Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
VĂN SÁCH THI ĐÌNH - Trình độ văn tài và bút lực của các bậc đại khoa đỉnh cao của khoa cử Việt Nam thời trung đại
Thứ sáu, 18/03/2016 10:14

Tiếp cận đề tài “Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội (tập 3)”, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc lần lượt dịch thuật và công bố, xuất bản các tập văn sách thi đình là hết sức cần thiết và có giá trị nhiều mặt, về văn hóa, học thuật, giáo dục…. Văn sách thi đình là loại văn bản khó dịch, khó chú giải, khó hiểu và rất bác học, nhóm tuyển chọn đã sưu tầm dịch thuật số lượng các bài trong bản thảo với chất lượng như vậy là một cố gắng lớn, có đóng góp nhiều trên phương diện học thuật.

 
Đây không phải là những tập tư liệu văn sách thi đình đầu tiên được công bố, đã có hai tập được làm và công bố đợt kỷ niệm nghìn năm Thăng Long và được đánh giá cao, tập sách này thực sự là sự kế thừa với các công trình đi trước và có ý nghĩa bổ sung, hợp thành một tổng thể.
 
Trong tập trước, nhóm biên soạn đã chọn bài của những tác giả là người quê Thăng Long thi đỗ trạng nguyên hoặc tam khôi, tập này chọn những người vùng khác nhưng có tham dự kỳ thi đình tại kinh đô Thăng Long và đều đỗ trạng nguyên, đó là việc hợp lý. Theo quan điểm, nhìn nhận của PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn thì thực cũng không cần phải biện luận nhiều về ý nghĩa của đề tài mà nó đương nhiên hợp lý và cần thiết phải làm, vì tầm của Thủ đô thì làm cho cả nước là chuyện bình thường, chưa kể nhiều vị trong này đều từng có thời gian ở Thăng Long với tư cách là nhân khẩu tạm trú dài hạn, chẳng hạn trường hợp Lê Quý Đôn và một vài vị khác.
 
Về cách thức lựa chọn bài, ở tập 3 này gồm 12 bài của các trạng nguyên các khoa thi từ Lê Sơ về sau như trong danh mục là hợp lý.
 
Phần tổng quan được viết cô đọng, bao quát và toàn diện thể hiện được những vấn đề cốt lõi nhất của giáo dục và khoa cử thời phong kiến nói chung và văn sách thi Đình nói riêng.
 
Phần dịch thuật nhìn chung chất lượng tốt, trong tình hình lực lượng dịch thuật hiện nay, chắc không có ai có thể dịch tốt hơn.
 
Phần giới thiệu lý do chọn cụ thể cùng các bài cần điều chỉnh cho thuyết phục hơn, lý giải có bài có lý do có bài không, hơi nôm na, có thể bỏ hoặc nếu có thì bài nào cũng cần có.
Sau khi đọc bản thảo, PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn có thắc mắc với việc một số bài trong này đã có bản dịch công bố hoặc bản dịch mộc, vậy nhóm tác giả cho biết nhóm có kế thừa gì từ các bản dịch đã công bố hay không, kế thừa tới đâu hoặc không kế thừa? Cũng theo quan điểm đưa ra, PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn có đề xuất vấn đề này, nhóm biên soạn cần nói rõ trong lời mở đầu.
 
Theo PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn ở đây trong phần tổng quan, nhóm tác giả đã giới thiệu kỹ về các vấn đề của lịch sử khoa cử, của kỳ thi tiến sĩ, của nội dung các bài văn sách thi đình, bút pháp của chúng, nhưng các phần viết về cấu trúc hình thức của bài văn sách thi đình, cách ra đề, mối liên hệ giữa đề thi và cách đáp vấn và đặc biệt là cách ra đề và làm bài văn sách thi Đình các thời kỳ có gì khác nhau, cách thức chấm bài và các tiêu chí đánh giá bài làm cũng nên làm rõ thêm vì điều này có ý nghĩa gợi mở cho việc nghiên cứu tìm hiểu của người đời sau rất nhiều, nó giải đáp được việc tại sao họ là làm như vậy và tại sao như vậy là là xuất sắc và được đánh giá cao… Giữa văn sách đạo thời Lê Sơ và văn sách mục thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn cũng có những điểm khác nhau cần giới thuyết tỷ mỷ. Cùng với những nhận định, đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ nói về bút pháp hay cụ thể là hình thức nghệ thuật của các bài văn sách thi Đình, theo đây là một nội dung cũng rất quan trọng thể hiện trình độ ở bậc cao nhất của kỳ thi Đình. Điều đó thể hiện ở việc sử dụng các thể tài của văn sách, ở cấu trúc bài văn sách và sự hoà quyện giữa Sách vấnĐối sách, ở nghệ thuật sử dụng điển cố và trích dẫn kinh điển, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, cách lập luận và các thủ pháp nghệ thuật làm tăng cường hiệu quả của nghị luận trong văn sách... Dù chỉ trong ngót chục trang, tác giả đã trình bày một cách ngắn gọn, súc tích những đặc điểm về hình thức nghệ thuật của các bài văn sách thi Đình, cho thấy khả năng, trình độ văn tài và bút lực của các bậc đại khoa đỉnh cao của khoa cử Việt Nam thời trung đại. Phải nói lĩnh hội và trình bày được những nội dung này không phải là dễ dàng nhưng tác giả đã thực sự đáp ứng được yêu cầu giới thiệu, dẫn dắt người đọc đến với những áng văn đỉnh cao của văn chương khoa cử Việt Nam. Đây cũng là phần đóng góp có giá trị của bản thảo.
 
Nhìn chung phần viết tổng quan về giáo dục khoa cử và kỳ thi tiến sĩ như vậy kể đã phong phú, nhưng phần về những vấn đề liên quan trực tiếp tới bài văn sách thi đình thì còn có phần ngắn gọn quá.
 
Nhận định chung của PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn bản thảo được biên soạn công phu, có giá trị nhiều mặt. Cần cho ra mắt tập tiếp theo mang lại ý nghĩa lớn trong việc sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu tư liệu Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.
 
Linh Chi (tổng hợp)
(Tổng hợp theo ý kiến nhận xét của PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá