Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Công trình nghiên cứu tập trung, hệ thống và toàn diện nhất về sự kiện Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
Thứ ba, 22/12/2015 11:15

Đã có nhiều công trình nghiên cứu dưới nhiều góc độ và thể loại khác nhau về chiến thắng của quân và dân miền Bắc mà trực tiếp là quân và dân Hà Nội cùng lực lượng phòng không, không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, một số địa phương miền Bắc nói chung và vào Hà Nội nói riêng những ngày cuối tháng 12 - 1972, nhưng theo đánh giá của PGS.TS. Trần Trọng Thơ - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, đây là công trình phản ánh một cách tập trung, hệ thống và toàn diện nhất về kỳ tích của quân và dân Hà Nội chống chiến tranh phá hoại bằng đường không của quân đội Mỹ.

 
Theo PGS.TS. Trần Trọng Thơ, một đặc điểm và cũng là ưu điểm của công trình đó là không trình bày theo hình thức và quy mô của một chuyên khảo về một chiến dịch phòng không cũng không phải là một công trình lịch sử thuần túy mà thực hiện theo phương pháp và dưới hình thức một công trình Lịch sử - Tổng kết, giúp cho người đọc vừa nắm bắt được những hiện thực lịch sử rất sinh động vừa thu nhận được những vấn đề khái quát về nguyên nhân, tầm vóc, ý nghĩa và giá trị cùng những bài học rút ra từ chiến công vĩ đại này. Do đó, công trình có thể phù hợp và hấp dẫn nhiều đối tượng độc giả thủ đô và cả nước.
 
Sau khi thẩm định bản thảo trên 200 trang, PGS.TS. Trần Trọng Thơ đã có bản nhận xét kỹ lưỡng, cụ thể nhằm nâng cao chất lượng bản thảo.
 
Trước hết nhà nghiên cứu này ghi nhận, đánh giá cao những thành công của  công trình. Với trên 200 trang vi tính A4, bản thảo đã thể hiện và lý giải rõ, có căn cứ rõ ràng câu hỏi tại sao đế quốc Mỹ lại thực hiện cuộc tập kích chiến lược này? Toan tính của họ là gì? Họ đã làm gì và làm như thế nào, kể cả những thủ đoạn về mặt ngoại giao để thực hiện đòn tấn công đường không mang mật danh Lainơ Bếchcơ II vào Hà Nội.
 
Bản thảo đã phản ánh và phân tích rõ quá trình chuẩn bị kỳ công, khẩn trương của quân và dân thủ đô cùng lực lượng phòng không quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Qua phản ánh của các tác giả, có thể thấy rõ tầm nhìn xa rộng, sự sắc sảo, tinh tường trong phân tích đánh giá tình hình, nhất là phân tích về âm mưu, thủ đoạn, bản chất ngoan cố và cả những bước phiêu lưu quân sự của đối phương với tư cách là một cường quốc, khi đứng trước thất bại mang tính toàn diện. Bức tranh toàn cảnh về  những bước chuẩn bị chủ động, tích cực, khẩn trương về mọi mặt của lực lượng phòng không quốc gia, quá trình quân và dân thủ đô xây dựng thế trận phòng không cũng được tái hiện và phân tích rõ nét.
 
Bản thảo đã tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân thủ đô cùng lực lượng phòng không quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của quân Mỹ kéo dài từ ngày 18 đến 30-12-1972, qua hai chặng, từ ngày 18 đến ngày 24 và từ ngày 26 đến ngày 30-12-1972.  Bản thảo trình bày diễn tiến của cuộc chiến đấu với những con số, những sự kiện diễn ra ở Hà Nội và trên bầu trời Hà Nội mang tính chắt lọc; đồng thời, còn tái hiện không khí của cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại ở thủ đô. Sự ác liệt và tinh thần dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo của quân và dân thủ đô trong chiến đấu được phản ánh rõ nét.
 
Bản thảo đã dành một chương bàn về tầm vóc, ý nghĩa cùng những vấn đề rút ra từ thắng lợi của cuộc chiến đấu 12 ngày đêm chống cuộc tập kích chiến lược. Đây là một nội dung quan trọng, được viết theo tư duy tổng kết với phương pháp logic là chủ yếu, giúp người đọc nắm được những vấn đề bản chất, khái quát nhất về chiến thắng lịch sử này. Bản thảo cũng dành một dung lượng nhất định để phản ánh và luận giải những hạn chế, thiếu sót phần nào ảnh hưởng đến kết quả của cuộc chiến đấu. Sự phản ánh này thể hiện tính khoa học và khách quan của công trình.
 
Bố cục cuốn sách chia làm 4 chương theo đánh giá của PGS.TS. Trần Trọng Thơ là phù hợp. Phương pháp nghiên cứu, biên soạn là lịch sử, logic kết hợp với tổng kết… được sử dụng khá nhuần nhuyễn. Phần Phụ lục rất có giá trị trong tham khảo và hiểu rõ thêm nhiều nội dung của cuốn sách. Đặc biệt, tư liệu, tài liệu sử dụng biên soạn cuốn sách rất phong phú và đa dạng, có nhiều tài liệu của người trong cuộc, của các tác giả nước ngoài. Điều này cho thấy sự tin cậy của những thông tin và sự khách quan trong các nhận định, đánh giá thể hiện trong bản thảo.
 
Bên cạnh những ưu điểm rất cơ bản, PGS.TS. Trần Trọng Thơ cũng nêu ra một số vấn đề cần xem xét, tu chỉnh để đạt chất lượng cao hơn.
 
Trước hết theo nhà nghiên cứu này Lời nói đầu cuốn sách cần cân nhắc và thể hiện lại cho phù hợp với các đối tượng độc giả là đông đảo nhân dân thủ đô và cả nước, nên tinh gọn lại phần viết về các công trình nghiên cứu có liên quan (từ trang 3 đến trang 9 của bản thảo). Còn sự phong phú về tư liệu thì đã thể hiện rõ trong Danh mục tài liệu tham khảo. Cũng trong lời nói đầu, theo ông nên giải thích (hoặc chú thích) nguồn gốc thuật ngữ “Điện Biên phủ trên không”.
 
Về tên các chương, tiết, PGS.TS. Trần Trọng Thơ cho rằng cần phải cân nhắc lại vì không thật khái quát, chưa thật chính xác và không rõ ý. Một số ví dụ cụ thể như:
 
Tên Chương I: “Bối cảnh chung và con đường dẫn đến cuộc đụng đầu lịch trên bầu trời Hà Nội tháng 12 năm 1972” nhưng trong nội dung thể hiện không rõ “con đường” của bên nào? Và thực tế, “cuộc đụng đầu lịch sử” phải chăng chỉ diễn ra trên “bầu trời Hà Nội” còn ở mặt đất và từ mặt đất?...
 
Tên tiết 1.2 “Hoa Kỳ và lối thoát chiến tranh trong danh dự” và tiết 1.3 “Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh, sử dụng sức mạnh quân sự tối đa hòng khuất phục Việt Nam và cuộc đấu tranh tại Hội nghi Pari” cân nhắc xem có mâu thuẫn không trong cách đặt vấn đề. Tên tiết 1.2 “Hoa Kỳ và lối thoát…” nên đổi thành “Hoa Kỳ tìm lối thoát…”
 
Tên chương III: “Hà Nội - “Điện Biên Phủ trên không” đánh bại cuộc tập kích bằng đường không quân chiến lược của Hoa Kỳ (12-1972)” không thật hợp lý vì  “Hà Nội - “Điện Biên Phủ trên không”  là tên cuốn sách và cũng đồng nghĩa với ý trong vế sau của tên chương “đánh bại cuộc tập kích bằng đường không quân chiến lược của Hoa Kỳ (12-1972)”.
 
Tên chương IV: “Thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” -  Tầm vóc và ý  nghĩa” cũng nên xem xét vì “Điện Biên Phủ trên không” đã mang ý nghĩa thắng lợi. Vả lại, việc lặp lại cụm từ “Điện Biên Phủ trên không”  trong tên của 2 chương (III, IV) là không nên.
 
Về mặt nội dung, PGS.TS. Trần Trọng Thơ cũng chỉ ra một số vấn đề cần phải chỉnh sửa:
 
Chương I theo ông cách thể hiện hơi rối, và có nhiều nội dung trùng lắp hoặc không phù hợp. Trong tiết 1.1 “Mỹ triển khai các chiến lược quân sự và những tác động của chiến trường Việt Nam đến chính trường Hòa Kỳ” thì cần viết rõ về tác động như thế nào (đến Nhà cầm quyền Mỹ, đến chính giới Mỹ, đến nhân dân Mỹ?). Việc phản ánh quá chi tiết về những thành công của công cuộc xây dựng miền Bắc, như về các ngành kinh tế, giáo dục, y tế như có bao nhiêu bệnh viện, bác sĩ… không cần thiết vì những điều này có tác động gì đến “chính trường Hòa Kỳ”? Theo nhà nghiên cứu này nên chăng gộp hai tiểu mục 1.1.1 (từ trang 10 đến 15) và 1.1.2 (từ trang 15 đến trang 25) bàn về một vấn đề là sự phát triển của phong trào kháng chiến ở miền Nam và lớn mạnh của hậu phương miền Bắc đã làm phá sản các chiến lược chiến/kế hoạch chiến tranh của Mỹ.
 
Tiết 1.2. bàn về tình hình thế giới, chính trường Mỹ và việc Hoa Kỳ bắt tay với các nước lớn cũng cần viết rõ hơn về tình hình thế giới; tính phức tạp và toan tính lợi ích của các nước lớn, trong đó có Liên Xô và Trung Quốc có những tác động không thuận đối với cuộc kháng chiến và khả năng/sức chiến đấu của Việt Nam; các cụm từ “quan hệ Mỹ - Liên Xô”, “quan hệ Mỹ - Trung Quốc” nên cân nhắc vì chỉ những nội dung như trong bản thảo thì chưa thể gọi là “quan hệ”.
 
Chương I, chương II, chương III có một số nội dung trùng lặp. Ví dụ: Chương I đã phản ánh về Hiệp định Pari và những toan tính của Mỹ, song, đến chương III lại bàn về vấn đề này (trang 123-127). Trang 53 (chương I) viết về việc ngày 14 -12-1972 Ních Xơn phê duyệt kế hoạch đánh Hà Nội, đến 129 (chương III) lại viết về việc ngày 6-12-1972, Ních Xơn chỉ đạo lập kế hoạch đánh Hà Nội. Trang 129 (chương III) có một đoạn viết về sự kiện ngày 24-11-1972 trùng với trang 118 (chương II)…
 
Nhà nghiên cứu này cho rằng việc trùng lắp là rất khó tránh khỏi trong một tác phầm lịch sử, song, cần cố gắng hạn chế những trùng lặp như trên.
 
Chương IV, phần viết về tầm vóc cần khái quát cao hơn và sâu sắc hơn, viết rõ hơn vị trí của chiến thắng này ở đâu trong các chiến thắng của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ mà tại mục 4.2.3 (trang 177), khi viết về ý nghĩa, bản thảo viết là “đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại”, cũng cần viết về “tầm vóc” của chiến thắng này đã vượt khỏi phạm vi chiến tranh Việt Nam và tính quốc tế của nó.
 
PGS.TS. Trần Trọng Thơ cũng chỉ rõ, một số nội dung của chương IV viết chưa đúng trọng tâm, đề cập đến những vấn đề khác, như phần viết về ý nghĩa có nhiều nội dung như là đặc điểm của cuộc chiến đấu (như mục 4.2.2); phần viết về “Mấy vấn đề  rút ra” (mục 4.4) có nhiều ý viết như ý nghĩa (mục 4.4.1), viết như nguyên nhân (mục 4.4.2, mục 4.4.3), có phần viết như đặc điểm (mục 4.4.5)… Nhà nghiên cứu này cho rằng nên cân nhắc việc gộp các phần trong mục 4.4 vào các phần trước để tránh trùng lặp.
 
PGS.TS. Trần Trọng Thơ cũng đặc biệt lưu ý nhóm biên soạn cần cân nhắc một số nhận định như: Gọi là “trận quyết chiến chiến lược”, nếu đúng thì cần phải có phân tích. Một nhận định khác, tại trang 15 bản thảo viết sự phá sản của các chiến lược quân sự của Mỹ trên chiến trường Việt Nam “là một trong những tác động… dẫn đến cuộc đối đầu lịch sử”. Vậy là tác động hay nguyên nhân vì tác động phải diễn ra đồng thời? Hay Tại trang 169 bản thảo nhận định “Thắng lợi của lực lượng phòng không ba thứ quân trong những ngày kể trên mang tính quyết định ảnh hưởng đến thắng lợi của toàn chiến dịch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược của Mỹ”. Vậy nó mang tính quyết định hay ảnh hưởng?...
 
Ông cũng cho rằng cần nhất quán trong cách đặt vấn đề và trong tên gọi. Mở đầu cuốn sách viết không phản ánh và nghiên cứu dưới góc độ một chiến dịch phòng không, song, trong chương IV, thì toàn bộ phần tầm vóc, ý nghĩa… đều gọi và xem xét chiến thắng này dưới góc độ của một “Chiến dịch phòng không”. Cũng như thế cách viết là Mỹ hay Hoa Kỳ cũng chưa có sự thống nhất.
 
Về văn phong diễn đạt, nhà nghiên cứu này cho rằng cần chú ý hơn cách viết, hạn chế lối viết nặng về văn phong báo chí hoặc văn phong của người nước ngoài khi viết về Việt Nam.
 
Mặc dù còn một số vấn đề cần trao đổi, hiệu chỉnh, bổ sung như bản thẩm định đã nêu ở trên nhằm đảm bảo bản thảo có chất lượng cao hơn, song PGS.TS. Trần Trọng Thơ khẳng định bản thảo là công trình công phu, nghiêm túc, có chất lượng rất tốt, chứa đựng nhiều đóng góp mới về khoa học và đề nghị nghiệm thu công trình, xuất bản để phục vụ bạn đọc sau khi tu chỉnh theo ý kiến của Hội đồng.

Minh Khang (tổng hợp)
 
Theo nhận xét của PGS.TS. Trần Trọng Thơ - Ủy viên Hội đồng
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tin cùng chuyên mục
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá