Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Đi tìm lời giải cho câu hỏi về mối quan hệ giữa địa danh, lịch sử và văn hóa
Thứ tư, 23/03/2016 05:27

Công trình “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh chủ biên, có độ dày 520 trang (chưa kể phần quý nhất là các bản đồ, với 53 bản đồ được đưa ra như minh chứng) đề cập những nội dung quan yếu không thể tách rời vấn đề địa danh và các vấn đề xung quanh địa danh học.

 
PGS.TS. Nguyễn Văn Chính - Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và cũng là một thành viên trong Hội đồng thẩm định bản thảo, đã nhận định rõ ngay từ ban đầu: Tập bản thảo có thể được xem như thành quả lao động khoa học nghiêm túc của chủ trì và tập thể tác giả tham gia công trình trong quá trình đi tìm một phần lời giải cho những câu hỏi xung quanh bản chất mối quan hệ giữa địa danh và lịch sử, văn hóa Việt. Công trình nếu chỉ nhìn nhận dưới góc độ sử học, dân tộc học, dân gian học hay ngôn ngữ học thì quả thực chưa đánh giá hết tầm vóc của nó.
 
Qua công trình, người nhận xét thấy rằng, giá trị khoa học không chỉ dừng ở những luận bàn trong phần khảo luận mà có lẽ cái cần ghi nhận lại nằm ở phần phụ lục. Theo ông, đây cũng là đóng góp chính của công trình.
 
Đánh giá về phần 1, với tên gọi tổng quan, PGS.TS. Nguyễn Văn Chính đã dành khá nhiều lời khen cho chủ trì đề tài cùng tập thể tham gia biên soạn. Ông đã coi phần viết đó như một “bản chào”. Một “bản chào” thực sự có chiều sâu, có sức thuyết phục khi nhìn nhận vấn đề theo cách tiếp cận của dân gian học kết hợp với những suy tư mang đậm tính văn hóa học. Kết quả là, nhiều đánh giá nhận xét khoa học được đưa ra có tính mới và hợp với cách thức biện giải đương đại.
 
Đánh giá về đội ngũ tác giả, công trình được tiến hành bởi một nhà nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học có kinh nghiệm đồng thời là một người sớm tiếp cận với những hướng tìm tòi mới mang tính liên ngành nên sản phẩm này dưới góc nhìn của người thẩm định là có tính thuyết phục và tính sư phạm rất cao. Một công trình rất dày dặn nhưng khi đọc người xem vẫn bị cuốn hút và không muốn dừng lại ngang chừng. Công trình là một sự tổng kết quá trình nghiên cứu nghiêm túc nên tác giả đã gắng đề cập câu chuyện địa danh Hà Nội ở mọi chiều kích nhưng quả thực địa danh Thăng Long là một nội dung cần nhiều sự đầu tư hơn nữa nên kết quả công trình đạt được (trong khuôn khổ đề án) là rất đáng hài lòng.
 
Bên cạnh những đánh giá trên, PGS.TS. Nguyễn Văn Chính cũng đưa ra một số góp ý cụ thể. Nhóm biên soạn cần sửa các lỗi chế bản còn xuất hiện khá nhiều trong bản thảo. Bên cạnh đó là những lỗi diễn đạt, lỗi hành văn chưa thực sự chuẩn tiếng Việt. Đơn cử trang 10, dòng 7 từ dưới lên viết “Tại Trung Quốc, một quốc gia rộng lớn có lịch sử địa danh từ rất lâu đời” chưa phải là câu. Văn bản cũng cần có sự thống nhất cách ghi phiên âm tên riêng nước ngoài cho thống nhất...
 
Phó giáo sư cũng đặc biệt lưu ý chủ biên về hướng tiếp cận công trình. Khi nhìn nhận đề tài theo hướng một công trình liên Văn hóa - Ngôn ngữ - Sử học thì nhóm tác giả nên có một tuyên bố mình lấy góc nhìn nào làm chính để giải quyết vấn đề trước khi đi vào những nội dung cụ thể thì tiện hơn cho những người được may mắn đọc công trình trước khi nó ra mắt công chúng.
 
Tóm lại, PGS.TS. Nguyễn Văn Chính hoàn toàn ủng hộ việc biên soạn đề tài và hy vọng tập bản thảo sớm được xuất bản để phục vụ công chúng. Đây là một công trình khoa học nghiêm túc về địa danh Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình đi lên của một vùng văn hiến quốc gia.
 
Trang Phạm tổng hợp
(Theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Văn Chính)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá