Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Làng cổ Hà Nội” - Góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hiến Thăng Long - Hà Nội
Thứ hai, 14/03/2016 03:45

Là một nước nông nghiệp, thuộc nền văn minh lúa nước, làng và văn hóa làng là một nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Chính vì thế, việc tổ chức biên soạn đề tài “Làng cổ Hà Nội” được nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ đánh giá cao về tính cần thiết phải có mặt trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Ông nhấn mạnh đây là đề tài không chỉ có giá trị khoa học về nhiều mặt: lịch sử, văn hóa, chính trị, quân sự… phục vụ công chúng yêu thích văn hóa làng, các cán bộ nghiên cứu lịch sử văn hóa truyền thống, cán bộ quản lý văn hóa các cấp, khách du lịch muốn tìm hiểu làng cổ Hà Nội, mà còn có ý nghĩa cần thiết trong bảo tồn, phát huy các giá trị ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội và giáo dục truyền thống, nhất là cho thế hệ trẻ hiện nay.

 
Trong số trên dưới 2400 làng ở Hà Nội, theo các tác giả biên soạn “Làng cổ Hà Nội” thì có khoảng 200 làng cổ. Sau khi đã khảo sát thực tiễn, gặp gỡ, thảo luận với các phòng văn hóa thông tin huyện, quận ven ngoại và Ban quản lý di tích các làng, trao đổi, tham khảo ý kiến với nhiều trưởng thôn, các cụ cao tuổi ở các làng, chủ biên và Ban biên soạn đã cân nhắc, thống nhất đưa vào giới thiệu 78 làng tiêu biểu. Theo PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, cách triển khai biên soạn có tính khoa học, cẩn trọng, chứng tỏ chủ biên đã có nhiều kinh nghiệm vừa bảo đảm cho chất lượng cuốn sách vừa tránh cho sự phức tạp về sau.
 
Các phương hướng nghiên cứu được vận dụng trong cuốn sách từ khảo sát điền dã, kết hợp với nghiên cứu từng loại làng, thậm chí từng làng tiêu biểu với phân tích và tổng hợp, lịch sử và logic, so sánh, sử dụng chuyên gia, thảo luận, trao đổi nhóm, tra cứu các nguồn tư liệu… Cách thể hiện kết quả nghiên cứu để giới thiệu các làng cổ tiêu biểu được viết với văn phong giản dị, sinh động… Nhìn chung, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ đánh giá các phương pháp nghiên cứu và cách thể hiện trong cuốn sách là phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ mà chủ đề cuốn sách đặt ra phục vụ rộng rãi đối tượng bạn đọc.
 
Nhà nghiên cứu này cũng chỉ ra những ưu điểm nổi bật của phần Tổng quan như: đã giới thiệu được làng Việt, văn hóa làng Việt; đã giới thiệu được những thành tố cơ bản tạo nên tổng thể nội dung văn hóa làng như: gia đình - dòng họ, tín ngưỡng đa thần, đình chùa…, tính tự trị - tự quản, mối quan hệ nhà - làng - nước… Đáng chú ý tổng quan đã đưa ra hệ tiêu chí để nhận diện Làng cổ Hà Nội. Tổng quan cũng đã đánh giá được một số nét khái quát thực trạng Làng cổ Hà Nội và kiến nghị một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Làng cổ Hà Nội. PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ cho rằng nhìn chung tuy còn phải chỉnh sửa, bổ sung một số ý, song về cơ bản phần tổng quan đã đáp ứng được yêu cầu của cuốn sách đặt ra.
 
Một thành công của cuốn sách theo ghi nhận của PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ là ở phần giới thiệu về các làng cổ tiêu biểu. Theo ông cách giới thiệu đã bảo đảm được “tính khách quan của sự xem xét”, song cũng cụ thể, sinh động không cứng nhắc, mà vẫn bảo đảm được một form chung: Đất và người, quá trình hình thành phát triển, truyền thống nổi bật, di sản lịch sử - văn hóa tiêu biểu…
 
Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ cũng đề xuất một số vấn đề cần được trao đổi thêm với chủ biên và các tác giả.
 
Về kết cấu, theo nhà nghiên cứu này nên có sự điều chỉnh và bổ sung hợp lý hơn: nên bổ sung lời giới thiệu của NXB cho cuốn sách, còn lời mở đầu hiện tại nên lồng vào tổng quan để viết tập trung hơn và tránh trùng lặp. Mặt khác nên có lời kết hoặc kết luận và nên bổ sung một số ảnh minh họa hoặc phụ lục những làng cổ tiêu biểu còn lại mà chưa có điều kiện để giới thiệu trong cuốn sách này.
 
Phần tổng quan của công trình cũng có một số vấn đề cần tu chỉnh. PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ nhấn mạnh, đối tượng của cuốn sách là làng cổ Hà Nội, do vậy các nội dung phải tập trung vào giới thuyết về làng cổ Hà Nội (khác với làng Hà Nội nói chung). Do đó theo ông tên gọi các phần của mục II đều cần bổ sung cụm từ “làng cổ Hà Nội”. Mặt khác mục này cũng cần bổ sung tiêu chí nhận diện làng cổ Hà Nội - là một nội dung rất quan trọng. Cũng trong phần Tổng quan, khi trình bày: Khái quát về tổ chức hành chính cấp cơ sở Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử theo PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ nên phân tích dưới lát cắt tác động tới làng cổ Thăng Long - Hà Nội. Với nội dung Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản Làng cổ Hà Nội ông đề xuất nên bổ sung giải pháp: bảo vệ môi trường ở các làng cổ có nghề truyền thống; giải quyết hài hòa bài toán lợi ích cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản Làng cổ Hà Nội (Làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội là một ví dụ).
 
Đối với phần nội dung chính của công trình là phần giới thiệu các Làng cổ Hà Nội tiêu biểu, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ cũng đề xuất một số ý kiến chỉnh sửa cụ thể.
 
Trước hết dung lượng các bài giới thiệu các làng cổ chênh lệch khá nhiều (gấp nhau 3 lần), nhiều làng chỉ 6 - 7tr nhưng cũng không ít làng lên tới 21 - 22tr, cần xem xét để có sự cân đối hơn.
 
Theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, thực tế trong bản thảo, có bài trình bày đầy đủ (đất và người; quá trình hình thành, phát triển; truyền thống giá trị, đặc trưng nổi bật; di sản lịch sử - văn hóa tiêu biểu) nhưng có bài lại viết thiếu; Có bài rút những giá trị nổi bật của làng ngay trong tên bài, có bài lại chỉ tên làng; Có bài trình bày có mục, có tên, có bài lại chỉ đánh số 1, 2, 3…; Có bài lại xếp cổng làng, giếng làng vào đất và người (đáng ra phải để ở Di tích lịch sử văn hóa…); Có làng lại giới thiệu không đúng trọng tâm, không phải nét nổi bật của làng... Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh để cuốn sách phong phú thì cách giới thiệu có thể uyển chuyển, sinh động, không cứng nhắc nhưng các bài viết vẫn phải bảo đảm cơ bản theo form chung để có sự thống nhất, hài hòa trong chỉnh thể chung của công trình.
 
Trong phần nội dung này, có một số bài giới thiệu 2 - 3 làng trong một phường (như phường Quảng An với 3 làng: Nghi Tàm, Tây Hồ và Quảng Bá; phường Hạ Đình 2 làng: làng Thượng Yên Quyết và làng Hạ Yên Quyết; Hạ Đình 2 làng: làng Thượng Đình và làng Hạ Đình). Như vậy, trong sách thực ra đã giới thiệu 82 làng chứ không phải 78 làng. Cần lưu ý đến chi tiết này khi xem xét bổ sung số lượng làng cần giới thiệu trong cuốn sách.
 
Ngoài ra, cuốn sách hướng tới phục vụ độc giả rộng rãi, từ các nhà nghiên cứu đến bạn đọc phổ thông nên yêu cầu cao về tính chính xác. Chính vì vậy, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ đặc biệt lưu ý nhóm biên soạn về tính chuẩn xác của một số nhận định: Việt Nam chưa bao giờ có một tôn giáo là quốc giáo (tr17), làng nào cũng có ban nhạc, bát âm để phục vụ… (tr35), văn chỉ - văn hóa vật chất (tr45), bài viết về làng Khê Thượng (tr447) và về làng Kim Lũ (tr496) đều cho rằng đây là nơi Tản Đà sinh ra…
 
Đánh giá chung, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ cho rằng tập sách là một công trình khoa học đã được thực hiện công phu, nghiêm túc. Tuy còn một số hạn chế nhưng mặt thành công của cuốn sách là cơ bản. PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ yêu cầu các tác giả chỉnh sửa theo kết luận của Hội đồng để hoàn thiện bản thảo và sớm được ra mắt bạn đọc.
 
Minh An (tổng hợp)
Theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá