Một công trình công phu, nghiêm túc và nhiều đóng góp khoa học về chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
Sau khi thông qua đề cương chi tiết đề tài Hà Nội - “Điện Biên Phủ trên không” (thuộc đề tài Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến), dưới sự chủ trì của PGS.TS. Trịnh Vương Hồng, tập thể tác giả đã nỗ lực sưu tầm, xử lý tư liệu và cho ra đời tập bản thảo “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” dày hơn 300 trang A4. PGS.TS. Hồ Khang - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Phản biện 2 Hội đồng nghiệm thu bản thảo hoàn toàn đồng ý và hoan nghênh, cổ vũ cho việc Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức biên soạn cuốn sách “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và đánh giá đây là công trình góp phần vào việc phản ánh đầy đủ, hệ thống, rõ ràng, khách quan và chân thực những sự kiện quan trọng liên quan trực tiếp tới Thủ đô Hà Nội, nhằm khắc họa một cách rõ nét hơn diện mạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến cùng với những thăng trầm lịch sử.
Với ý nghĩa đó, như đã khẳng định trong lần nhận xét đề cương và một lần nữa ông nhấn mạnh lại rằng, thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, bản thảo cuốn sách “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” ra đời và tiến tới xã hội hóa sẽ là một đóng góp cụ thể, quan trọng đối với lịch sử, văn hoá Thăng Long - Hà Nội. Việc ra đời của cuốn sách góp thêm một góc nhìn mới, đầy đủ hơn về một chặng đường lịch sử hào hùng mà Thủ đô đã đi qua, góp phần làm rõ hơn những nhận thức, hình dung về Hà Nội trên một chiều cạnh mới - Hà Nội vững vàng trong chiến đấu và tôi rèn, vươn lên để chiến thắng.
Là một người nghiên cứu lịch sử, PGS.TS. Hồ Khang cho rằng vấn đề căn bản cho thành công của một công trình sử học trước tiên nằm ở khâu sưu tầm và xử lý tư liệu. Đây là một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi nhiều nỗ lực và phương pháp nghiên cứu đúng đắn. Như nhận định của ông để giải quyết nội dung của cuốn sách, tập thể tác giả đã sưu tầm, xử lý một khối lượng khá lớn tài liệu với hơn 200 đầu tài liệu, cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài, trong đó có khá nhiều tài liệu lưu trữ, lần đầu tiên được khai thác, sử dụng. Nhà nghiên cứu này cho rằng đây là một thành công quan trọng của bản thảo cuốn sách, nó đảm bảo cho thành công tiếp theo về mặt nội dung.
Ngoài Lời đầu sách, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục, bản thảo cuốn sách được bố cục thành bốn chương với ba chương lịch sử, một chương nhận xét, đánh giá. PGS.TS. Hồ Khang nhấn mạnh đây là một bố cục hợp lý, cho phép giải quyết những vấn đề đặt ra ở phần nội dung.
Cuốn sách đã tập trung làm rõ bối cảnh lịch sử, nguyên nhân trận chiến, sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chuẩn bị của quân dân Hà Nội, của lực lượng Phòng không - không quân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của 12 ngày đêm đánh trả cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Những nội dung cuốn sách làm rõ thuộc về những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất phản ánh toàn bộ diện mạo của sự kiện Điện Biên Phủ trên không mà Hà Nội đã anh dũng đương đầu và chiến thắng sau 12 ngày đêm máu lửa chống trả chiến dịch Linebacker II của Mỹ.
Một cách tổng quát, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự này nhấn mạnh bản thảo cuốn sách “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được thực hiện công phu, nghiêm túc, có những đóng góp mới về khoa học.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Hồ Khang cũng đề xuất một số vấn đề trao đổi để hoàn thiện bản thảo.
Theo ông phần Lời đầu sách cần nêu và phân tích sâu thêm các công trình nghiên cứu có liên quan, nhất là những công trình nước ngoài. Trong khi đó tên cách nhận xét ở chương 4 quá dài, cần viết cô đọng hơn, chọn lọc từ diễn đạt hơn nữa. Ông cũng lưu ý thêm tập thể biên soạn về một số kết luận liên quan đến tổn thất của hai phía (Việt Nam và Mỹ).
Phần Phụ lục theo PGS.TS. Hồ Khang nên cân nhắc thêm về việc đưa một số bài viết đã xuất bản về chiến dịch này để bạn đọc có một cái nhìn toàn diện, đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, một số tranh ảnh được đưa vào phần Phụ lục chất lượng chưa cao, mờ, không rõ hình. Một góp ý quan trọng khác, ông cho rằng cuốn sách cũng nên bổ sung thêm phần Kết luận để tạo sự cân đối trong kết cấu công trình.
Nhìn chung, PGS.TS. Hồ Khang đánh giá cuốn sách bám sát đối tượng nghiên cứu, hoàn thành nhiệm vụ, mục đích nghiên cứuvà đề nghị sau khi chỉnh sửa, có thể xã hội hóa công trình để cuốn sách đến được với bạn đọc rộng rãi.
Minh An (tổng hợp)
Theo nhận xét của PGS.TS. Hồ Khang - Phản biện 2