Một nguồn tư liệu quý về bang giao Việt – Trung thế kỷ XVII đầu thế kỷ XX
Trước hết PGS.TS. Trần Thị Vinh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, làm việc khoa học của nhóm dịch giả với việc hoàn thiện bản thảo chất lượng tốt theo như những nội dung của bản đề cương chi tiết sau khi nghiệm thu, gồm 591 trang khổ A4 (phần dịch thuật). Cụ thể ở bản thảo, dịch giả Hồ Bạch Thảo đã thể hiện khá tốt việc dịch thuật thông qua những nội dung của từng sự kiện lịch sử ghi về mối quan hệ qua lại giữa nhà Thanh (Trung Quốc) với Đại Việt nói chung trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều sự kiện cụ thể liên quan đến quan hệ ngoại giao giữa nhà Thanh với các triều đại Việt Nam là: Nhà Mạc thời kỳ ở Cao Bằng, nhà Lê Trung hưng và nhà Nguyễn.
Theo PGS.TS. Trần Thị Vinh nhờ có bản dịch này, các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận trực tiếp được với nguồn sử liệu mà trước khi chưa có bản dịch thường phải dẫn lại qua những công trình nghiên cứu khác. Ví dụ, sự kiện về các vua nhà Mạc thời kỳ ở Cao Bằng, nguồn sử liệu Việt Nam không hề nhắc tới tên 3 vị vua cuối của nhà Mạc (thế kỷ XVII) như: Mạc Kính Diệu, Mạc Nguyên Thanh và Mạc Kính Quang, nhưng Thanh thực lục thì lại ghi. Về niên đại, nguồn sử liệu Việt Nam chỉ ghi nhà Mạc tồn tại đến 1677 là kết thúc với sự kiện Mạc Kính Vũ bị quân Lê - Trịnh đánh đuổi khỏi Cao Bằng, nhưng nguồn sử liệu Thanh thực lục này thì lại ghi thế lực của nhà Mạc còn hoạt động ở đây cho đến 1683 sau khi Mạc Kính Quang chết (tức kéo dài thêm 6 năm nữa). Hoặc sự kiện Hoàng Công Toản (con Hoàng Công Chất) cũng được nguồn tài liệu này nói rõ sau khi bị thua trận Hoàng Công Toản đã chạy sang Vân Nam và dâng đất cho nhà Thanh phải để triều đình Lê - Trịnh, nhà Tây Sơn và họ Nguyễn ở Gia Miêu liên tục đòi nhưng không thành công…
Với nhìn nhận chung toàn bộ nội dung bản thảo theo PGS.TS. Trần Thị Vinh đó là nguồn tài liệu được dịch thuật phản ánh trong Thanh thực lục là rất quý giúp cho những nhà nghiên cứu Việt Nam không chỉ có thêm những thông tin cần thiết để đối sánh mà còn bổ sung vào sử liệu của ta để có cái nhìn khách quan và đầy đủ hơn những dữ kiện lịch sử chưa rõ ràng. Tương tự như vậy, quan hệ giữa nhà Thanh với nhà Lê Trung hưng và nhà Nguyễn cũng đã được phán ánh qua Thanh thực lục thông qua bản dịch thuật có giá trị này.
Về việc đối chiếu văn bản giữa chữ Hán (nguyên tác) với bản dịch, PGS.TS. Trần Thị Vinh có trình bày do không có điều kiện thẩm định, song qua đọc bản thảo dịch sang Việt ngữ bà thấy hoàn toàn lĩnh hội được nội dung của các sự kiện lịch sử trong quá khứ. Có được chất lượng dịch thuật tốt bởi những người tham gia trong nhóm dịch thuật đều là những người có trình độ chuyên môn cao về dịch thuật, Hán học và đều là những người am hiểu thời kỳ lịch sử giai đoạn này. Bản dịch đã đảm bảo được tính chân xác, tính khoa học của các sự kiện lịch sử khi dịch thuật là cuối mỗi sự kiện đều ghi rõ xuất xứ nguồn, số quyển, số trang… Tinh thần trách nhiệm, thể hiện năng lực của nhóm dịch giả được thể hiện ở chất lượng của bản dịch, đảm bảo độ chính xác đồng thời lại giúp người đọc dễ đọc, dễ hiểu, dễ tra cứu, đó là sự thành công của một tác phẩm dịch thuật.
Theo PGS.TS. Trần Thị Vinh, Thanh thực lục là bộ sách quý do triều đình nhà Thanh tổ chức biên soạn, trong đó có nhiều sự kiện liên quan đến lịch sử quan hệ ngoại giao Trung - Việt, nguồn tài liệu quý này đã được dịch giả và nhóm cộng sự thực hiện khá tốt, đảm bảo được tính khoa học cần thiết của một công trình dịch thuật. Sau những nhận định, đánh giá về nguồn sử liệu quý được dịch thuật cùng với đóng góp của nguồn tư liệu trong nghiên cứu sử học, ngoại giao, PGS.TS. Trần Thị Vinh một lần nữa khẳng định, bản thảo cần được xuất bản và công bố kịp thời để nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam sớm được tiếp cận.
Linh Chi (tổng hợp)
(Theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Trần Thị Vinh)
Nhà xuất bản Hà Nội