Mỗi quốc gia phải tự khẳng định mình để bảo tồn độc lập dân tộc
Tham gia hội đồng nghiệm thu từ khi đề tài còn ở dạng đề cương vậy nên PGS.TS. Phạm Xuân Hằng có những nhận định, đánh giá hết sức sâu sắc. Ở đây bản thảo còn thiếu bài tổng quan, trong đó cần nêu vị thế Thăng Long - Hà Nội như kết luận của Chủ tịch Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề cương ngày 12/4/2014. Đồng thời, chưa có phương án lập Index để hoàn thiện sau khi chuẩn bị bản thảo xuất bản.
Mặc dù bản thảo chưa được hoàn thiện theo yêu cầu của hội đồng nghiệm thu đề cương nhưng trên cơ sở bản dịch với 590 trang A4, tác giả đã giới thiệu 1.195 tài liệu được trích dịch từ Thanh thực lục, bản Trung hoa Thư cục, Bắc Kinh 1986. Hơn một ngàn tư liệu trích dịch trên có niên đại từ 1647 đến 1911 và là những tư liệu phản ánh quan hệ nhà nước phong kiến Việt Nam qua các triều đại hậu Lê, Quang Trung, Nguyễn với phong kiến phương Bắc là nhà Thanh. Theo PGS. TS. Phạm Xuân Hằng thì nội dung quan hệ bang giao chủ yếu liên quan đến sắc phong, cống nạp, báo tang và xung đột biên giới của các thổ tù miền biên viễn. Những tư liệu này phản ánh quan hệ bang giao không bình đẳng, trong đó, vị thế của phong kiến Việt Nam ở vị thế chư hầu, thuộc quốc. Trong thì xưng đế đấy nhưng ngoài thì đi xin phong vương. Âu cũng bởi do dân nghèo, nước yếu mà vị thế chưa được xứng tầm đáng có.
Độ tin cậy cũng như sự thành công của tác phẩm khi ra sách, theo PGS.TS. Phạm Xuân Hằng thể hiện ngay ở nhóm dịch giả là những người có trình độ Hán học, nhiều năm quan tâm đến mảng tư liệu này. Tuy nhiên bên cạnh bản dịch, tác giả còn có những chú thích cần thiết về địa danh, về chức quan, sự kiện… Nhóm tác giả đã sử dụng một số chính sử Việt Nam (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại nam thực lục…) để đối chiếu sự kiện trong khi biên dịch.
Theo nhìn nhận của PGS.TS. Phạm Xuân Hằng qua những tư liệu xưa để lại cũng được xem là bài học cho hôm nay, khi thế giới đã phẳng, khi mỗi quốc gia phải tự khẳng định mình để bảo tồn độc lập dân tộc.
Khánh Ngọc (tổng hợp)
(Theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Phạm Xuân Hằng)
Nhà xuất bàn hà Nội