Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một công trình công phu, nghiêm túc đạt tới trình độ cao của khoa học liên ngành
Thứ ba, 22/03/2016 05:17

Đọc xong tập bản thảo “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh chủ biên, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội đồng thẩm định bản thảo - đã khẳng định rõ đây là một công trình khoa học công phu, nghiêm túc, đạt tới trình độ cao của khoa học liên ngành.

 
Bản thảo “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội” có một nền tảng khá vững chắc, được xây dựng từ đề cương đề tài trọng điểm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhóm tác giả tham gia biên soạn là những người giàu kinh nghiệm, có năng lực và chuyên môn cao, đặc biệt chủ biên công trình - PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh là một chuyên gia ngôn ngữ học, công tác tại đơn vị có uy tín là Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển. Do đó, các tác giả sẽ đảm đương tốt vai trò của mình và đề tài mang tính khả thi cao.
 
Kết cấu cuốn sách được chia ra thành hai phần là: Nghiên cứuPhụ lục. Phần Phụ lục cũng là kết quả nghiên cứu chuyên sâu có giá trị chuyên môn học thuật cao, gồm 3 nội dung: Từ điển 550 đơn vị địa danh các cấp hành chính của Thăng Long - Hà Nội từ 1802 đến nay; Từ điển các phố dưới thời Pháp thuộc và 33 bản đồ, sơ đồ phân bố hệ thống địa danh hành chính 2 huyện Vĩnh Thuận Thọ Xương và các tổng thế kỷ XIX, đầu và giữa thế kỷ XX. Phần Nghiên cứu trình bày các kết quả khảo cứu đặc trưng hệ thống địa danh hành chính khu vực Thăng Long - Hà Nội từ góc độ liên ngành theo 4 giai đoạn lịch sử: 1802 - 1887; 1888 - 1945; 1945 - 1954 và từ 1954 - nay.
 
Có thể nói, về mặt nội dung cuốn sách, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, ông cũng có một số băn khoăn như sau:
 
Đây là một công trình nghiên cứu nên cần phải đặt tên và trình bày theo đúng yêu cầu của một công trình nghiên cứu, vì thế tên cuốn sách nên là “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (từ đầu thế kỷ XIX đến nay)”.
 
Theo đề nghị của hội đồng nghiệm thu đề cương muốn đưa 33 bản đồ rất có giá trị lên tiếp liền sau phần nghiên cứu, nhưng chưa thấy các tác giả điều chỉnh lại. 33 bản đồ là sản phẩm tổng hợp cao nhất của toàn bộ quá trình nghiên cứu của công trình, đồng thời đây cũng là công nghệ trình bày mà dường như chỉ có nhóm tác giả mới hội tụ được các điều kiện để triển khai. Do đó, nếu các tác giả làm thật tốt phần này thì chắc chắn đây sẽ là đóng góp đặc sắc của cuốn sách.
 
Nhóm biên soạn cần phải chuẩn chỉnh lại một số tên chương, tên mục, sự nhất quán trong trình bày và cân đối tương đối giữa các chương. Cách trình bày cần đơn giản hơn để hướng đến đối tượng rộng rãi; một số tên sách, tên tác giả, kể cả một số câu chữ, một số lỗi kỹ thuật, lỗi diễn đạt, phiên âm tiếng nước ngoài thống nhất, hay sự sắp xếp theo thứ tự A-B-C.
 
Cuối cùng, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc có nhận định rõ thêm về tính chất khảo cứu và trình bày một cách tổng hợp, tổng thể về địa danh - địa lý hành chính Thăng Long - Hà Nội của tập bản thảo. Giáo sư cũng đề nghị chủ biên và các tác giả hoàn chỉnh những vấn đề còn thiếu sót để có thể tổ chức xuất bản càng sớm càng tốt.
 
Trang Phạm tổng hợp
(Theo nhận xét của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá