Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Bức tranh toàn cảnh phác họa quá trình xây dựng, quản lý đô thị Hà Nội thời Pháp thuộc
Thứ sáu, 11/12/2015 09:37

Kể từ khi có sự xuất hiện của người Pháp đặc biệt là sau khi chiếm đóng được Hà Nội, mảnh đất này đã có những đổi thay về mọi mặt trong đó có xây dựng và quản lý thành phố. Nhằm hệ thống những văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam từ khi Hà Nội bị đánh chiếm (1873) đến ngày Hà Nội giải phóng (1954), đề tài “Xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội qua hệ thống văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam từ 1873 đến 1954” do TS. Đào Thị Diến đã ra đời. Ngay từ đề cương, đề tài đã nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ cùng những lời khen ngợi về chất lượng. PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ tiếp xúc đề tài từ khi còn ở dạng đề cương, sau khi đọc bản thảo đã nhận xét, đánh giá, góp ý một cách toàn diện. Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi xin trích đăng những đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ về mặt ưu điểm, ý nghĩa của bản thảo.

 
“Khẳng định khả năng và trách nhiệm của người chủ trì, cũng là một phần đánh giá chất lượng của đề tài. Trước hết, chúng ta hãy phân tích cụ thể từng mặt để thấy rõ những cái được, những ưu điểm của bản thảo cuốn sách.
 
Cuốn sách này là sự tiếp nối và triển khai nâng cao của bộ sách 2 tập “Hà Nội qua tư liệu lưu trữ (1873 - 1954)” trong “Tủ sách Thăng Long 1000 năm văn hiến” của cùng tác giả và cũng do Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản cách đây 5 năm. Tuy nhiên, sự khác biệt và ưu điểm của quyển này so với cuốn sách trước là khá rõ rệt. Cùng tiếp nối đề tài, nhưng cuốn sau đã “triển khai nâng cao” cuốn trước, rút gọn dung lượng, bớt đi số tư liệu, nhưng thay vì chỉ nêu danh mục đầu tư liệu, đã mở rộng dịch toàn văn một số tư liệu quan trọng được chọn lọc. Mà phải dịch toàn văn như vậy mới giúp nhà nghiên cứu khai thác, đánh giá được đầy đủ những thông tin ẩn chứa, nhiều khi chỉ trong những chi tiết hoặc một vài từ ngữ đơn giản ngắn gọn.
 
Bố cục, kết cấu cũng được dọn dẹp lại. Vẫn giữ nguyên tiêu đề của 4 phần, đổi thành 4 lĩnh vực: Địa giới - Tổ chức hành chính, Quy hoạch - Xây dựng, Giao thông - Công chính, Văn hóa - Giáo dục, nhưng thiết kế bên trong có phần chi tiết, hợp lý hơn. Thí dụ nội dung lĩnh vực “Địa giới” đã được phân chia thành các chủ đề: xác định địa giới, mở rộng địa giới, phân chia các đơn vị hành chính, sau đó mới trình bày các đơn vị dữ liệu thông tin của chủ đề theo trình tự thời gian. Người đọc sẽ dễ theo dõi hơn sự chuyển biến của chính sách và thực trạng của một nội dung chủ đề qua từng thời kỳ, giai đoạn. Người biên soạn cũng đã bổ sung thêm một số văn bản pháp quy rất bổ ích về thành phố trong giai đoạn muộn của những năm 1948 - 1954, là mảng lịch sử vốn còn ít được giới học thuật nghiên cứu, cày xới.
 
Bài tổng luận trong cuốn sách mới được biên soạn công phu và có chất lượng. Nó không chỉ khảo sát về mặt văn bản, mà còn cố gắng phân tích quá trình và đặc điểm của công cuộc xây dựng và quản lý đô thị của chính quyền thuộc địa, những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách.
 
Qua việc trình bày nguyên văn những văn bản pháp quy, người đọc có thể phân tích được bản chất động cơ, tính chất hai mặt tích cực xen lẫn tiêu cực của những chính sách của nhà cầm quyền thực dân. Nó cho ta biết quy trình chặt chẽ khi ban hành một văn bản pháp quy, phải từ cơ sở của những căn cứ pháp lý và yêu cầu thực tiễn để đi đến những quyết định thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể, sau đó phải được cấp trên phê duyệt. Điều đó có thể giúp ích được những nhà hoạch định chính sách trong vấn đề xây dựng và quản lý đô thị những bài học kinh nghiệm.
 
Các văn bản pháp quy cũng cho chúng ta hiểu biết rõ thêm về việc điều chỉnh, sửa đổi thay thế trong việc thực hiện các chính sách và quy chế cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Thí dụ như vấn đề các trưởng khu và trưởng phố đã có đến gần 10 lần thay đổi với những văn bản pháp quy khác nhau về quy trình thiết lập, với những điều khoản ấn định những điều kiện, chức năng, quyền lợi và trách nhiệm cho các chức vụ ấy.
 
Tóm lại, qua cuốn sách chúng ta sẽ có được một bức tranh toàn cảnh phác họa quá trình những công việc xây dựng, quản lý đô thị Hà Nội thời Pháp thuộc, cũng như phần nào tình hình các mặt đời sống của đô thị Hà Nội thời Pháp.
 
Những văn bản pháp quy đã được chọn lọc một cách có trọng điểm và cân đối. Điều này làm nổi bật lên đặc điểm lai ghép xen gối của đô thị Hà Nội thời Pháp thuộc, cũng như trong các thời kỳ khác nói chung. Ở đây, chúng ta thấy có một sự lai ghép giữa các không gian cư dân - xã hội đô thị và nông thôn, giữa các khu phố Âu, khu khố Hoa và khu phố Việt, các khu phố Cổ và khu phố Mới, việc xen kẽ giữa số lượng các nhà tranh và nhà gạch. Đó còn là sự lai ghép đan xen về mặt văn hóa giáo dục giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa các loại hình giáo dục, khoa cử và văn tự dựa trên các thứ chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.
 
Việc sưu tầm, xử lý và dịch thuật các văn bản pháp quy chứng tỏ một lao động nghiêm túc, công phu, có trách nhiệm cao của chủ biên và nhóm cộng tác. Vì trong những văn bản pháp quy đó, thường sử dụng những thuật ngữ chính xác thuộc chuyên môn hành chính rất khó hiểu và khó chuyển ngữ sang tiếng Việt tương đương. Có nhiều từ ngữ cổ đến nay không dùng nữa và không còn có mặt trên các cuốn từ điển đương đại, gây nhiều khó khăn cho người dịch, nhất là các bạn trẻ không sống trong thời Pháp thuộc. Vì vậy, đây là sự cố gắng rất đáng hoan nghênh của nhóm dịch thuật”.
 
Trong phần kết luận của bản nhận xét, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ nhận định rằng: “Có thể đây là một quyển sách không dễ đọc, cũng không thật hấp dẫn, lôi cuốn đối với những độc giả không ở trong giới chuyên môn học thuật. Nhưng đối với những người nghiên cứu và những độc giả nghiêm túc, sự hấp dẫn lôi cuốn chính là những dữ liệu thông tin quý hiếm, giàu tính khoa học, có thể gợi mở ra những ý tưởng, luận cứ, quan điểm mới mẻ. Mà những loại thông tin mới, quý hiếm đó lại là chất liệu tạo thành nội dung chủ yếu của cuốn sách thuộc đề tài chúng ta đang thẩm định nghiệm thu”. Cũng từ đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ thì đây là công trình dịch thuật có giá trị, chất lượng cao, nó rất cần thiết như một tài liệu dùng để học tập, tra cứu và tham khảo cho các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh nhất là thuộc chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cận hiện đại. Nó cũng có thể sẽ giúp ích nhiều cho các nhà hoạch định chính sách quản lý đô thị.
 
Ngọc Khánh (tổng hợp)
 
(Theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ)

Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá