“DÂN CƯ VÀ QUÁ TRÌNH DI DÂN TRÊN ĐẤT HÀ NỘI” Được hệ thống một cách công phu
Sau khi đọc toàn bộ bản thảo với 189 trang, trong đó có 66 bảng, 43 hình, 1 hộp, phần mở đầu và kết luận, chia làm 3 phần với 6 chương, PGS.TS. Lại Văn Cẩm đã bám theo từng phần, chương mục để nêu những ưu điểm mà các tác giả đã làm được. Với Phần 1: Dân cư Thăng Long - Hà Nội, gồm 3 chương, 86 trang. Chương 1: Sự hình thành cộng đồng dân cư ở khu vực Hà Nội, là phần tổng hợp tài liệu, phân tích sự hình thành các cộng đồng dân cư theo 6 mốc thời gian đã cung cấp cho người đọc bức tranh khái quát nhất về sự hình thành các cộng đồng dân cư trên đất Hà Nội. Trong chương 2: Quy mô dân số và sự biến động dân số và chương 3: Cơ cấu dân số, thông qua việc sử dụng nhiều nguồn số liệu chính thức, bằng các phương pháp nghiên cứu phù hợp, trình độ phân tích rất cao, các tác giả đã cung cấp cho người đọc các kiến giải phong phú, rõ ràng, đầy đủ các nội dung cần đề cập khi nghiên cứu và trình bày về vấn đề dân số gồm quy mô dân số qua các thời kỳ, biến động dân số, động thái mức sinh và mức tử, cơ cấu tuổi và giới tính, cơ cấu dân số theo dân tộc, cơ cấu dân số theo tôn giáo, cơ cấu dân số theo tình trạng hôn nhân, quy mô hộ gia đình, nguồn lao động và việc sử dụng nguồn lao động. Các hình, bản đồ minh họa trong phần này phong phú, trực quan.
Nội dung của Phần 2: Phân bố dân cư và quần cư, gồm chương 4: Phân bố dân cư, Chương 5: Đô thị hóa và quần cư đô thị. Với 63 trang, phần này, các tác giả nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư, phân bố dân cư phân theo khu vực thành thị và nông thôn và đưa ra đặc điểm quan trọng của phân bố dân cư trên đất Hà Nội là mật độ dân số cao, phân bố rất không đồng đều. Trên cơ sở nghiên cứu về các giai đoạn đô thị hóa ở Thăng Long - Hà Nội, đánh giá sự hình thành quần cư đô thị qua sự phát triển của dân số đô thị Hà Nội qua các thời kỳ, so sánh Hà Nội với hệ thống đô thị trong cả nước, nghiên cứu sự phát triển và thay đổi cấu trúc không gian đô thị Hà Nội, các tác giả đã khái quát được những đặc điểm chính yếu của quá trình phân bố dân cư và quần cư của đất Hà Nội qua các thời kỳ. Phần hai được viết với nhiều tư liệu quý, cả về tư liệu viết và tư liệu bản đồ. Dựa trên những tư liệu đó, các tác giả đã phân tích, đúc kết nhiều đặc điểm có giá trị thu hút và hấp dẫn người đọc.
Trong phần Phần 3: Di dân trên đất Hà Nội, với 30 trang bản thảo các tác giả đi sâu phân tích các luồng di cư, tính chọn lọc của di cư và đánh giá một số tác động kinh tế - xã hội của di cư ở Hà Nội. Đây là phần khó viết vì tài liệu không dễ thu thập và phân tích. Tuy nhiên các tác giả đã vượt qua được những khó khăn đó để hoàn thành phần viết.
Với trình độ chuyên môn cùng nhiệt huyết nghiên cứu, các tác giả đã thể hiện thành công chủ đề về dân cư và quá trình di dân trên đất Thăng Long - Hà Nội. Với phương pháp nghiên cứu liên ngành, dựa trên các tư liệu, tài liệu thống kê, điền dã thực tế, các tác giả đã phác họa diện mạo sự vận động và phát triển của dân cư Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đánh giá những ưu điểm mà bản thảo đạt được, PGS.TS. Lại Vĩnh Cẩm có những góp ý cụ thể giúp các tác giả hoàn thiện bản thảo. Theo ông mặc dù viết về dân cư, dân số là vấn đề cần có nhiều số liệu để phân tích, chứng minh nhưng người đọc nhận thấy số lượng bảng ở một vài chương hơi nhiều, khiến cuốn sách trở nên nặng nề. Ví dụ tại chương 6, độ dài của chương là 29 trang nhưng có đến 23 bảng, vì thế khi đọc sách cần thời gian theo dõi các bảng này nhiều hơn là đọc kiến giải của các tác giả. Một điều mà PGS.TS. Lại Vĩnh Cẩm muốn nhấn mạnh với các tác giả đó là chỉ dẫn người đọc phải chính xác giữa nội dung với biểu đồ, hình, bảng, bởi ở đây có sự sai lệch, chỉ dẫn xem bản đồ nhưng lại không có. Cũng ở vấn đề về sự lô gích, PGS.TS. Lại Vĩnh Cẩm cho rằng cuốn sách chỉ có 1 hộp ở trang 10 để đưa Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ, nên dùng hình thức khác cho thống nhất toàn cuốn sách. Cùng với đó, các tác giả cần phải có biên tập một số lỗi kỹ thuật, điều này giúp cho cuốn sách tránh những hạt sạn không đáng có.
Tựu chung cho những vấn đề đã nhận xét, đánh giá và góp ý, PGS.TS. Lại Vĩnh Cẩm nhận định bản thảo “Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội” được viết bởi các chuyên gia hàng đầu có nhiều tâm huyết về lĩnh vực này. Được thực hiện “đúng người đúng việc” tạo nên sự thành công của bản thảo với nội dung phong phú, cấu trúc hợp lý, hình, bảng biểu minh họa phong phú, trực quan, văn phong mạch lạc thu hút và hấp dẫn người đọc. Sau khi sửa chữa những lỗi kỹ thuật, rà soát để nâng cao chất lượng, bản thảo xứng đáng được Nhà xuất bản Hà Nội cho xuất bản để phục vụ rộng rãi bạn đọc.
Ngọc Linh (tổng hợp)
(Theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Lại Vĩnh Cẩm)
Nhà xuất bản Hà Nội