“DÂN CƯ VÀ QUÁ TRÌNH DI DÂN TRÊN ĐẤT HÀ NỘI” Dưới góc nhìn sử học
Khi được Nhà xuất bản Hà Nội mời làm tư vấn cho mảng sách Địa lý trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, ngay từ đầu ông đã đề xuất việc xây dựng cuốn sách về Dân cư Thăng Long Hà Nội, nhưng do khoảng thời gian quá ngắn nên cuốn sách rất quan trọng này đành phải gác lại. Thật may mắn là Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến tiếp tục thực hiện ở giai đoạn II, ý tưởng của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đã thành hiện thực. Hơn nữa, đề tài được thực hiện bởi GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức và GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh, những con người có nhiều năm gắn bó và dành toàn bộ tâm huyết về dân cư Thăng Long - Hà Nội.
Trước hết, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đánh giá rất cao tinh thần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên trong hội đồng từ buổi nghiệm thu đề cương. Trên tinh thần đề cương đã phê duyệt, các tác giả đã bồi đắp nội dung để có được bản thảo với 3 phần, 6 chương, theo lô gích chặt chẽ và bố cục tương đối cân đối: Chương 1: Sự hình thành cộng đồng dân cư ở khu vực Hà Nội (26 trang); Chương 2: Quy mô dân số và sự biến động dân số (24 trang); Chương 3: Cơ cấu dân số (36 trang); Chương 4: Một số khía cạnh xã hội của dân cư (19 trang); Chương 5: Phân bố dân cư (21 trang); Chương 6: Quần cư nông thôn (19 trang); Chương 7: Đô thị hoá và quần cư đô thị (43 trang); Chương 8: Khái quát về di cư ở Hà Nội (đang hoàn thành); Chương 9: Di cư ở Hà Nội từ giữa thập niên 1980 trở lại đây (30 trang).
Dưới góc nhìn sử học, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc cho rằng đây là kết quả quá trình nghiên cứu công phu và lâu dài của các tác giả và đồng nghiệp, trong đó đặc biệt là luận án PTS Địa lý - Địa chất của Đỗ Thị Minh Đức về Phân tích dưới góc độ địa lý kinh tế - xã hội sự chuyển hoá nông thôn thành đô thị ở Hà Nội trong quá trình đô thị hoá được bảo vệ ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội cách đây đã 23 năm.
Vẫn trên tinh thần đánh giá về chất lượng, tính khoa học của bản thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc thấy được rằng trên cơ sở các nguồn tài liệu phong phú và cập nhật, trong đó đặc biệt là các tài liệu thống kê như Niên giám thống kê hàng năm, kết quả các đợt Tổng điều tra dân số, Tổng điều tra dân số và nhà ở…, kế thừa có chọn lọc nhiều tài liệu liên quan đến quá trình hình thành và phát triển dân cư Thăng Long – Hà Nội, các tác giả đã phân tích một cách hệ thống và nhận định khách quan về đặc điểm phân hoá trong không gian và biến đổi theo thời gian về nhân khẩu, dân cư, lao động và di cư trên địa bàn Hà Nội. Bản thảo được trình bày rõ ràng, mạch lạc với nhiều bản đồ, sơ đồ, biểu đồ sự phân bố và biến đổi nhân khẩu, dân cư, lao động và di cư ở Hà Nội. Mặc dù viết về những nội dung rất chuyên môn, chuyên sâu, nhưng người đọc phổ thông cũng có thể cảm nhận đây là một cuốn sách dễ hiểu, dễ đọc mà còn rất hấp dẫn nữa. GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc cho rằng đây chính là thành công lớn nhất của cuốn sách này.
Tuy nhiên, vì còn ở dạng bản thảo và hơn hết đây cũng là một chuyên khảo có tính phức tạp, mặc dù các tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành để vấn đề được nhìn, được xem xét, đánh giá đa chiều nhưng cũng không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Nhằm nâng cao chất lượng bản thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đã có những góp ý thêm: Theo ông nên đặt tên sách như đã thảo luận và thống nhất từ trước là Dân cư Thăng long Hà Nội và không nên chia ra thành 3 phần như trong bản thảo. Đây là vấn đề ngoài Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc ra thì rất nhiều thành viên khác trong hội đồng cũng đề cập về việc đổi tên sách.
Một vấn đề nữa mà GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đưa ra đó là theo lô gích thông thường thì khu vực huyện Mê Linh phải là trung tâm của văn hoá Đông Sơn, nhưng rất đặc biệt là đến nay Khảo cổ học vẫn chưa tìm thấy ở Mê Linh một di tích nào khả dĩ có thể xem đấy là văn hoá Đông Sơn (điều này giới sử học, Khảo cổ học đến nay vẫn chưa giải thích được), vì thế không nên (hay chưa nên) xếp Mê Linh là trung tâm của cư dân Đông Sơn (trang 8). Tương tự như vậy Mê Linh (làng Hạ Lôi) có thể tin là kinh đô của Hai Bà Trưng (vì dấu tích thành Mê Linh chưa cho niên đại chính xác đầu Công nguyên), nhưng chắc chắn không phải là kinh đô của nhà nước Văn Lang (như khẳng định ở trang 9).
Theo nhà sử học Nguyễn Quang Ngọc đúng là ngay từ thời Lý, Thăng Long đã có 3 vòng thành (“tam trùng thành quách”), nhưng là Đại La thành, Thăng Long thành và Cấm thành chứ khi đó chưa có tên Hoàng thành (như trình bày ở trang 11). Mãi đến thời vua Lê Thánh Tông vào những năm 60 của thế kỷ XV cái tên Hoàng thành xuất hiện là tên gọi của vòng thành giữa (có thể hiểu là Thăng Long thành thời Lý - Trần).
Đời Hậu Lê trong quan niệm của giới Sử học chỉ là để phân biệt với Tiền Lê và tương ứng với thời Lê sơ (1428-1527). Thời Hậu Lê (hay Lê sơ) được phân biệt với thời Lê Trung hưng (hay Lê Mạt) (xem lại nhận định ở trang 108).
*
Những nhận xét, đánh giá, góp ý của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc không đơn thuần là cách nhìn của một nhà sử học mà còn là cách nhìn của một người cả đời gắn bó với công việc giảng dạy và nghiên cứu. Ý nghĩa không chỉ nằm ở một chuyên khảo có tính hệ thống về vấn đề dân cư Thăng Long - Hà Nội mà nó còn là tài liệu quý, là cơ sở trong hoạch định các chính sách về dân cư Hà Nội hôm nay và mai sau vì một Thủ đô phát triển bền vững.
Khánh Chi (tổng hợp)
(Theo ý kiến nhận xét của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc)
Nhà xuất bản Hà Nội