Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một giai đoạn hào hùng của quân và dân Thủ đô và cả nước qua “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Thứ ba, 22/12/2015 10:59

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của quân dân miền Bắc trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 là một bước ngoặt lịch sử, góp phần cho sự thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ. Với Hà Nội, sự kiện lịch sử này có ý nghĩa vô cùng to lớn, vừa là nỗi mất mát, đau thương lớn lao, vừa là mốc son hào hùng trong dòng chảy lịch sử của mảnh đất nghìn năm.

 
Sau khi đọc thẩm định bản thảo, là Phản biện 1 trong Hội đồng nghiệm thu bản thảo “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng khẳng định bản thảo đã làm rõ mục đích, ý nghĩa của đề tài: nêu bật vai trò của quân và dân Hà Nội, lực lượng phòng không quốc gia và các tỉnh miền Bắc trong chiến thắng tháng 12/1972 trên bầu trời Hà Nội; Góp phần làm sáng tỏ hơn một số bài học về vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân, sự chủ động chuẩn bị thế trận và lực lượng, nghệ thuật tác chiến sáng tạo; Thông qua làm rõ các sự kiện, góp phần nâng cao nhận thức công chúng về một số vấn đề quan trọng hoặc tồn tại ý kiến khác nhau.
 
Bản thẩm định của PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân đã đi vào nhận xét cụ thể về nội dung của từng chương.
 
Theo đánh giá của ông, chương 1 đã đề cập khá toàn diện cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và những tác động đến chính trường Hoa Kỳ, nhất là tác động đến vị thế lãnh đạo thế giới phương Tây; ảnh hưởng của Hoa Kỳ giảm sút trên thế giới, phong trào phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam ngay trong lòng thế giới tư bản, nội bộ nước Mỹ, kể cả chính giới Mỹ v.v…, cho thấy nhu cầu của Hoa Kỳ muốn rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam; đã phân tích rõ các tính toán của Mỹ mỗi khi họ sử dụng các biện pháp leo thang (khái quát rõ 3 âm mưu). Đặc biệt, nhà nghiên cứu này cho rằng việc đề cập công khai các thỏa hiệp, nhượng bộ Mỹ - Xô, Mỹ - Trung qua các chuyến thăm năm 1972 có giá trị thời sự hiện nay.
 
Chương 2 đã khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ động tổ chức lực lượng phòng không, nhận định đúng tình hình, từ đó chú trọng xây dựng lực lượng (nhất là lực lượng phòng không), nâng cao ý chí quyết đánh, quyết thắng cho bộ đội và nhân dân, tăng cường trang bị kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân cũng nhấn mạnh nội dung chương này đã nêu bật tâm thế sẵn sàng của quân dân Hà Nội, Hải Phòng, cán bộ chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân cùng bộ đội và  nhân dân cả nước kiên quyết chiến đấu, vượt qua gian khổ, hy sinh, đập tan cuộc tập kích quy mô lớn của không quân chiến lược Mỹ.
 
Với chương 3, các tác giả làm sâu sắc hơn việc chúng ta giáng trả thủ đoạn chiến tranh mới của Mỹ; tái tạo diễn biến cuộc chiến đấu 12 ngày đêm, không chỉ trên bầu trời Hà Nội, mà còn ở các địa phương lân cận (Thái Nguyên, Hà Bắc…); đồng thời vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa đảm bảo sản xuất, khắc phục hậu quả bom đạn, tiếp tục động viên chi viện cho chiến trường miền Nam. Điều này khẳng định rõ ràng hơn ý chí quyết tâm chiến đấu của đồng bào, đồng chí cả nước.
 
Chương 4 cuốn sách khẳng định quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân Mỹ, buộc đối phương họp lại Hội nghị để ký kết Hiệp định Paris. Nhà nghiên cứu này khẳng định các tác giả đưa ra 5 nhận xét, 4 kinh nghiệm là những vấn đề còn nguyên giá trị, là những bài học hữu ích cho xây dựng lực lượng, tiềm lực, thế trận quốc phòng trong thời kỳ mới.
 
Phần Phụ lục được đánh giá nội dung phong phú, tái hiện số liệu về lực lượng địch, ta; tổn thất của hai bên; hình ảnh tư liệu thế giới ủng hộ Việt Nam...
 
Bên cạnh đó, bản thẩm định của PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân cũng nêu ra một số vấn đề cần lưu ý bổ sung, chỉnh sửa:
 
Nhà nghiên cứu này đề xuất cần phân tích sâu sắc thêm những suy yếu của Mỹ do sa lầy chiến tranh ở Việt Nam (vị thế lãnh đạo thế giới phương Tây; ảnh hưởng của Hoa Kỳ giảm sút trên thế giới).
 
Cũng như thế cần khai thác sâu hơn các tư liệu để làm rõ Mỹ lôi kéo, thỏa hiệp với Trung Quốc, nhượng bộ để Trung Quốc thế chân Đài Loan làm Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, cũng là cách để hạn chế vai trò của Liên Xô; dùng con bài Đài Loan (nước nhỏ) để phục vụ lợi ích nước lớn Mỹ - Trung; phân chia phạm vi ảnh hưởng giữa hai nước lớn Mỹ - Trung ở châu Á.
 
Về mặt bố cục, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân cho rằng cần điều chỉnh cân đối, hài hòa hơn. Chương 3 là chương chính nên dung lượng cần dày dặn hơn so với các chương khác. Cần lưu ý nội dung chương 3 cũng có một số chỗ trình bày trùng lắp ý với các chương khác (chương 3 với chương 1; mục 2 chương 3 lẽ ra nên đưa vào chương 2). Theo nhà nghiên cứu này nên trình bày theo trình tự thời gian giờ, ngày 18-19/12 khi tái hiện cuộc chiến đấu từ 18-24/12/1972.
 
Ngoài ra, theo ý kiến của ông nên rút gọn một số chi tiết nhạy cảm (tiểu mục 4.4.6); cần chỉnh sửa một số từ ngữ dễ gây suy diễn cũng như một số lỗi chính tả. Bên cạnh đó nên ghi đầy đủ chức danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (khổ 2, trang 66); chức danh của đồng chí Lê Duẩn (trang 147).
 
Đánh giá chung, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân khẳng định các tác giả đã tái hiện một giai đoạn hào hùng của quân và dân Thủ đô và cả nước chiến thắng cuộc tập kích chiến lược trên bầu trời Hà Nội; đồng thời đây là cuốn sách chuyển tải ý nghĩa khoa học, nhất là những bài học rút ra qua các tư liệu, tài liệu và dưới góc nhìn hiện nay về một sự kiện đã diễn ra hơn 40 năm qua.

Minh Khang (tổng hợp)
 
Theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Phản biện 1
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tin cùng chuyên mục
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá