“DÂN CƯ VÀ QUÁ TRÌNH DI DÂN TRÊN ĐẤT HÀ NỘI” phác họa bức tranh về dân cư Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử
Với nhiều năm công tác tại khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, là một thành viên của Hội đồng nghiệm thu, GS.TS. Trương Quang Hải sau khi đọc bản thảo đã có những nhận định, đánh giá sâu sát đến từng chương. Theo ông, qua nội dung bản thảo các tác giả đã phân tích một cách hệ thống về đặc điểm phân hóa trong không gian và biến đổi theo thời gian về nhân khẩu, dân cư, lao động và di cư trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, các tài liệu mang tính cập nhật, chú trọng sử dụng các tài liệu thống kê như Niên giám thống kê hằng năm, kết quả các đợt Tổng điều tra dân số, Tổng điều tra dân số và nhà ở... Cùng với đó là sự kế thừa có chọn lọc nhiều tài liệu liên quan đến quá trình hình thành và phát triển dân cư Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt các tác giả đã xây dựng nhiều bản đồ, sơ đồ, biểu đồ thể hiện sinh động và rõ ràng sự phân bố và biến đổi nhân khẩu, dân cư, lao động và di cư ở Hà Nội. Đây là những ưu điểm nổi bật của bản thảo, ngoài ra văn phong viết cô đọng, súc tích, kết hợp tốt giữa quy nạp và diễn giải trong trình bày các vấn đề, so sánh và luận giải rõ sự khác biệt giữa các quận huyện và sự thay đổi dân số, dân cư qua các thời kỳ khác nhau đã tạo cho tác phẩm có sức hấp dẫn nhất định chứ không đơn thuần là những con số, bảng biểu khô khan.
Sau khi nêu những điểm nổi bật mang tính khái quát, GS.TS. Trương Quang Hải đã khái lược và nêu bật nội dung của các chương theo bản đề cương. Ở chương 1. Sự hình thành của cộng đồng dân cư ở khu vực Hà Nội. Theo ông đây là chương khó vì ít tư liệu và ít các công trình chuyên nghiên cứu về dân cư Thăng Long - Hà Nội. Các tác giả đã chắt lọc các tài liệu tham khảo về lịch sử, khảo cổ, dẫn liệu về Hán Nôm... để phác họa bức tranh về dân cư Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử: từ thời tiền sử, giai đoạn văn hóa Đông Sơn, dưới thời Bắc thuộc, thời phong kiến tự chủ, thời Pháp thuộc và từ 1954 đến nay.
Ở chương 2. Quy mô dân số và sự biến động dân số. Theo nhận định của GS.TS. Trương Quang Hải thì chương này các tác giả đã tập trung phân tích quy mô dân số, biến động dân số và động thái mức sinh và mức tử vong qua các thời kỳ.
Về cơ cấu dân số, nội dung của chương 3, GS.TS. Trương Quang Hải thấy các tác giả đã trình bày hợp lý với cơ cấu theo tuổi và giới tính, theo tuổi và tôn giáo, theo tình trạng hôn nhân, cơ cấu hộ theo quy mô nhân khẩu và nguồn lao động.
Theo nhận định của GS.TS. Trương Quang Hải, nội dung của chương 4. Một số khía cạnh xã hội của dân cư, các tác giả đã đề cập đến mật độ dân số, các nhân tố ảnh hưởng, đặc điểm phân bố dân cư khu vực thành thị và nông thôn.
Nói về Đô thị hóa và quần cư đô thị ở chương 5, Giáo sư Trương Quang Hải thấy rằng các tác giả đã phân tích các giai đoạn đô thị hóa ở Thăng Long - Hà Nội, Dân số đô thị Hà Nội qua các thời kỳ, Đô thị Hà Nội trong hệ thống đô thị cả nước; Cấu trúc không gian đô thị Hà Nội.
Một nội dung quan trọng của đề tài này đó là vấn đề di cư, ở chương 6. Di cư ở Hà Nội từ giữa thập niên 1980 trở lại đây các tác giả đã đề cập đến các luồng di cư, đặc điểm di cư và phân tích tác động kinh tế - xã hội của di cư.
Điểm qua những nội dung nổi bật của các chương, với GS.TS. Trương Quang Hải cũng là một hình thức nhận xét, đánh giá nhằm giúp người đọc thấy được vấn đề trình bày có hệ thống, có sự vận động nhất định. Ngoài những ưu điểm nổi bật đã nêu, GS.TS. Trương Quang Hải có một số góp ý các tác giả nhằm nâng cao chất lượng bản thảo, đó là so với Đề cương một số chương như Một số khía cạnh xã hội của dân cư (chương 4), Quần cư nông thôn (chương 6) hay Chính sách quản lý nhập cư (chương 10) không trình bày thành chương mà lồng ghép vào các chương, mục khác. Nhưng do kết quả nghiên cứu và mức độ tài liệu hiện nay về vấn đề này còn hạn chế nên có thể chấp nhận được việc trình bày lồng ghép của các tác giả.
Cũng cùng quan điểm với nhiều thành viên của hội đồng, GS.TS. Trương Quang Hải có ý kiến về tên cuốn sách nên đổi thành Dân cư Hà Nội hoặc Dân cư và di dân trên đất Hà Nội.
Ngoài những nhận xét, đánh giá và góp ý lớn, Giáo sư Trương Quang Hải cũng muốn các tác giả lưu ý tài liệu trên các trang mạng nên sắp xếp gộp lại sau sách và tạp chí.
Cùng với nhiều ý kiến của các thành viên trong hội đồng nghiệm thu sau khi đọc bản thảo, GS.TS. Trương Quang Hải có nhận định bản thảo cuốn sách được viết công phu, có giá trị cao về khoa học và thực tiễn. Cuốn sách cũng là sản phẩm khoa học trong quá trình nghiên cứu nhiều năm của các tác giả. Các tác giả đã kế thừa và hệ thống nhiều tài liệu nghiên cứu liên quan đến dân cư Hà Nội. Ngoài việc bản thảo đã bám sát đề cương được phê duyệt, các tác giả còn thể hiện rõ được đặc điểm, sự phân bố và biến động dân cư Hà Nội. GS.TS. Trương Quang Hải đề nghị hội đồng nghiệm thu thông qua bản thảo, các tác giả tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện và nâng cao chất lượng bản thảo.
Ngọc Ly (tổng hợp)
(Theo ý kiến nhận xét của GS.TS. Trương Quang Hải)
Nhà xuất bản Hà Nội