Nguồn sử liệu tốt và mới mẻ với giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam
Theo PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn bản thảo “Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX” do ông Nguyễn Bá Dũng chủ trì, sau khi được công bố, kết hợp với bộ Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV - XVIII (dừng lại ở năm 1640 - Sùng Trinh thứ 13), chúng ta sẽ có một bộ sử liệu Trung Quốc khá đồ sộ và liên tục nói về quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam trong khoảng 500 năm (tính từ thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XX), phản ánh nhiều vấn đề lịch sử quan trọng mà giới sử học nước ta từ trước đến nay nói chung chưa có điều kiện khai thác, nghiên cứu.
Đối với học giả nước ngoài nghiên cứu về quan hệ Việt - Trung thời kỳ cổ, cận đại, ngoại trừ học giả Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, đã khai thác Thanh thực lục khá kỹ, còn học giả Liên Xô, thí dụ: Murasheva, trong cuốn Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thế kỷ XVII - XIX (M.1973), có khai thác Thanh thực lục nhưng cũng rất hạn hẹp. Ngay đối với Yoshiharu Tsuboï, tác giả “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 - 1885” (1847: Đạo Quang thứ 27 – ngang với vua Thiệu Trị năm cuối cùng; năm 1885: Quang Tự thứ 11 – ngang với vua Hàm Nghi năm thứ nhất năm 1847 tương đương với ).
Chỉ có một lần dẫn Thanh thực lục: Tuyên Tông thực lục (đời Đạo Quang, 1821 - 1850) trong khi theo thống kê ở phần II: Quan hệ Trung - Việt qua Thanh thực lục (trang 4 của Đề cương, đời Đạo Quang có 99 văn bản).
Thời gian lịch sử quan hệ Trung - Việt từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, bao gồm 10 đời vua Trung Quốc: 1. Thế Tổ Thuận Trị (1645 - 1660); 2. Thánh Tổ Khang Hy (1661 - 1722); 3. Thế Tông Ung Chính (1723 - 1735); 4. Cao Tông Càn Long (1736 - 1795); 5. Nhân Tông Gia Khánh (1796 - 1820); 6. Tuyên Tông Đạo Quang (1821 - 1850); 7. Văn Tông Hàm Phong (1851 - 1861); 8. Mục Tông Đồng Trị (1862 - 1874); 9. Đức Tông Quang Tự (1875 - 1908); 10. Tuyên Thống Phổ Nghi (1909 - 1911). Tương ứng với 25 đời vua Việt Nam: 1. Lê Chân Tông Phúc Thái (1643 - 1649); 2. Lê Thần Tông Khánh Đức (1649 - 1652), Thịnh Đức (1653 - 1657), Vĩnh Thọ (1658-1661), Vạn Khánh (1662); 3. Lê Huyền Tông Cảnh Trị (1663 - 1671); 4. Lê Gia Tông Dương Đức (1672 - 1673), Đức Nguyên (1674 - 1675); 5. Lê Hy Tông Vĩnh Trị (1676 - 1680), Chính Hòa (1680 - 1705); 6. Lê Dụ Tông Vĩnh Thịnh (1705 - 1719), Bảo Thái (1720 - 1729); 7. Lê Duy Phường Vĩnh Khánh (1729 - 1732); 8. Lê Thuần Tông Long Đức (1732 - 1735); 9. Lê Ý Tông Vĩnh Hựu (1735 - 1740); 10. Lê Hiển Tông Cảnh Hưng (1740 - 1786); 11. Lê Duy Kỳ (Mẫn đế) Chiêu Thống (1787 - 1788); 12. Nguyễn Nhạc Thái Đức (1778 - 1793); 13. Nguyễn Huệ Quang Trung (1788 - 1792); 14. Nguyễn Quang Toản