Đánh giá chung về kết cấu đề tài, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo cho rằng cách bố cục như bản thảo hiện tại là rõ ràng, mạch lạc. Tuy nhiên trong phần 1 mục II (Làng cổ Hà Nội - phân loại và đặc điểm) theo nhà nghiên cứu này, những tiểu mục bên trong vừa dài dòng, vừa lắt nhắt lại không hợp lý. Bà đề xuất nên chăng có thể thay mục II với tiêu đề: Làng cổ Hà Nội - Đặc trưng và tiêu chí nhận diện (như vậy là gộp mục III cũ vào đây). Và mục III mới sẽ là: Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng cổ Hà Nội. Như vậy thì nội dung trong các chương mục sẽ không bị dàn trải và logic hơn.
PGS.TS. Đỗ Thị Hảo cũng có những đánh giá ghi nhận về chất lượng bài tổng quan. Trong bài viết này, chủ biên đề tài “Làng cổ Hà Nội” đã phác họa được những yếu tố cơ bản hình thành làng Việt và văn hóa làng ở Việt Nam. Qua khảo sát hàng ngàn làng, tập thể biên soạn đã đưa ra được bốn tiêu chí để nhận diện làng cổ Hà Nội, đó là: Làng được hình thành từ 300 năm trở lên, hiện còn bảo tồn được nhiều nét đặc sắc của văn hóa Việt; có truyền thống lịch sử, yêu nước chống ngoại xâm và bề dày văn hóa đặc sắc; còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa: Đình, chùa, đền, miếu, cổng làng, nhà thờ họ…; còn lưu giữ được di sản văn hóa phi vật thể: lễ hội, diễn xướng, tục lệ…
Điều đáng ghi nhận nữa không thể không nói đến, theo bà, đó là nhóm đề tài đã đề xuất những giải pháp mang tính khả thi nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của làng cổ Hà Nội trong tình hình đô thị hóa đến chóng mặt như hiện nay.
Về cơ bản, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo nhận định nội dung các chương mục phần tổng quan rất đầy đủ, phong phú, từ gia đình, dòng họ cho đến truyền thống chống ngoại xâm giữ nước giữ làng; từ đình, chùa, miếu mạo… cho đến hội hè, tục lệ… Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng chỉ rõ bài viết chưa làm rõ nét khác biệt giữa làng cổ Hà Nội với làng cổ các nơi khác, mà chính sự khác biệt đó lại là cái tạo nên bản sắc riêng có của làng cổ Hà Nội, của người Hà Nội thanh lịch văn minh. Sự “thiếu vắng” này theo nhà nghiên cứu Đỗ Thị Hảo phải chăng là vì giữa phần 1 (giới thuyết chung về làng cổ) và phần 2 (giới thiệu cụ thể các làng cổ) thiếu sự gắn kết và bổ trợ cho nhau. Và cũng vì vậy chưa nêu bật được “đặc trưng” của làng cổ Hà Nội - vấn đề cơ bản, cốt lõi mà công trình hướng tới..
Phần 2 (Các làng cổ Hà Nội tiêu biểu), trong số 200 làng được gọi là cổ của Hà Nội, nhóm tác giả đã lựa chọn giới thiệu 78 làng tiêu biểu. PGS.TS. Đỗ Thị Hảo đánh giá nhìn chung các bài viết đều bám sát tiêu chí và được biên soạn theo một quy cách thống nhất. Với tính chất của công trình, việc sưu tầm tư liệu thực địa để viết cực kỳ khó khăn và công sức bỏ ra không phải là nhỏ. Bản thảo dày hơn 1000 trang đã chứng minh tâm huyết cũng như sự lao động nghiêm túc của các tác giả đề tài. Có nhiều bài viết rất hấp dẫn với tư liệu phong phú chứng tỏ tác giả là những người “tay nghề” khá lão luyện. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn những làng viết hơi sơ sài, mặc dù tư liệu về những làng đó trước đây khá dày dặn, nhà nghiên cứu này cho rằng các tác giả nên cân nhắc bổ sung thêm.
Bên cạnh những nhận định chung về nội dung bản thảo, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo cũng đề xuất một số ý kiến cụ thể để nhóm tác giả lưu ý hoàn thiện để bản thảo chuẩn xác hơn, hoàn chỉnh hơn, đáp ứng được yêu cầu của độc giả.
Về cách đặt tên cho các làng, theo nhà nghiên cứu này nên chỉ để tên làng và thống nhất xếp tên các làng theo vần A, B, C…, còn những đặc điểm, đặc trưng riêng của mỗi làng (làng nghề, làng khoa bảng…) thì nên giới thiệu trong phần nội dung.
Đây là công trình nghiên cứu do đó tính chính xác của dữ liệu, thông tin là yêu cầu hàng đầu vì thế PGS.TS. Đỗ Thị Hảo đặc biệt lưu ý nhóm biên soạn về tính chuẩn xác của các nhận định được nêu ra.
Danh mục tài liệu tham khảo theo đánh giá của nhà nghiên cứu này vừa thiếu lại vừa thừa: nhiều tài liệu được liệt kê không liên quan nhiều đến Hà Nội trong khi lại thiếu những tác phẩm liên quan mật thiết đến vấn đề chính của công trình là làng cổ Hà Nội.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo đề xuất nhóm tác giả có thể bổ sung thêm một số làng rất cổ của Hà Nội, hiện còn lưu giữ được khá nhiều di sản văn hóa đặc sắc như: Làng Yên Lãng (Láng), Đại Yên, Phú Nhi, Liệp Tuyết, Phú Nhiêu, Quất Động, Hội Xá, Phù Lưu Tế, Định Công v.v…
“Làng cổ Hà Nội” là công trình được biên soạn công phu, nghiêm túc. Bản thảo sau khi được hoàn thiện, xuất bản chắc chắn sẽ là một cuốn sách có giá trị, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc về thủ đô Hà Nội nghìn năm.
Minh Khang (tổng hợp)
Theo nhận xét của PGS.TS. Đỗ Thị Hảo
Nhà xuất bản Hà Nội