DÂN CƯ VÀ QUÁ TRÌNH DI DÂN TRÊN ĐẤT HÀ NỘI - Dưới góc nhìn dân số và các vấn đề xã hội
Trước hết, GS.TS. Nguyễn Đình Cử đặt vấn đề về cộng đồng dân cư từ 1954 đến nay (mục 1.6). Theo ông, trong bản thảo, các tác giả mới trình bày tầng lớp trí thức, giai cấp công nhân và sự tiêu vong của giai cấp tư sản. Các tầng lớp khác được gói trong bảng 1.3 (trang 25) là không tương ứng với việc trình bày các giai tầng xã hội của các thời kỳ trước. Các câu hỏi đặt ra là, Hà Nội có khoảng 80.000 doanh nghiệp tư nhân, liệu đã đủ hình thành tầng lớp doanh nhân Hà Nội? Giai cấp nông dân ngoại thành đông đảo, nhất là khi sáp nhập với Hà Tây cũng không được liệt kê! Hà Nội cũng có hàng chục vạn dân “trôi nổi”, không ở diện KT nào. Họ là người giúp việc, nhân viên hợp đồng, tạm tuyển trong các nhà hàng, khách sạn, công trường xây dựng, xe ôm, người bán hàng rong,… Điều này có nghĩa là, kết cấu xã hội phong phú và đa dạng của cộng đồng dân cư Hà Nội cần phải làm rõ hơn.
Hà Nội có hàng ngàn văn phòng đại diện doanh nghiệp nước ngoài, đại sứ quán của 180 nước, hơn 650 tổ chức phi chính phủ, 63 tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài đóng trên Thủ đô. Người nước ngoài của các tổ chức, doanh nghiệp trên cùng với khách du lịch quốc tế tuy không là công dân thủ đô nhưng cũng tạo thành nhóm cư dân đông đảo tại Hà Nội và có ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế, văn hóa, xã hội Hà Nội. Liệu có nên đề cập trong cuốn sách này?
Vấn đề thứ hai, GS.TS. Nguyễn Đình Cử muốn nói đến đó là sự biến động của Tỷ suất gia tăng tự nhiên dân số. Sự biến động của tỷ suất này trong thời kỳ quá độ dân số là “Tăng lên, giảm dần, ổn định thấp” chứ không phải chỉ là “giảm đi và ổn định” (trang 27).
Một nội dung, một vấn đề mà các tác giả cần phải xem xét để bổ sung đó là: Một số vấn đề dân số chưa được giải thích nguyên nhân, hậu quả và so sánh trong nước, so với Thành phố Hồ Chí Minh và quốc tế. Điều này đã làm cho cuốn sách trở nên khô cứng, chỉ có con số và biểu bảng (67 bảng). Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử các tác giả nên cân nhắc đưa một số bảng số liệu sang phần phụ lục. Nhiều đặc điểm dân số, như: Sự phân bố dân số không đồng đều; “Cơ cấu dân số vàng”; Mất cân bằng giới tính khi sinh; Hà Nội luôn nằm trong 10 tỉnh nhập cư cao nhất… Nếu phân tích nguyên nhân, hậu quả; so sánh trong nước và quốc tế sẽ cho thấy đặc điểm nổi bật của Thủ đô và cuốn sách trở nên sinh động hơn.
Vấn đề thứ tư, đó là: Cơ cấu dân số theo tình trạng hôn nhân (mục 3.4). Ở nội dung này, GS.TS. Nguyễn Đình Cử cho rằng có lẽ cuốn sách cũng nên đề cập tình trạng “sống thử”, “làm mẹ đơn thân” và hôn nhân đồng tính - những cái “mới, lạ, sốc” của hôn nhân - gia đình nhưng không là “của hiếm” ở Hà Nội. Thậm chí, ngày 1/8/2015, sự kiện mang tên “Happy Colour - Màu hạnh phúc” dành cho cộng đồng LGBT (người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới) diễn ra rất sôi động với 2000 người dự tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ mà “điểm nhấn” là một đám cưới đồng tính diễn ra công khai.
