Sau khi đọc gần 600 trang bản thảo, PGS.TS. Đào Tố Uyên cho rằng nguồn tư liệu của bản thảo đã cung cấp nhiều tư liệu lịch sử quý cho việc tìm hiểu quan hệ Trung Quốc - Việt Nam từ năm 1647 (dưới triều vua Thanh Thế Tổ Thuận Trị) đến năm 1911 (dưới triều vua Thanh Cung Tông Tuyên thống) trong đó có nhiều tư liệu mới mà trước đây chúng ta chưa khai thác được hoặc khai thác còn ít. Từ nguồn tư liệu này giúp việc nghiên cứu sử của chúng ta về thời kì này đặc biệt là nhân vật, sự kiện giai đoạn nhà Mạc sử ta ghi lại không nhiều.
Sau khi đọc bản thảo, PGS.TS. Đào Tố Uyên thấy rằng dịch giả đã tuân thủ nguyên tắc phiên dịch một cách nghiêm túc, khoa học. Việc chọn các văn bản có liên quan đến quan hệ Trung Quốc - Việt Nam từ đầu thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XX để phiên dịch đồng thời có đối chiếu với các sách sử Trung Quốc đồng đại trước hoặc sau Thanh thực lục, các bộ cổ sử Việt Nam nhằm đảm bảo tính chính xác của nó là một việc làm khoa học. Bên cạnh đó các thuật ngữ, từ cổ, tên riêng được chú thích dưới mỗi bản dịch để người đọc dễ theo dõi. Đồng thời các văn bản dịch đều có đưa ngày tháng năm dương lịch giúp người đọc có thể đối chiếu với ngày tháng năm âm lịch cùng với niên hiệu các đời vua. Theo nhận định của PGS.TS. Đào Tố Uyên với cách tiếp cận một cách khoa học, hợp lí và phù hợp đã giúp người đọc dễ nắm bắt được vấn đề, các sử liệu cũng như cách nhìn các sự kiện, nhân vật lịch sử một cách khách quan.
Sau những đánh giá về cách tiếp cận bản dịch, PGS.TS. Đào Tố Uyên có nhận xét, đánh giá, góp ý cho nội dung bản thảo. Ở đây dịch giả đã chọn ra 1.195 văn bản liên quan đến quan hệ Trung Quốc - Việt Nam trong Thanh thực lục để dịch gồm 587 trang khổ giấy A4 theo thời gian và niên hiệu của các Hoàng đế Trung Hoa bao quát một số nội dung cơ bản như: Quan hệ ngoại giao của Trung Quốc - Việt Nam; Vấn đề an ninh biên giới; Ứng xử của các vua, cận thần và một số nhân vật liên quan đến nhà Thanh và ngược lại; Vùng đất Tụ long của Việt Nam bị mất vào tay nhà Thanh; Tàu quân của Thái Bình Thiên Quốc tràn vào Bắc Kì; Quân Trung Hoa trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam ở Bắc Kỳ (Quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc); Chiến tranh Thanh - Pháp diễn ra trên đất Bắc Kì dẫn đến hòa ước Thiên Tân 1885.
Qua bản dịch có thể thấy sự làm việc một cách khoa học, nghiêm túc và công phu của các dịch giả. Cách làm khoa học, công phu thể hiện ở ngay dưới mỗi văn bản đều có những chú thích cần thiết như tên người, tên đất, tên trước kia và hiện nay giúp người đọc dễ theo dõi và nắm bắt.
Bản thảo được thực hiện với những dịch giả có trình độ Hán học tốt, am hiểu văn hóa Việt Nam và Trung Quốc đồng thời là những người có tâm huyết với vấn đề nghiên cứu, dịch thuật, vậy nên chất lượng bản thảo tốt. Tuy nhiên, bản thảo cũng không tránh khỏi những thiếu sót nhất định, PGS.TS. Đào Tố Uyên có góp ý: Dịch giả cần bổ sung vào bản thảo phần giới thiệu về bộ sách Thanh Thực lục (như đã có ở phần đề cương chi tiết). Các tác giả nên xem xét bổ sung bản chính bằng chữ Hán để người đọc tiện tra cứu và đối chiếu khi cần. Cùng quan điểm với PGS.TS. Phạm Xuân Hằng cũng như theo kết luận từ cuộc họp nghiệm thu đề cương, các tác giả nên bổ sung phần Index và mục lục vào bản thảo. Bên cạnh đó Tài liệu tham khảo cũng cần phải bổ sung đầy đủ thông tin. Đồng thời một số vấn đề về nguyên tắc phiên dịch cũng cần được giới thiệu để người đọc hiểu và nắm bắt được vấn đề.
Từ nội dung bản dịch bộ “Thanh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỉ XVII đầu thế kỉ XX” do ông Nguyễn Bá Dũng chủ trì sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu những tư liệu lịch sử quý giá để hiểu quan hệ giữa hai nước trong hơn hai thế kỉ. Đây không chỉ là nguồn tư liệu quý phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập bộ môn lịch sử ở các trường phổ thông, cao đẳng, đại học mà còn cho cả những ngành khoa học có liên quan.
Ngọc Linh (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội