Một “phát ngôn chính thức” đối với vấn đề địa danh Hà Nội xưa và nay
Ngay từ ý đầu tiên, PGS.TS. Phạm Văn Tình đã khẳng định “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội” là một đề tài vừa có giá trị lí luận vừa có giá trị thực tiễn. Với mục đích “nghiên cứu, khôi phục các lớp địa danh hành chính khu vực Thăng Long - Hà Nội truyền thống” và “nghiên cứu quá trình biến đổi địa danh hành chính khu vực này trong giai đoạn từ đầu thế kỉ XIX đến nay dưới tác động của các nhân tố chính trị, lịch sử, văn hóa, địa lí, ngôn ngữ”, nhằm “góp phần xây dựng, quy hoạch, đặt tên các địa danh Hà Nội trong tương lai”, đề tài đã đặt ra khá nhiều nhiệm vụ.
Từ trước đến nay đã có không ít công trình nghiên cứu về địa danh Hà Nội, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu, tập hợp, thống kê các địa danh Kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội cổ và Hà Nội ngày nay. Nhưng nghiên cứu một cách hệ thống, trên căn cứ ngữ liệu khảo sát lịch đại, kết hợp xem xét nhiều nhân tố chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ… như công trình này thì thực tế chưa có công trình nào. Những kết quả của đề tài sẽ được coi như một “phát ngôn chính thức” của giới nghiên cứu đối với vấn đề địa danh Hà Nội xưa và nay. Khi hoàn thành và công bố, “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội” sẽ là một tài liệu nghiên cứu đáng tin cậy, một tư liệu tra cứu phổ cập, giúp cho Thành phố Hà Nội có một cơ sở mang tính luận cứ trong việc quy hoạch, điều chỉnh, đặt tên mới cho các tuyến phố, đường nội đô, nội thị và các địa chỉ mới…;
Về phần nghiên cứu, PGS.TS. Phạm Văn Tình đã đánh giá khá cụ thể theo trục cấu trúc của bản thảo từ phần Tổng quan đến chương V của tập bản thảo. Trong phần tổng quan, ông đã nhận định, các tác giả có giới thiệu những nội dung cơ bản, đánh giá tình hình nghiên cứu địa danh và nghiên cứu địa danh ở Việt Nam, tình hình nghiên cứu địa danh Thăng Long - Hà Nội, các đơn vị hành chính và phức thể địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (cũng phải nói, với địa danh hành chính đa dạng, phức tạp thì chính các phức thể địa danh cho người đọc nắm bắt chi tiết, chính xác hơn các cấp độ địa danh: ngõ, phường, khu, quận, thôn, xã...). Các tác giả cũng đưa ra các tiêu chí phân loại địa danh (có tham khảo các tác giả Mỹ, Đông Âu, Nga và Việt Nam) và phương thức định danh (tự tạo, chuyển hóa, vay mượn). Công việc này thực chất là tìm nguồn gốc của các địa danh.
Ở 4 chương còn lại (chương II, III, IV, V), các tác giả đã nghiên cứu địa danh Hà Nội qua các giai đoạn theo sự phân kỳ lịch sử (mà sự phân kỳ này kết hợp theo thời gian, theo sự kiện). Như vậy, địa danh Thăng Long - Hà Nội bị chi phối khá nhiều bởi các biến cố lịch sử. Bởi sự thay đổi mỗi thể chế chính trị sẽ kéo theo các quy định về chỉ giới, tên gọi địa danh hành chính.
Theo người phản biện, chương I là chương viết công phu với 88 trang và thực tế, chương này cũng khảo sát địa danh Thăng Long - Hà Nội suốt một thế kỉ với những địa danh cơ bản được hình thành tại Thăng Long - Hà Nội. Chương II, các địa danh khảo sát được xem xét dưới góc độ cấu trúc định danh, qua các thống kê định lượng (số lượng địa danh, số lượng âm tiết, địa danh Hán Việt, địa danh thuần Việt,...); xem xét đặc điểm ngữ nghĩa của bộ phận định danh (địa danh thể hiện ước vọng, địa danh mô tả, địa danh mang ý nghĩa lịch sử,…); lưu ý tới hiện tượng kiêng húy (một trong những quy định rất ngặt nghèo thời phong kiến). Các chương III, IV, V là những mô tả về diễn biến địa danh Hà Nội kinh qua những biến động lớn của lịch sử mà dấu ấn của chính quyền thể hiện rất rõ. Điều đáng nói là qua những thăng trầm như vậy, Thăng Long Hà Nội vẫn còn giữ lại nguyên dạng một số lượng địa danh không nhỏ, phản ánh rõ nét những mặt sinh hoạt, đời sống, nghề nghiệp, phong tục… người Hà Nội từ nguồn gốc Kẻ Chợ xưa.
