Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một công trình mới về sự kiện lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972
Thứ ba, 22/12/2015 10:54

40 năm đã qua đi nhưng âm hưởng hào hùng của chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vẫn là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Chiến thắng này đã buộc đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán, kí văn bản Hiệp định Pari, thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam.

 
Với tầm vóc lịch sử vô cùng lớn lao đó, việc nghiên cứu nhằm phục dựng một cách toàn diện, khách quan, sâu sắc hơn lịch sử trận “Điện Biên Phủ trên không”, nhằm nêu bật vai trò của quân dân Hà Nội, lực lượng phòng không; khẳng định ý nghĩa thắng lợi; làm sáng tỏ thêm những bài học vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân vào bảo vệ Tổ quốc hiện nay, là hết sức có ý nghĩa. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Ủy viên Hội đồng nghiệm thu bản thảo “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
 
Sau khi đọc hơn 300 trang bản thảo, PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên đã có ghi nhận những kết quả đạt được của công trình một cách khách quan.
 
Về bố cục, ngoài Lời nói đầu, Kết luận và Phụ lục, bản thảo gồm 4 chương. PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên đánh giá kết cấu các chương, mục cân đối và hợp lý, đủ để chuyển tải được các nội dung nghiên cứu.
 
Về phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu, với bề dày và kinh nghiệm nghiên cứu, tập thể tác giả đã sử dụng phương pháp lịch sử và logic, phương pháp liên ngành, phương pháp thống kê, so sánh, đối chiếu, tổng hợp... PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên cho rằng việc sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp nghiên cứu thích hợp đã góp phần tạo nên sự thành công của đề tài. Ông cũng đánh giá nguồn tư liệu hết sức phong phú, đa dạng, bao gồm: tư liệu tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp. Các nguồn tư liệu này là những tại liệu gốc được khai thác từ các trung tâm lưu trữ có uy tín, được xử lý khoa học nên có độ tin cậy cao.
 
Về nội dung, nhà nghiên cứu này đánh giá bản thảo không những tái hiện lại một sự kiện lịch sử tiểu biểu với tầm vóc to lớn thể hiện trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc mà còn góp phần lý giải nhiều vấn đề lịch sử còn gây tranh luận. Đặc biệt, tập thể tác giả đã xử lý thành công mục đích, yêu cầu đề ra của cuốn sách, tránh được sự trùng lặp và cách viết sử thông thường theo thể biên niên sự kiện như một số công trình đã công bố. Với nhiều nhận định, đánh giá mới, cuốn sách đã thể hiện được những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu sự kiện “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” so với những công trình đã xuất bản những năm trước đó.
 
Bên cạnh việc ghi nhận những ưu điểm nổi bật, PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên cũng đưa ra một số vấn đề trao đổi, góp ý với nhóm biên soạn.
 
Trước hết theo nhà nghiên cứu này tên cuốn sách nên thêm thời gian (18 đến ngày 30-12-1972). Theo đó, tên đầy đủ cuốn sách sẽ là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (18-30.12.2.1972)”.
 
Bản nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên cũng nêu ra nhiều vấn đề về quy cách. Ở Lời đầu sách, khi liệt kê những công trình nghiên cứu liên quan đến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, theo ông nên sử dụng một cách thống nhất về quy cách trình bày. Trong việc trích dẫn nguồn tư liệu, PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên đề nghị cần rà soát, bổ sung các thông tin còn thiếu theo quy định (như các trích dẫn, chú thích trong chương 1 thiếu số trang), hay nên sử dụng nguồn tư liệu được cập nhật mới nhất (như tài liệu “Hồ Chí Minh: Toàn tập” trong chương 2 nên cập nhật theo bản năm 2011)... Nhà nghiên cứu này cũng nêu rõ, việc sử dụng các tên gọi cần đảm bảo tính thống nhất, như kế hoạch Linebaker II, Mỹ hay Hoa Kỳ…
 
Về mặt nội dung, PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên đã có nhiều ý kiến với những vấn đề cụ thể, chi tiết:
 
Tên Chương 1 (trang 10): “Bối cảnh chung và con đường dẫn đến cuộc đối đầu lịch sử trên bầu trời Hà Nội tháng 12 năm 1972”. Theo PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên vì phần bối cảnh chung không đặt thành một tiểu mục riêng nên không cần để ở tên chương. Tên của mục 4.2.4 theo ông cũng quá dài và không khái quát, nên ngắn gọn, súc tích hơn.
 
Phần 4.4. Mấy vấn đề rút ra, phần nhận định những “hạn chế, thiếu sót (4.4.6)”- trang 202 nếu chỉ viết “trong chỉ đạo chuẩn bị tác chiến, cũng còn những hạn chế, thiếu sót, phần nào ảnh hưởng đến kết quả của chiến dịch phòng không” là chưa đầy đủ. Vì hạn chế, thiếu sót không chỉ trong “chỉ đạo tác chiến” mà còn ở nhiều khâu khác nữa. Về nội dung này đã được nhiều công trình tổng kết của Bộ Quốc phòng, của Thành ủy và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khẳng định. Do đó theo PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên chỉ viết khái quát là “Bên cạnh những thắng lợi to lớn đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vẫn còn một hạn chế, thiếu sót, phần nào ảnh hưởng đến kết quả của chiến dịch phòng không”, sau đó đi vào từng vấn đề cụ thể, như vậy sẽ đảm bảo được tính toàn diện hơn.Nhà nghiên cứu lịch sử này cũng cho rằng bản thảo không nên sử dụng một số cụm từ như “Đảng ta”, “nhân dân ta” mà gọi thẳng là Đảng Lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam để đảm bảo tính quan phương. Hơn nữa, bản thảo còn một số lỗi kỹ thuật, lỗi chính tả cần rà soát, cắt gọt cho phù hợp.
 
Phần Tài liệu tham khảo, nên tách thành tài tiệu tiếng Việt, tài liệu tiếng Anh và tài liệu tiếng Pháp để người đọc dễ theo dõi. Bên cạnh đó, cần bổ sung một số luận văn, luận án có trực tiếp liên quan đến Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối năm 1972 để đảm bảo sự bao quát của tập thể tác giả.
 
PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên khẳng định mặc dù còn một số điểm cần bổ sung, sửa chữa, song đây là một cuốn sách được nghiên cứu công phu, nghiêm túc và là một trong những công trình nghiên cứu đầy đủ, toàn diện nhất về “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, sau khi sửa chữa theo các góp ý nên sớm xuất bản và phát hành cuốn sách, đáp ứng sự mong đợi của bạn đọc.
 
Minh An (tổng hợp)
 
Theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên  - Ủy viên Hội đồng
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tin cùng chuyên mục
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá