Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Nguồn sử liệu quý cho các nhà nghiên cứu sử học, khoa học xã hội - nhân văn và hoạt động đối ngoại
Thứ sáu, 08/01/2016 02:47

Nhằm cung cấp cho các nhà nghiên cứu, sinh viên chuyên ngành lịch sử, rộng hơn là ngành khoa học xã hội và nhân vănnhững ai quan tâm nghiên cứu đến sử liệu về mối quan hệ giữa triều đình nhà Thanh và nước ta, một cuốn sử liệu gốc quý hiếm lần đầu được dịch ra tiếng Việt đó là Thanh thực lục quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỷ XVII đầu thế kỷ XX do ông Nguyễn Bá Dũng chủ trì.

 
Sau khi đọc bản thảo gồm 591 trang tiếng Việt và kèm theo chính văn chữ Hán, các phần dịch và chú thích làm công phu, tỉ mỉ, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn cho rằng Thanh thực lục là bộ sử quan trọng của Trung Quốc ghi theo lối biên niên, ghi chép trình bày các hoạt động của triều đại nhà Thanh trên rất nhiều mặt, nhiều lĩnh vực suốt độ dài thời gian trên dưới 300 năm. Theo PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn thì bộ sử này không chỉ ghi chép các hoạt động của nhà Thanh trong nội địa Trung Quốc mà còn đề cập tới rất nhiều vấn đề bang giao, quan hệ với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ lâu nhiều nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung và nghiên cứu Việt Nam đã sử dụng bộ tư liệu quan trọng này phục vụ cho công tác nghiên cứu. Mặc dù bộ sử Thanh thực lục đã được trích tuyển một phần giới thiệu tại Việt Nam bằng tiếng Việt từ dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhưng việc tiếp tục khai thác, phiên dịch và giới thiệu các tư liệu của bộ sử này có liên quan tới Việt Nam vẫn là công việc hết sức có ý nghĩa, có giá trị nhiều mặt.
 
Cùng với những đánh giá cao về giá trị, ý nghĩa trong bộ sử liệu Thanh thực lục, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn cho rằng đóng góp quan trọng nhất của công trình này nằm ở phương diện dịch thuật. Nhìn một cách tổng quan, bản dịch có chất lượng tốt, trung thực với nguyên bản, chuyển tải được thông tin từ nguyên bản, một số dịch cho những đoạn mang nhiều sắc thái và ẩn ngữ của văn phong ngoại giao cũng chuyển dịch tốt. Phương diện “tín - đạt” của bản dịch đã được đảm bảo tốt.
 
Theo quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn tên quốc gia nên theo tên hiện đại, chẳng hạn trang 3, chú thích Lữ Tống; tên nước xưa, nay thuộc Phi Luật Tân, nên chuyển thành Philipin. Toàn bộ bản dịch nhiều từ ngữ dùng còn khá cổ, có thể hiện đại hóa cho độc giả rộng rãi dễ tiếp nhận.
 
Cùng với đó là một số chỗ phiên dịch còn cần kiểm tra tránh lỗi ví dụ trang 3, mục số 2, đối chiếu nguyên tác, ông Đô Tướng An Nam nhiều khả năng là Thái Phó chứ không phải Thái Truyền (có thể người làm trích sao, hoặc quá trình hiệu điểm nhầm, cần đối chiếu nguyên bản dùng trích sao). Trang 3, mục đầu tiên, dịch chưa rõ ý, “khởi đầu vào cuối triều Minh…” nên dịch là: “Xưa, sứ 3 nước Lưu Cầu, An Nam, Lữ Tống sang cống cho triều cuối nhà Minh, đang ngụ ở Phúc Kiến chưa kịp về nước…”. Chú thích cũng cần soát kỹ, ví dụ trang 5 bản dịch, chú thích về Quán: “cơ quan làm việc” là không chính xác, Quán cũng là một đơn vị hành chính, một tổ chức bộ máy, trong hệ thống, đài, sảnh, viện, quán…
 
Một điều đáng lưu ý theo PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn đó là tên sách không nên ghi “Quan hệ Trung Hoa - Việt Nam”, tên nước nên thống nhất ghi Trung Quốc không ghi Trung Hoa.
 
Trong lần nhận xét bản đề cương, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn đã có ý kiến về vấn đề bản chữ Hán được dùng để dịch thuật. Vậy nên nhóm soạn giả cần nói rõ đây không phải là do nhóm làm việc trực tiếp với văn bản Thanh thực lục nguyên bản toàn bộ để chọn ra các nội dung có liên quan tới Việt Nam. Công việc này đã được người Trung Quốc làm và Vân Nam nhân dân xuất bản xã xuất bản với tên tài liệu là: “Việt Nam Miến Điện, Lão Qua sử liệu trích sao”, tức là tài liệu Loại toản, tức chọn lọc theo vấn đề do Trung Quốc tiến hành. Điều này cần nói rõ, vì như vậy việc chọn không phải do nhóm soạn giả làm, đây cũng chưa phải toàn bộ tư liệu trong Thanh Thực lục về Việt Nam vì có thể có những điều vì lý do này hay lý do khác đã không được “trích sao”, hoặc bỏ sót do quan điểm và nhiều lý do khác. Việc nói rõ cũng sẽ tiện cho người nghiên cứu chuyên sâu muốn đối chiếu thì cần phải tự làm vấn đề này.
 
Theo PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn việc viết hoa tên người kèm tước hiệu nên thống nhất.  Cũng nên ghi lại tư liệu gốc mà nhóm làm “trích sao” đã sử dụng, như các thông tin họ đã dùng bản gốc là bản ảnh ấn của Tokyo Nhật Bản, những người này đã thực hiện công tác hiệu điểm (chấm phẩy) theo cách hiện đại như thế nào, họ đã sủa chữa (hiệu chính) những chỗ được cho là sai sót như thế nào… tức những vấn đề văn bản học của bản được chọn để dịch thuật. Đây là sử liệu quan trọng làm căn cứ cho nhiều công trình nghiên cứu, nhất là các nhà nghiên cứu không đọc được chữ Hán tra cứu nên việc dịch cần rà soát một lượt nữa trước khi xuất bản để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
 
Nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn cho rằng bản dịch chất lượng nhìn chung tốt, công phu, thận trọng, khách quan, cầu thị. Đây sẽ là nền tảng tạo nên sự thành công của cuốn sách – nguồn sử liệu quý cho các nhà nghiên cứu sử học và hoạt động đối ngoại.
 
Linh Chi (tổng hợp)
(Theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá