Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Gìn giữ những giá trị của làng cổ Hà Nội
Thứ hai, 14/03/2016 03:38

Ngay khi bắt đầu được triển khai, từ khâu đề cương, đề tài “Làng cổ Hà Nội” đã nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về văn hóa trong đó có ông Đặng Văn Tu - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - Ủy viên Hội đồng nghiệm thu đề cương đề tài. Theo ông, công trình sẽ góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết những giá trị sâu sắc về lịch sử văn hóa dân tộc, để hồn cốt, giá trị của làng cổ không bị mai một trước xu thế đô thị hóa hiện nay.

 
Sau khi thẩm định bản thảo gần 1200 trang, ông Đặng Văn Tu đánh giá công trình có bố cục các phần cơ bản hợp lý. Cách sắp xếp giới thiệu các làng cổ tiêu biểu và danh mục tài liệu tham khảo theo thứ tự A - B - C cũng được cho là phù hợp, giúp người đọc dễ tra cứu tham khảo.
 
Làng Việt, làng cổ Hà Nội là một vấn đề lớn và đã có khá nhiều nghiên cứu trước đây. Với bài tổng quan ở phần 1, ông Đặng Văn Tu cho rằng vẫn cần có sự đầu tư nghiên cứu sâu hơn. Theo ông nên xem bài viết như một sự “dẫn dụ” để thực hiện ở phần hai của công trình và như vậy nó phù hợp với đề tài này.
 
Ngoại trừ tiết 1 (“Chuyện về ngôi làng đầu tiên trên đất Hà Nội”) có văn phong hơi khác biệt, theo nhận xét của ông Đặng Văn Tu, những nội dung của hai phần còn lại trong bài Tổng quan thiết thực hơn với đề tài, giúp người đọc nhận diện làng cổ Hà Nội, giúp các nhà quản lý tham khảo, nghiên cứu, đưa ra các tiêu chí công nhận làng cổ. Việc đánh giá thực trạng, đề ra giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ trong xu thế đô thị hóa các làng quê hiện nay, làm cho đề tài có ý nghĩa và tác dụng thiết thực hơn.
 
Trong phần hai, công trình giới thiệu 78 làng cổ tiêu biểu. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu này những làng được lựa chọn giới thiệu hoàn toàn xứng đáng. Mỗi soạn giả có cách giới thiệu khác nhau, nhưng nhìn chung làng cổ tiêu biểu được giới thiệu với những nội dung: Biến thiên diên cách của làng; đất làng, người làng; cơ cấu tổ chức làng; di sản văn hóa của làng (đình, chùa, đền, miếu, quán, nhà thờ họ, lễ hội, các hình thức văn hóa dân gian khác); nghề và tổ nghề, quá trình phát triển của nghề, tài khéo của người làm nghề; truyền thống hiếu học, khoa bảng; cảnh quan, môi trường, sông ngòi, cầu ao, cây đa, giếng nước, cổng làng. Những nội dung trên là cách tiếp cận, giúp người đọc nhận diện một cách tổng thể về làng cổ. Một số làng cổ, soạn giả giới thiệu không dàn trải mà đi vào nét nổi bật của làng, giới thiệu những tư liệu mới, do vậy mặc dù là công trình biên soạn nhưng người đọc vẫn cảm thấy hấp dẫn như thấy được “hồn cốt” của làng.
 
Bên cạnh một số ưu điểm đã nêu, với trách nhiệm thành viên Hội đồng thẩm định, nghiệm thu bản thảo, ông Đặng Văn Tu cũng tham gia một số ý kiến với mong muốn cho tập bản thảo “Làng cổ Hà Nội” được hoàn chỉnh hơn.
 
Trước hết, lời mở đầu với phần 1 của Tổng quan có sự trùng lặp khá nhiều. Theo ông Đặng Văn Tu nên “gói ghém” đưa lời mở đầu vào phần Tổng quan để tránh trùng lặp. Khi in sách, thay cho lời mở đầu nên để lời Nhà xuất bản có lẽ hợp hơn.
 
Về tên tiết mục trong phần Tổng quan, ông Đặng Văn Tu cũng yêu cầu cần có sự chỉnh sửa hợp lý hơn. Cụ thể như tiết II “Làng cổ Hà Nội - Phân loại và đặc điểm”, “Đặc trưng, phân loại và đặc điểm của làng cổ Hà Nội”, đã “đặc trưng” thì không nên “đặc điểm” và “phân loại” thì nên trình bày sau “đặc điểm/đặc trưng”.
 
Cũng ở phần 1 nội dung “Khái quát về tổ chức hành chính cấp cơ sở Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử” không thực sự gắn kết với đề tài làng cổ vì thế theo ông Đặng Văn Tu phần này nên lược, hoặc đưa xuống Phụ lục cho đỡ rườm rà.
 
Thẩm định bản thảo cẩn trọng, nghiêm túc, ông Đặng Văn Tu còn đề xuất nhiều góp ý về mặt nội dung trong các bài giới thiệu về làng cổ để tập thể biên soạn xem xét để đảm bảo tính khách quan, chính xác.
 
Bài “Làng Bình Đà” khẳng định nguồn gốc tên chợ Tư chưa đủ căn cứ. Bài “Làng Tân Hội”, tư liệu về tướng quân Văn Dĩ Thành không có căn cứ xác đáng, dễ làm cho người đọc, nhất là hậu thế hiểu sai lệch. Bài “Làng Giá - Yên Sở” nói Phạm Tu quê ở Làng Giá.  Bài “Làng Ngọc Than” lại nói Phạm Tu quê ở Ngọc Than. Cần có sự lý giải để người đọc không cho là tùy tiện. Thời gian chi tiết Bà Trưng nhảy xuống sông Hát tự vẫn, bài “Làng Hát Môn” thì cho là ngày mồng 6 tháng 3 trong khi bài “Làng Hạ Lôi” lại là ngày mồng 8 tháng 3. Bài “Làng Hạ Lôi” nêu Hai Bà làm lễ tế cờ khởi nghĩa ở Hạ Lôi mà như chúng ta đã biết, Hai Bà làm lễ tế cờ (tế cáo trời đất) khởi nghĩa ở Hát Môn, nơi lập đàn làm lễ là Tràng Châu.
 
Về  nhân vật Phùng Khắc Khoan, đã có nhiều công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học khẳng định Phùng Khắc Khoan và Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là anh em cùng cha khác mẹ. Nay soạn giả bài “Phùng Xá - Quê hương trạng Bùng Phùng Khắc Khoan” lại đưa ra ý kiến trái chiều mà không có tư liệu, chứng cứ mới, vì thế cần xem lại.
Đồng ý kiến với GS.TS. Nguyễn Xuân Kính trong buổi họp nghiệm thu, ông Đặng Văn Tu cũng cho rằng bài “Làng Nhị Khê” dịch sai lời Lê Thánh Tông tặng Nguyễn Trãi  (“Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” là: “Tấm lòng Nguyễn Trãi sáng đẹp như sao Khuê”). Ông cho biết PGS. Bùi Duy Tân đã đính chính, dịch đúng là “Lòng Ức Trai rạng tỏa văn chương”.
 
Bên cạnh lưu ý việc xem xét đảm bảo tính chuẩn xác về nội dung, ông Đặng Văn Tu cho rằng một số bài viết có những nội dung cần được bổ sung như: Bài “Làng Vạn Phúc” nên nói thêm về cây cổ thụ, chùa làng, cổng làng; bài “Làng Canh Hoạch” nên đề cập đến quan hệ dòng họ Nguyễn ở đây với Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; bài “Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ”, nên đề cập đến cụ nghệ nhân Nguyễn Văn Tố với việc đào tạo, phát triển nghề khảm trai; bài “Làng Cổ Đô”, nói đến Nguyễn Bá Lân nên đề cập một tác phẩm văn học nổi tiếng của ông “Ngã ba Hạc Phú”, đồng thời cũng nói thêm về nghề làm bún xưa của làng; bài “Làng Đa Sỹ” nên thống kê tường tận để vinh danh các nhà khoa bảng đỗ tài khoa; bài “Làng Sơn Đồng”, mục lễ hội viết còn sơ lược, nên giới thiệu thêm lệ cướp cây bông, thi làm bánh dày rất đặc sắc; bài “Làng Khê Thượng” nên giới thiệu thêm về hội làng với tập tục lấy nước ở sông Đà về làm lễ Mục dục Đức Thánh Tản rước Đức Thánh Ông qua sông Đà sang Hy Cương, rước Đức Thánh Bà về, rồi tục “Trồng voi” rất độc đáo…
 
Trong bản thảo cũng có bài giới thiệu cả một vùng di tích, như bài “Hương Sơn một vùng di tích đặc sắc”, bài “Phù Linh một vùng di tích đặc sắc”. Theo ông Đặng Văn Tu, nên tập trung viết về làng cụ thể, qua đó giới thiệu các di tích có liên quan.
 
Bên cạnh đó, số lượng 78 làng cổ được lựa chọn giới thiệu trong sách, theo ông Đặng Văn Tu là quá ít, đề nghị giới thiệu bổ sung thêm một số làng có nhiều nét đặc sắc, tiêu biểu, như: làng Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), làng Quất Động (huyện Thường Tín), bổ sung thêm làng của huyện Ba Vì…
 
Một vấn đề khác ông Đặng Văn Tu lưu ý tập thể biên soạn, đó là vấn đề trích dẫn, bản quyền. Nhiều bài viết trong bản thảo có sử dụng nội dung, tư liệu của những công trình đã xuất bản nhưng chưa chú thích, xuất xứ, mới chỉ đưa ra bảng kê tài liệu tham khảo. Đây là vấn đề nhạy cảm, ông đề nghị các tác giả xem xét khắc phục.
 
Tuy còn một số hạn chế, thiếu sót, nhưng ông Đặng Văn Tu khẳng định mặt thành công của cuốn sách là cơ bản và ghi nhận tập sách là một công trình khoa học đã được thực hiện công phu, nghiêm túc. Các tác giả chỉnh sửa theo kết luận của Hội đồng để hoàn thiện bản thảo và sớm được ra mắt bạn đọc.
 
Minh Khang (tổng hợp)
Theo nhận xét của ông Đặng Văn Tu - Ủy viên Hội đồng
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá