"Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội". Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn
Cũng từ nhận định, đánh giá của TS. Lê Văn Hương, về hình thức, cấu trúc cuốn sách gồm 3 phần, được phân thành 6 chương đã được các tác giả biên soạn và trình bày đầy đủ, đáp ứng được mục tiêu đề ra là phục vụ người đọc nghiên cứu về Địa lý dân cư Hà Nội. Các nội dung cụ thể được các tác giả của cuốn sách xếp đặt là hợp lý, khoa học. Cách trình bày rõ ràng khúc chiết, hệ thống các bản đồ, bảng biểu, hình vẽ minh họa đa dạng, phong phú, thuận tiện cho việc học tập và nghiên cứu.
Về nội dung, sau khi đọc bản thảo, TS. Lê Văn Hương đã nêu tóm lược, ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, nội dung của cuốn sách gồm 3 phần.
Phần 1: Dân cư Thăng Long Hà Nội, gồm 3 chương.
Chương 1. Sự hình thành cộng đồng dân cư ở khu vực Hà Nội đã phác họa được bức tranh chung về sự hình thành và biến động của cộng đồng dân cư, dân tộc ở vùng Hà Nội qua 6 giai đoạn lịch sử từ thời tiền sử, giai đoạn văn hóa Đông Sơn, thời kỳ Bắc thuộc, thời phong kiến tự chủ, thời Pháp thuộc và giai đoạn từ 1954 đến nay.
Trong các Chương 2: Quy mô dân số và sự biến động dân số, Chương 3: Cơ cấu dân số, tập thể tác giả đã phân tích chi tiết và làm nổi bật các quá trình nhân khẩu học, những đặc thù của cơ cấu dân số Hà Nội cả về mặt sinh học cũng như về các phương diện xã hội nghề nghiệp. Các tác giả cuốn sách cũng đã phân tích và lý giải về sự biến động dân số Hà Nội qua các thời kỳ, sự khác biệt về quy mô dân số về mặt không gian giữa ngoại thành và nội thành, giữa hữa ngạn và tả ngạn sông Hồng.
Phần 2: Phân bố dân cư và quần cư, gồm 2 chương:
Chương 4. Phân bố dân cư đã làm nổi bật các đặc điểm phân bố dân cư Hà Nội là đơn vị hành chính có mật độ dân số cao nhất nhì cả nước và dân cư phân bố không đồng đều giữa các quận huyện. Các tác giả cũng đã thể hiện sinh động bức tranh phân bố dân cư thành thị và phân bố dân cư nông thôn qua các thời điểm khác nhau. Những nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư được phân tích và đánh giá một cách cụ thể và tổng hợp giúp lý giải đầy đủ hơn các đặc điểm phân bố dân cư Hà Nội.
Chương 5: Đô thị hóa và quần cư đô thị cung cấp cho người đọc những kiến thức và thông tin về quá trình đô thị hóa Hà Nội qua các giai đoạn khác nhau, vai trò và vị trí của đô thị Hà Nội trong hệ thống đô thị cả nước. Đặc biệt, sự phát triển và thay đổi cấu trúc không gian đô thị Hà Nội gắn với sự thay đổi phân bố dân cư trong nội thành và các vùng ngoại thành liền kề đã được phân tích một cách khá đầy đủ và chi tiết.
Phần 3: Di dân trên đất Hà Nội. Trên cơ sở chọn lọc và xử lý nguồn dữ liệu từ kết quả các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam các năm 1999, 2009 các tác giả đã phân tích và làm nổi bật các đặc điểm của các luồng di gồm di cư liên tỉnh, di cư nội tỉnh, di cư nông thôn - thành thị qua các thời điểm từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX trở lại đây. Bên cạnh đó, tác giả cuốn sách còn có những phân tích, đánh giá những tác động kinh tế - xã hội của di cư ở Hà Nội, từ đó chỉ ra một số vấn đề trong quy hoạch và quản lý đô thị Hà Nội.
Với bố cục và các nội dung cùng kết quả như vậy, theo TS. Lê Văn Hương cuốn sách đã đáp ứng được yêu cầu của một cuốn sách chuyên khảo thuộc mảng sách Địa lý. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề cần trao đổi với các tác giả. So với đề cương, cấu trúc cuốn sách có một số thay đổi, đề nghị tác giả lý giải thêm.
Theo TS. Lê Văn Hương, mục 4.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến phân bố dân cư hoặc đưa lên thành 4.1 hoặc đưa xuống 4.3. Vì các mục 4.1. Mật độ dân số cao, phân bố rất không đồng đều và mục 4.3. Phân bố dân cư theo khu vực thành thị và nông thôn đều trình bày liên quan đến vấn đề phân bố dân cư.
Còn ở Phần 3: Di dân trên đất Hà Nội mới chỉ có 1 chương, có sự chênh lệch về dung lượng văn bản và kết cấu nội dung, TS. Lê Văn Hương đề xuất nên tách mục 6.3. Một số tác động kinh tế - xã hội của di cư ở Hà Nội thành chương 7. Ngoài ra các tác giả cũng hết sức lưu ý các lỗi kỹ thuật, rà soát bổ sung đơn vị tính cho các bảng biểu và bổ sung nguồn cho một số bảng thiếu nguồn trích dẫn.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Hương trên thế giới, địa lý dân cư mới thực sự được nghiên cứu kỹ trong phạm vi từng quốc gia từ thế kỷ XVIII. Ở mỗi vùng, địa lý dân cư được xem xét, nghiên cứu dưới các góc độ và phương diện khác nhau. Trên bình diện quốc gia, có nhiều chương trình, các cuộc tổng điều tra dân số phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển dân số cho từng thời kỳ. Để hoàn thành bản thảo "Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội" là sự nỗ lực quyết tâm cao của những nhà nghiên cứu và sư phạm có trình độ chuyên môn cao, có uy tín và có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về địa lý dân cư nói chung và Hà Nội nói riêng. Tiến sĩ Lê Văn Hương bày tỏ hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của cuốn sách này và cho rằng đây là một công trình khoa học công phu, nội dung chuyên sâu về địa lý dân cư của Hà Nội, xứng đáng để đưa vào "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Linh Chi (tổng hợp)
(Theo ý kiến nhận xét của TS. Lê Văn Hương)
Nhà xuất bản Hà Nội