“Từ điển địa danh hành chính Hà Nội” - Một sản phẩm có chất lượng của ngôn ngữ học ứng dụng
GS.TS. Đinh Văn Đức nguyên là Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đánh giá tập bản thảo bằng con mắt của một nhà ngôn ngữ học đầy kinh nghiệm. Theo ông, đề tài là một sản phẩm của ngôn ngữ học ứng dụng nhằm chế tạo sách công cụ hỗ trợ thông qua một từ điển địa danh hành chính Hà Nội.
Về thẩm định nội dung bản thảo, giáo sư có nhận định, từ nhiều năm nay, nhất là vào dịp và sau dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, thành phố ta đã có nhiều cố gắng trong việc làm ra sản phẩm để giới thiệu thành phố trong quá khứ và hiện nay. Đề tài “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội” cũng là một sản phẩm đi theo dòng chung đó. Thiết nghĩ đây là một đề tài tốt, rất đáng ủng hộ vì có tính thời sự, có ý nghĩa khoa học và thực tế. Đề tài cũng có tính khả thi vì được thực hiện bởi PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh - một chuyên gia chuyên ngành làm việc ở một cơ sở có uy tín là Viện Việt Nam học và phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về phần nghiên cứu triển khai, GS.TS. Đinh Văn Đức đã chỉ rõ, nhóm tác giả chia sản phẩm thành hai nội dung cơ bản gồm: một chuyên luận và một phụ lục gồm ba phần. Nội dung thứ nhất là một báo cáo tổng hợp với năm chương liên quan đến các nội dung quan yếu mà tác giả đã cân nhắc và lựa chọn hợp lý. Những nội dung cụ thể này, bên cạnh phần tổng quan viết tốt, các nội dung nghiên cứu khác đã bám theo tiến trình lịch sử của địa danh Hà Nội hướng vào các mục tiêu cụ thể nhằm xác lập cơ sở cho vấn đề, nó thể hiện cách thức tổ chức biên soạn cũng như khả năng vận dụng khái niệm địa danh hành chính có nhiều cố gắng rất đáng kể. Theo giáo sư, việc định hướng cho khung nghiên cứu của công trình này như vậy là hợp lý và chấp nhận được, phần phụ lục cũng thể hiện sự cố gắng rất lớn của tác giả và các cộng sự, những người nhiệt thành với công việc vốn đã có am hiểu và kinh nghiệm qua tiếp cận Việt Nam học. Đó là điều rất quan trọng về mặt phương pháp.
Trong báo cáo tổng hợp, các tác giả đã bàn đến nhiều khía cạnh quan yếu của công việc biên soạn, sau đó đã diễn giải rõ ràng các quan niệm cá nhân cho hai nội dung này. Do đó, nhóm biên soạn sẽ làm tốt các trách nhiệm học thuật trong xây dựng từ điển này. Chính văn được trình bày tương đối gọn và rõ.
Giáo sư tâm đắc nhất là phần phụ lục, sản phẩm chính của công tác nghiên cứu, phần này nếu được tu chỉnh thêm sau những góp ý của cuộc nghiệm thu, sẽ có thể công bố như một sản phẩm có chất lượng.
Có thể nói, sản phẩm này, xem xét một cách đa diện, đã đáp ứng mục tiêu ban đầu và những yêu cầu cần thiết phải có của một công trình nghiên cứu cho đề tài nghiên cứu khoa học cấp Thành phố thủ đô. Người thẩm định đánh giá tốt chuyên khảo này và đề tài xứng đáng được thông qua. Ông có lưu ý nhóm tác giả nên hoàn thiện bản thảo sau nghiệm thu và tranh thủ thêm ý kiến đóng góp của các chuyên gia để thành phố sớm giới thiệu với công chúng.
Trang Phạm tổng hợp
(Theo nhận xét của GS.TS. Đinh Văn Đức)
Nhà xuất bản Hà Nội