Bên cạnh đó, một đóng góp quan trọng của công trình là các tác giả đã đưa ra các kiến nghị và giải pháp cho việc “xây dựng hệ thống địa danh hành chính Hà Nội mang tính hệ thống, đồng bộ, đáp ứng tiêu chí khoa học, văn minh, bền vững, thể hiện sự tôn vinh, duy trì các giá trị truyền thống, song mang tính “mở”, phù hợp với điều kiện phát triển của một Thủ đô đông dân, hiện đại”. Phó giáo sư có lưu ý tới một số đề xuất, chẳng hạn dùng số để đặt tên phường; hoặc trả lại tên cũ cho các phường (theo các tên Nôm có từ lâu đời), v.v. Có lẽ cũng cần bàn tới tính khả thi của các phương án này (vì mỗi phương án lại có những cái khó riêng), nhưng dù sao, cũng là những gợi ý quan trọng, có thể tham khảo để Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan hữu quan, cân nhắc đưa ra phương án tốt nhất trong tương lai.
Về phần Phụ lục, PGS.TS. Phạm Văn Tình cũng đưa ra những đánh giá rất xác đáng. Trong 3 phụ lục thì Phụ lục I được làm công phu nhất. Với 214tr, Phụ lục này thống kê khoảng hơn 550 địa danh Thăng Long - Hà Nội. Mỗi địa danh ở đây được coi là một mục từ. Mỗi mục từ là một đơn vị địa danh, ngoài phần ghi tiếng Việt còn có thêm tên Nôm hoặc Hán. Về cấu trúc vi mô (nội dung mỗi đơn nguyên tri thức): Dung lượng và thông tin của mỗi địa danh không đồng đều. Có đơn vị rất ngắn (2 - 3 dòng, như An Diên, Bà Lấy, Cầu Dền, Ngõ Hàng Cờ, Ngõ Hàng Trứng, Nội Súng), có đơn vị dài xấp xỉ 1 trang (như Bạch Đằng (phường), Quán Sứ, Trung Phường Cổ Vũ (thôn), Văn Miếu (khu)…). Đa số là dài khoảng 1/3 trang A4. Phụ lục II là bảng tra địa danh Hà Nội theo tên Pháp có đối chiếu với tên Việt và các phố cổ theo tên Việt vào thời Pháp, với tên Pháp, theo các cấp độ như rue, avenue và boulevard. Phụ lục III là các bản đồ địa giới qua các thời kì. Hai phụ lục này có giá trị cho việc nghiên cứu lai lịch địa danh lịch sử Hà Nội trong giai đoạn cận hiện đại.
Ngoài những đánh giá trên, PGS.TS. Phạm Văn Tình còn đưa ra một số góp ý nhằm hoàn thiện bản thảo. Cụ thể là: Chức năng các chương miêu tả (chương II, III, IV, V) là như nhau (mỗi chương khảo sát địa danh Thăng Long - Hà Nội trong một thời kì lịch sử) nhưng nội dung triển khai không giống nhau. Chẳng hạn, chương II có nêu đặc trưng cấu trúc (số lượng âm tiết, nguồn xuất xứ,…) và ngữ nghĩa định danh nhưng sang các chương khác lại theo tuần tự khác. Chương III có đề cập tới phương thức cấu tạo địa danh song còn ngắn. Nhóm biên soạn nên có phần giới thiệu quan điểm, cách thức biên soạn các mục từ trong Phụ lục, đặc biệt là Phụ lục I. Đó là thứ tự cần trình bày trong một mục từ. Cần phải nêu nội dung tối ưu của mỗi loại mục từ (ngõ, phố, phường, thôn...) để từ đó có cách thể hiện thống nhất và khống chế được dung lượng mỗi mục từ. Vì là địa danh hành chính nên nội dung chủ yếu là diễn giải sự thay đổi các tên gọi liên quan tới một địa danh, trải qua các thời kì. Điều này liên quan tới việc chuyển chú. Nhưng nói chung, việc chuyển chú trong Phụ lục này chưa được thực hiện triệt để.
Hơn thế, tập bản thảo còn khá nhiều lỗi kĩ thuật, chẳng hạn việc xếp ABC có chỗ chưa chuẩn (Ví dụ: Quán Sứ, Quán Thánh phải xếp sau Quan Thổ, Quan Trạm; Quang Hoa, Quang Trung phải xếp trước Quảng Bá; Tên cấp độ phố Hà Nội theo tiếng Pháp (rue, avenue, boulevard) nên thống nhất in đậm hay in nhạt trong toàn bộ. Cũng như vậy, việc chưa thêm cấp độ với tiếng Việt ở Phụ lục I (phố, phường, thôn, quận, khu…) cũng in nhạt chứ không đậm như tên địa danh chính thức. Cuối cùng, theo đánh giá chung của PGS.TS. Phạm Văn Tình thì tập bản thảo đã được soạn thảo bài bản, công phu trên cơ sở tư liệu đầy đủ và có độ tin cậy cao. Đây là công trình rất thiết thực và hữu ích trong việc thực hiện quy hoạch địa danh hành chính Hà Nội theo hướng chuẩn hóa và phù hợp.
Trang Phạm tổng hợp
(Theo nhận xét của PGS.TS. Phạm Văn Tình)
Nhà xuất bản Hà Nội