Chuyên khảo về sự hình thành cộng đồng dân cư Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử dựng đô cho đến ngày nay
Tham gia Hội đồng nghiệm thu với tư cách phản biện, GS.TS. Nguyễn Đình Cử có điều kiện theo dõi bản thảo từ khi còn dạng đề cương. Sau khi đọc bản thảo, GS.TS. Nguyễn Đình Cử thêm một lần nữa khẳng định đây là chuyên khảo nghiên cứu mang tính hệ thống đầu tiên về chủ đề này.
Về nội dung, ngoài mở đầu và kết luận, bản thảo bao gồm 3 phần, 6 chương, 25 mục tạo thành một kết cấu tương đối chặt chẽ và hợp lý. Giáo sư Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh về cơ bản, bản thảo cuốn sách được viết bởi văn phong, thuật ngữ khoa học, chặt chẽ, sáng sủa, dễ hiểu. Các tác giả đã thành công với việc khái quát quá trình lịch sử hình thành, phát triển cộng đồng dân cư từ thời tiền sử đến Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt thành công trong việc trình bày, phân tích tình trạng dân cư Hà Nội (quy mô, cơ cấu, phân bố, di cư) trong khoảng 15 năm trở lại đây. Toàn bộ bản thảo, đặc biệt là các kết luận của công trình nghiên cứu này có giá trị lớn đối với các nhà nghiên cứu về Hà Nội cũng như các nhà quản lý và tất cả những ai muốn tìm hiểu về Thủ đô. Cùng quan điểm với các thành viên trong hội đồng nghiệm thu, GS.TS. Nguyễn Đình Cử cho rằng bản thảo đáp ứng đầy đủ mục tiêu đề ra và sẽ là một cuốn sách quý về Hà Nội.
Là người có nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực dân số và các vấn đề xã hội, GS.TS. Nguyễn Đình Cử có những góp ý nhằm nâng cao chất lượng bản thảo, cụ thể:
Về tên sách, cần cân nhắc thêm, lý do thứ nhất cụm từ “di dân trên đất Hà Nội” có thể được hiểu là “đi và đến chỉ trong phạm vi lãnh thổ Hà Nội, tựa như là từ Đông Anh sang Hoàn Kiếm, chứ không phải là từ Ninh Bình đến Thăng Long hoặc từ Hà Nội đến Lâm Đồng”. Trong khi đó, nội dung của Chương 6 thì ngược lại, di cư được phản ánh từ các tỉnh đến Hà Nội và từ Hà Nội đi các tỉnh, tức là tiêu đề không phản ảnh thực trạng di dân.
Lý do thứ hai, “biến đổi quy mô”, “biến đổi cơ cấu”, “biến đổi phân bố” cũng là những nội dung lớn của cuốn sách và đều chiếm trọn 01 chương, như Chương 6 (Di cư ở Hà Nội từ giữa thập niên 1980 trở lại đây) nhưng lại không được đưa vào tiêu đề, còn “di cư…” lại được đưa vào tiêu đề, tạo nên sự “bất bình đẳng” giữa các chương. Hơn nữa, phần 3 chỉ có 01 chương cũng mất cân đối với phần khác.
Lý do thứ ba, “phân bố dân cư”, “di dân” là những thành tố thuộc nội hàm của “dân cư”. Khi bàn đến lịch sử hình thành cư dân Thăng Long - Hà Nội, quá trình di cư, hội tụ về mảnh đất này đương nhiên phải được nhắc đến. Vì vậy, tương tự như Biên bản nghiệm thu đề cương, GS.TS. Nguyễn Đình Cử khuyến nghị tiêu đề của cuốn sách là “Dân cư Thăng Long - Hà Nội”, gọn hơn, bao hàm được cả nội dung “Phân bố dân cư, di cư” và tránh được các nhược điểm nêu trên.
Về bố cục của cuốn sách và tiêu đề các mục
Theo GS.TS. Nguyễn Đình Cử không nên chia nội dung cuốn sách thành 3 phần, vì “phân bố dân cư” là một trong những thành tố thuộc nội hàm của “dân cư Thăng Long - Hà Nội”. Vì vậy, “Phân bố dân cư và quần cư” (phần 2) và “Di dân trên đất Hà Nội” (phần 3) là các nội dung, các bộ phận của “Dân cư Thăng Long - Hà Nội” (Phần 1), hay phần 2, phần 3 nằm trong phần1 chứ không phải là những phần tách biệt.
Bố cục Chương 4: Phân bố dân cư chưa hợp lý. Nên trình bày xong hết các mục về phân bố dân cư (mục 4.1 và mục 4.3) rồi mới đến mục “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư” (Trong sách là mục 4.2 nhưng nên chuyển xuống mục 4.3). Vì Hà Nội là tên mới (từ năm 1831) nên các tiêu để của Chương 1 và các mục của Chương 1 cần lưu ý tình tiết lịch sử này. Do đó, Chương 1 có thể đặt tiêu đề là “Sự hình thành cộng động dân cư Thăng Long - Hà Nội”. Đối với các mục của Chương 1, chỉ dùng danh từ “Hà Nội”, từ thời Pháp thuộc, các thời kỳ khác nên dùng địa danh “Thăng Long” gần với thực tế hơn. Cũng cần lưu ý là, trong tiêu đề Chương 1 sử dụng thuật ngữ “dân cư” nhưng trong tất cả các tiểu mục của Chương này lại dùng “cư dân”, có lẽ nên thống nhất lại các thuật ngữ.
Theo GS.TS. Nguyễn Đình Cử thì tiêu đề Chương 2 nên gọn lại là “Quy mô dân số Hà Nội”, vì nếu thêm “Biến động dân số” thì “Biến động dân số” phải bao hàm cả biến động cơ cấu dân số, phân bố dân số, mức sinh, mức chết và di cư, chứ không phải chỉ có biến động quy mô dân số. Mặt khác, các chương khác, như “Cơ cấu dân số” và “Phân bố dân cư” cũng được nghiên cứu trong trạng thái động, nhưng lại không được đặt trong tiêu đề như Chương 2.Theo nhận định từ đầu và cũng là mục đích của chính các tác giả thì đây là một chuyên khảo nên tính khoa học cũng là một yêu cầu tối thiết. Vậy nên, GS.TS. Nguyễn Đình Cử muốn các tác giả phải chuẩn hóa, thống nhất về thuật ngữ và văn phong. Đơn cử các chỉ tiêu như: Tỷ suất sinh thô (CBR), Tỷ suất chết thô (CDR), Tỷ suất tăng tự nhiên dân số (NIR),… cần được định nghĩa ngắn gọn (có thể trong hộp và viết tiếng Anh đầy đủ trước khi viết tắt) và được dùng thống nhất. Hiện nay có tình trạng không thống nhất khi dùng các thuật ngữ này, không định nghĩa và không thống nhất với Từ điển Thống kê của Việt Nam sẽ làm người đọc bị rối. Để cụ thể hơn và chính xác hơn, Giáo sư Nguyễn Đình Cử đã kỳ công làm bảng thống kê để các tác giả tiện theo dõi và tiếp thu chỉnh sửa:
Thuật ngữ chuẩn trong từ điển thống kê
|
Thuật ngữ cùng nghĩa được dùng không thống nhất trong sách
|
Mức chết
|
Mức tử vong (trang 42)
|
Mức tử (trang 42 -46)
|
Tỷ suất sinh thô
|
Sinh (%o), (trang 42)
|
Mức sinh thô, (trang 43)
|
Tỷ lệ sinh (trang 43)
|
Tỷ suất chết thô
|
Chết (%o), trang 42 - 43
|
Tỷ suất tử thô, (trang 43)
|
Mức tử vong thô, (trang 46)
|
Tỷ suất tử vong, (trang 46)
|
Mức tử, (trang 46)
|
Tỷ số phụ thuộc
|
Tỷ lệ dân số phụ thuộc, (trang 55)
|
Tỷ lệ phụ thuộc, (trang 58)
|
Về số liệu và trình bày số liệu
Theo GS.TS. Nguyễn Đình Cử, các tác giả nên kiểm tra lại số liệu về “Mật độ dân số không ít xã/phường lên đến trên 100.000 người/km2” (trang 93). “Bốn phường có mật độ cao nhất …125.000 người/km2 đều thuộc quận Hoàn Kiếm” (trang 98). Vì năm 2009, Hoàn Kiếm có 18 phường, diện tích 5,29 km2 với dân số 143.528 người mật độ khoảng 27.000 người/km2 (số liệu tháng 4/2009).
Cần phải cập nhật số liệu ở một số bảng, ví dụ hiện đã có số liệu dân số năm 2014 (Điều tra giữa kỳ 1-4-2014 do UNFPA hỗ trợ). Hơn nữa, việc lựa chọn thời điểm, thời khoảng cũng cần cân nhắc, sao cho sử dụng được số liệu tin cậy nhất như Tổng điều tra dân số 1979 - 1989 - 1999 - 2009, các khoảng nên đều nhau, chẳng hạn đối với các Bảng 2.1; Bảng 2.3,…
Bên cạnh đó thì nhiều bảng số liệu không có đơn vị tính, trong bảng tiếng Anh, tiếng Việt lẫn lộn, (Bảng 6.17 - Bảng 1.2 - Bảng 2.2 - Bảng 2.12….). Tiêu đề trong các cột/dòng của bảng số liệu chưa thật chuẩn, chẳng hạn Bảng 2.3 tiêu đề cột 2 phải là “Tỷ lệ tăng dân số trung bình/năm”. Tiêu đề của các cột trong các bảng 6.5; 6.6; 6.7 và 6.8 cần thống nhất. Bảng 1.2 tổng các số trong 3 cột cuối cùng chưa bằng 100%!
Việc không trình bày cơ cấu dân số theo tuổi và giới tính dưới dạng bảng số liệu mà chỉ có dạng biểu đồ làm khó nhận biết cơ cấu thực. Ngoài việc lập bảng thì theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử các tác giả nên có định nghĩa cơ cấu dân số theo tuổi và giới tính và trình bày trước hết dưới dạng bảng số liệu, sau đó mới đến dạng biểu đồ - tháp dân số.
Nhiều mục/tiểu mục kết thúc bằng bảng số liệu, thiếu phân tích các bảng số liệu này (bảng 3.5 - 3.7 - 4.2 - 6.11,…) gây nên sự hụt hẫng và cuốn sách trở nên nặng nề, dễ làm cho đọc giả “thấy cây mà không thấy rừng”.
Để nội dung dễ theo dõi cũng như chặt chẽ hơn, Giáo sư Nguyễn Đình Cử mong muốn các tác giả chuyển một số bảng quá lớn, chiếm gần hết cả trang (Bảng 3.7 - 3.12 - 3.15 - 3.17 - 3.18,…) sang Phần phụ lục. Hoặc bỏ bớt các cột số liệu không cần thiết cho việc phân tích để đơn giản hóa các bảng, làm cho các bảng đỡ rối. Thí dụ: Bảng 6.19 chỉ để chứng minh di cư nữ nhiều hơn nam thì chỉ cần các cột số tương đối (%) là đủ chứ không cần thêm các cột số tuyệt đối. Toàn văn Bảng 6.19 có thể đưa vào phần Phụ lục.
Ngoài những đóng góp có tính chuyên môn sâu ra, GS.TS. Nguyễn Đình Cử cũng có góp ý các tác giả về văn phong cần phải trau chuốt có tính khoa học hơn, ở đây có sự rườm rà không cần thiết, đồng thời cũng phải rà soát sửa lỗi chính tả.
*
Ngoài những đánh giá góp ý trên, trong bản nhận xét của mình, GS.TS. Nguyễn Đình Cử còn mong muốn các tác giả xem xét, bổ sung các nội dung về cộng đồng dân cư từ 1954 đến nay; Sự biến động của Tỷ suất gia tăng tự nhiên dân số; Một số vấn đề dân số chưa được giải thích nguyên nhân, hậu quả và so sánh trong nước, so với Thành phố Hồ Chí Minh và quốc tế… chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn ở bài viết sau.
Linh Chi tổng hợp
(Theo ý kiến nhận xét của GS.TS. Nguyễn Đình Cử)
Nhà xuất bản Hà Nội