Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội Những áng văn đỉnh cao của văn chương khoa cử Việt Nam
Thứ sáu, 18/03/2016 09:53

Bản thảo đề tài Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội do PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh và Ths. Đinh Thanh Hiếu thực hiện đã được hoàn thành theo bản đề cương đã được góp ý của Hội đồng. Bản thảo gồm 702 trang, sau khi đọc bản thảo, PGS.TS Hoàng Thị Ngọ đã đưa ra những nhận định, đánh giá cũng như góp ý hết sức xác đáng.

 
Trước hết PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ khẳng định, chủ đề của bản thảo trung thành với bản đề cương sau nghiệm thu về cả hai phương diện nội dung và hình thức và hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu của "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến". Bản thảo đã thực hiện được mục tiêu của đề tài là biên soạn một cuốn sách nghiên cứu, giới thiệu, chú giải về Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội (Tập 3) với 12 bài của 12 tác giả đã được tuyển chọn theo yêu cầu.
 
Về kết cấu bản thảo: Nội dung của đề tài được thể hiện dưới dạng một công trình, một bản thảo cuốn sách với kết cấu gồm 2 phần chính:
 
1- Phần Lời mở đầu
 
Phần Lời mở đầu có thể coi là phần nghiên cứu, tác giả đã khái quát các vấn đề cần trình bày trong 3 phần:
 
- Khoa cử Việt Nam: lược trình và những nghiên cứu
 
- Khoa thi tiến sĩ, thi Đình
 
- Nội dung và bút pháp văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội.
 
2- Phần phiên, dịch, chú giải 12 bài văn sách của 12 nhà khoa bảng tham gia thi Đình tại Thăng Long - Hà Nội. Mỗi tác giả, mỗi tác phẩm đều có phần tiểu dẫn, khảo cứu, giới thiệu sơ lược về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả, về khoa thi và văn bài.
 
Kết cấu như vậy là hợp lý, khoa học, phù hợp với mục đích, yêu cầu về nội dung của một bản thảo.
 
Về nội dung và hình thức bản thảo, các tác giả cũng nói rõ về các hướng tiếp cận của tập sách, quá trình biên khảo với những khó khăn và thuận lợi khi nghiên cứu, giới thiệu về lịch sử khoa cử thời phong kiến. Trong khi trình bày về lược trình khoa cử Việt Nam và khoa thi tiến sĩ tác giả đã nói rõ về bối cảnh chính trị xã hội, những đặc điểm của các thời đại có liên quan đến việc học hành và khoa cử. Tác giả đã dành nhiều trang để nói rõ về các khoa thi tiến sĩ, về kỳ thi Đình. Đặc biệt là tác giả nói khá rõ về thể chế, định chế của khoa thi tiến sĩ, các ân điển dành cho Tiến sĩ cùng các điển chế, luật lệ, cách thức của kỳ thi Đình. Qua đó cung cấp một cách khái quát, có hệ thống những tri thức về kỳ thi cao nhất của khoa cử thời phong kiến. Đó là đối tượng thi, mục đích thi, không gian và việc tổ chức thi, người ra đề, lấy đỗ, xếp hạng... với sự tham gia có tính chất quyết định của nhà vua.
 
Theo PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ để giới thiệu các bài văn sách thi Đình, những điều trình bày của tác giả về khoa cử và khoa thi tiến sĩ nói chung cho đến các cuộc thi Đình ở các thời đại nói riêng thì bài giới thiệu như vậy là khá đầy đủ, được viết trên cơ sở có sự nghiên cứu chuyên sâu, khoa học và đáng tin cậy.
 
Ở đây, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ còn đề cập một nội dung nữa của Lời nói đầuNội dung và bút pháp văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội. Nội dung được thể hiện nổi bật trong các bài văn sách thi Đình là vấn đề dùng và sùng nho thuật, vấn đề kiến lập ngôi Hoàng cực, vấn đề "vô vi" và "hữu vi" trong đường lối trị quốc... Tác giả đã trích dẫn từ các bài văn sách của các tác giả tham dự các khoa thi cụ thể để chứng minh "trị đạo" là nội dung lớn trong nhiều sách văn thi Đình. Đó cũng là vấn đề mà nhà vua quan tâm, có liên quan đến việc sử dụng nhân tài trong tương lai. Ngoài nội dung về "đạo trị quốc" còn có các nội dung khác nữa như vấn đề kiến lập thiết chế, chế độ liên quan đến việc dùng người, việc giáo dục và giáo hoá, việc binh bị, vấn đề lý tài. Các nội dung này đều được tác giả trình bày, phân tích khá thuyết phục qua các ví dụ từ các văn sách thi Đình. Những sự trình bày tường giải của tác giả đều là những tri thức cần thiết giúp cho người đọc tìm hiểu về nội dung của văn sách thi Đình ở các văn bài cụ thể trong phần sau. Nhìn chung, phần nội dung văn sách được viết có tính chất nghiên cứu khoa học khá sâu sắc và thuyết phục, điều đó cũng thể hiện người viết có chuyên môn sâu, có bề dày nghiên cứu.
 
Về bút pháp hay cụ thể là hình thức nghệ thuật của các bài văn sách thi Đình, theo PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ đây là một nội dung cũng rất quan trọng thể hiện trình độ ở bậc cao nhất của kỳ thi Đình. Điều đó thể hiện ở việc sử dụng các thể tài của văn sách, ở cấu trúc bài văn sách và sự hoà quyện giữa Sách vấnĐối sách, ở nghệ thuật sử dụng điển cố và trích dẫn kinh điển, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, cách lập luận và các thủ pháp nghệ thuật làm tăng cường hiệu quả của nghị luận trong văn sách... Dù chỉ trong ngót chục trang, tác giả đã trình bày một cách ngắn gọn, súc tích những đặc điểm về hình thức nghệ thuật của các bài văn sách thi Đình, cho thấy khả năng, trình độ văn tài và bút lực của các bậc đại khoa đỉnh cao của khoa cử Việt Nam thời trung đại. Phải nói lĩnh hội và trình bày được những nội dung này không phải là dễ dàng nhưng tác giả đã thực sự đáp ứng được yêu cầu giới thiệu, dẫn dắt người đọc đến với những áng văn đỉnh cao của văn chương khoa cử Việt Nam. Đây cũng là phần đóng góp có giá trị của bản thảo.
 
Phần 2 của bản thảo là phiên, dịch, chú giải 12 bài văn sách của 12 nhà khoa bảng tham gia thi Đình tại Thăng Long - Hà Nội.  Trong đó, gồm các mục theo thứ tự:
 
- Khoa thi, Tên tác giả bài văn sách và thứ hạng thi đỗ.
 
- Giới thiệu tiểu sử tác giả của bài văn sách.
 
- Phiên âm Hán Việt.
 
- Dịch nghĩa, chú thích.
 
- Nguyên bản chữ Hán.
 
PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ có đánh giá khái quát, nhìn chung kết cấu và nội dung các phần, các mục cơ bản phù hợp với yêu cầu về nội dung của đề tài, phù hợp với yêu cầu của một bản thảo xuất bản. Phần phiên âm Hán Việt rất ít sai sót. Phần dịch khá trung thành với nội dung văn bản chữ Hán, chuyển tải được ý tứ của tác giả bài văn sách kể cả những lời bàn, lời khen kèm theo. Phần chú thích tường tận, kỹ lưỡng. Ngôn ngữ dịch trong sáng, dễ hiểu, lời văn súc tích, thể hiện khá tốt tính chất nghị luận chính trị của bài thi từ sách vấn đến đối sách. Có thể nói đây là một bản dịch đạt chất lượng cao, thể hiện tốt nội dung và ý tứ của nguyên tác.
 
Cùng với những đánh giá, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ có những góp ý nhằm nâng cao chất lượng của bản thảo, cụ thể:
 
- Các bài văn sách thi Đình được phiên khảo giới thiệu trong bản thảo đều được lấy từ 2 nguồn tư liệu chính là Lê triều Hội đình đối sách văn ký hiệu A.3026 và Lê triều đình đối văn, ký hiệu VHv.335, sách của thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nên chăng giới thiệu vài nét về văn bản của 2 bộ sách này ở phần đầu. Điều này rất cần thiết cho việc học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về tác gia tác phẩm văn học trung đại Việt Nam.
 
- Nên có thêm phần phụ lục ở cuối sách. Nếu tập 3 là cuối cùng, không làm tiếp nữa thì nên có danh mục và một số bảng tra cứu để tăng thêm tính khoa học của cuốn sách và thuận tiện cho các đối tượng độc giả khác nhau quan tâm đến khoa cử nói chung và văn sách đình đối nói riêng.
 
Theo PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ bản thảo Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội (Tập 3) đáp ứng tốt yêu cầu về nội dung và hình thức của một bản thảo theo các tiêu chí của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Sau khi các tác giả rà soát chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng, đây sẽ là cuốn sách mang nhiều giá trị lớn.
 
 
Khánh Ngọc (Tổng hợp)
(Tổng hợp theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá