh đề xuất tên gọi mới của công trình là “Văn xứ Đoài - Ký & Tản văn (Hợp tuyển)”.
Về chất lượng các tác phẩm được tuyển chọn, PGS.TS. Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh cần chặt chẽ hơn, có thể mạnh dạn lược bỏ các bài chất lượng yếu; một số bài trích quá dài với hàng chục “chương” đánh số I, II... hoặc nhiều chục trang sách cũng nên nghiên cứu cắt bớt.
Đồng quan điểm với nhiều thành viên Hội đồng, nhà nghiên cứu này cũng cho rằng nên dùng cách phân kỳ hợp lý và quen thuộc, không dùng khái niệm cận đại mà chỉ nên chia hai thời đoạn/hai cách gọi: trung đại và hiện đại hoặc có thể chia trung đại/ hiện đại và đương đại. Việc phân kỳ theo niên đại (từ năm... đến năm...) theo ông nên được cân nhắc thêm trên tinh thần đơn giản, dễ chấp nhận vì đây không phải là công trình khoa học về văn học sử Việt Nam.
PGS.TS. Vũ Tuấn Anh cũng lưu ý các vấn đề về quy cách như: Các bài tuyển nên có ghi chú năm xuất bản, năm đăng báo, để thể hiện tinh thần khoa học, đồng thời là những chỉ dẫn quan trọng cho người đọc khi tiếp nhận nội dung, không khí tác phẩm. Mặt khác cần thống nhất cách viết, chú ý độ dài ngắn và những ghi chú. Thí dụ: có tác giả giới thiệu tác phẩm có ghi cả nhà xuất bản, năm xuất bản; nhiều tác giả khác không có những ghi chú này. Nên thống nhất: các tác phẩm đều được ghi chú năm xuất bản để người đọc có thể hình dung dễ dàng hơn về tác phẩm và sự nghiệp tác giả.
Ngoài một số góp ý, về cơ bản PGS.TS. Vũ Tuấn Anh khẳng định công trình được thực hiện một cách công phu, nghiêm túc, đạt chất lượng tốt.
Minh An (tổng hợp)
Theo nhận xét của PGS.TS. Vũ Tuấn Anh - Ủy viên Hội đồng
Nhà xuất bản Hà Nội