Vấn đề thứ năm, đó là: Mục cơ cấu hộ gia đình theo quy mô nhân khẩu (mục 3.5). Theo GS.TS. Nguyễn Đình Cử nên đặt gọn lại là “cơ cấu hộ gia đình theo số khẩu”. Việt Nam vận động “Mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con”. Do đó, “gia đình nhỏ” nên có 4 người trở xuống. Cũng cần xem xét cơ cấu gia đình theo tiêu thức định tính, như quan hệ giữa các thành viên (gia đình hạt nhân, gia đình phi hạt nhân) để xem gia đình truyền thống kiểu tam tứ đại đồng đường ở Thủ đô đang trong quá trình giải thể hay còn tồn tại?
Vấn đề thứ sáu, ở mục: “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư” trong chương 4 cần nhấn mạnh và bổ sung thêm chính sách kinh tế - xã hội. Trong chương này, nên bỏ đoạn cuối trang 87 và đoạn đầu trang 88 về “những lý do để Hà Nội có mật độ dân số cao” vì đã có mục 4.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư. Mục “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư” cần phân tích chính sách hạn chế di cư “nông thôn - đô thị” thông qua hộ khẩu và chế độ bao cấp lương thực, thực phẩm đã làm quá trình đô thị hóa ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng “đóng băng” trong giai đoạn (1970 - 1990). Vì vậy, nhận định “Dân số đô thị của Hà Nội đã tăng rất nhanh từ năm 1950 đến nay” (trang 128) cần được xem xét lại, nhất là so với Hàn Quốc có trình độ phát triển như Việt Nam vào giữa thế kỷ trước.
Bảng 1: Tỷ lệ dân đô thị Việt Nam và Hàn Quốc, 1950 -2010
Năm
|
Tỷ lệ dân số đô thị (%)
|
VIỆT NAM
|
HÀN QUỐC
|
1950
|
11,6
|
21,35
|
1960
|
14,7
|
39,1
|
1970
|
18,3
|
50,1
|
1980
|
19,2
|
68,7
|
1990
|
20,3
|
81,9
|
2000
|
24,5
|
88,3
|
2010
|
30,4
|
90,2
|
Nguồn: + World urbanization Prospectives: The 2009 Revision Population Database.
+ Đại học KTQD và Đại học quốc gia Mokpo Hà Quốc. Chính sách xã hội đối với di dân nông thôn thành thị. NXB Đại học KTQD. Hà Nội, 2012.
Xóa bỏ bao cấp, phát triển kinh tế thị trường, vốn đầu tư vào Hà Nội lớn, nới lỏng đăng ký hộ khẩu (Luật cư trú 2006) đã thu hút lao động - dân số vào Thủ đô làm thay đổi phân bố dân cư ở đây. Mục 6.2.2 có tiêu đề “Tính chọn lọc về tuổi” nhưng vẫn trình bày cả tính chọn lọc về giới, mặc dù ngay trước đó đã có mục 6.2.1 “Tính chọn lọc về giới”. Nên sắp xếp lại nội dung cho phù hợp với cả 2 tiêu đề của 2 mục 6.2.1 và 6.2.2.
*
Với những góp ý cụ thể, phân tích mạch lạc, các vấn đề GS.TS. Nguyễn Đình Cử đưa ra để các tác giả xem xét, bổ sung sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hoàn thiện bản thảo hơn trước khi đến tay bạn đọc. Bản thảo khi ra sách sẽ phục vụ đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu sâu hơn về Thủ đô Hà Nội, đồng thời còn là tài liệu tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu về dân cư và di dân ở Thăng Long – Hà Nội.
Ngọc Khánh (tổng hợp)
(Theo ý kiến nhận xét của GS.TS. Nguyễn Đình Cử)
Nhà xuất bản Hà Nội