Cảnh Thịnh (1793 - 1801), Bảo Hưng (1801 - 1802); 15. Nguyễn Thế Tổ Gia Long (1802 - 1819); 16. Thánh Tổ Minh Mạng (1820 - 1840); 17. Hiến Tổ Thiệu Trị (1841 - 1847); 18. Dực Tông Tự Đức (1848 - 1883); 19. Dục Đức (1883 - 3 ngày); 20. Hiệp Hòa Hiệp Hòa (1883 - 4 tháng); 21. Giản Tông Kiến Phúc (1883 - 1884); 22. Hàm Nghi (1885 - 1885); 23. Cảnh Tông Đồng Khánh (1886 - 1888); 24. Thành Thái (Bửu Lên) (1889 - 1907); 25. Duy Tân (Vĩnh San) (1907 - 1916)
Đối chiếu niên biểu lịch sử Trung Quốc - Việt Nam và đọc Thanh thực lục Bản dịch này, chúng ta thấy từ giữa thế kỷ XVII tới trước chiến tranh Thanh - Tây Sơn 1789, quan hệ giữa Trung Quốc - Việt Nam nhìn chung không có gì căng thẳng, trừ mấy sự kiện phải giải quyết như nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Dũng đã nêu trong Đề cương (trang 5 - 6): vấn đề nhà Mạc chiếm cứ Cao Bằng, vấn đề Hoàng Công Toản chạy sang Vân Nam, vấn đề nhà Lê - Trịnh đòi lại mỏ đồng Tụ Long.
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì định chế cầu phong, triều cống theo truyền thống từ thời Lê 1428. Riêng lệ triều cống trước quy định 3 năm 1 lần, tới đời Khang Hy, nhà Thanh gộp 2 kỳ lại thành 6 năm 1 lần, nhưng số lượng cống phẩm vẫn phải đủ, 3 năm nhân đôi.
Vào giai đoạn lịch sử này, sở dĩ Trung Quốc gần như “buông lỏng” phương Nam vì nội bộ Trung Quốc bất ổn: Người Mãn đánh chiếm Trung Nguyên, phong trào kháng Thanh nổ ra mạnh mẽ; Khởi nghĩa Lý Tự Thành (1644); Sự kiện Ngô Tam Quế (1673)…
Từ khi thực dân phương Tây vào xâm lược Trung Quốc, đặc biệt từ chiến tranh Nha phiến (1840 - 1842), tình hình Trung Quốc rối bời. Khi thực dân Pháp đánh ra Bắc Kỳ, mối quan hệ Trung - Pháp - Việt Nam trở nên hết sức phức tạp, gây cấn, cho tới Hiệp ước Thiên Tân 1885, Việt Nam thoát khỏi hoàn toàn với Trung Quốc và nằm trong chế độ bảo hộ của Pháp.
Bản dịch Thanh thực lục sẽ cung cấp cho người đọc rất nhiều tư liệu quý giá để nghiên cứu vấn đề mối quan hệ ngót 300 năm giữa Trung Quốc và Việt Nam mà từ trước tới nay chúng ta chưa có điều kiện tiếp cận.
Thanh thực lục nếu kết hợp với Thanh sử cảo và Tư liệu chiến tranh Trung -Pháp… thì nguồn tư liệu càng phong phú, đầy đủ hơn.
Bản dịch “Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX”, theo tôi nói chung là tốt, bảo đảm được dịch nghĩa đúng. Tuy nhiên, dịch giả và nhóm biên tập cũng cần đọc kỹ lại, chỉnh sửa kỹ hơn cho bản dịch đạt chất lượng cao nhất có thể.
“Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XX”, là một nguồn sử liệu rất có giá trị, cần được khai thác nghiên cứu. Vì vậy việc Nhà xuất bản Hà Nội cho công bố bản dịch bộ sử quan trọng này (có in kèm nguyên văn chữ Hán), là một đóng góp thật sự có ý nghĩa học thuật, chắc chắn sẽ được người đọc, nhất là giới sử học trong nước quan tâm đón nhận.
Đàm Ly tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội