Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp năm 1970, trải qua gần bốn mươi năm công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, niềm say mê với văn chương, nghiệp viết vẫn không hề phai nhạt trong Nguyễn Hiếu. Cho đến nay, có thể nói nhà văn Nguyễn Hiếu đã tạo cho mình một sự nghiệp văn học “đáng nể” với gần ba chục cuốn tiểu thuyết, vài trăm bài thơ và trên 400 truyện ngắn cùng hàng nghìn bài báo đủ mọi thể loại, hơn năm trăm vở kịch truyền thanh. Có thể thấy, Nguyễn Hiếu là một trong số các nhà văn đương đại Việt Nam viết khỏe, viết nhiều và đa dạng. Viết đủ các thể loại và ở thể loại nào Nguyễn Hiếu cũng tạo được dấu ấn riêng, tạo được phong cách đặc trưng cho mình. Qua những tác phẩm, Nguyễn Hiếu vừa thể hiện khả năng nhạy cảm, tinh tế trước những biến đổi của cuộc sống, vừa thể hiện được những cách tân trong sáng tạo nghệ thuật. Và ở tác phẩm nào của ông ta cũng thấy lấp lánh hình ảnh Hà Nội. Đó có thể là hình ảnh một vùng ngoại thành êm ả, bình lặng bên sông Cái, làng quê với những biến thiên trong xu thế vận động chung của xã hội. Đó cũng là hình ảnh của một Thủ đô với những khu phố, những con đường và nếp sống thị thành ồn ào, sôi động… Sống, làm việc và gắn bó cả cuộc đời mình với Hà Nội, trang viết của Nguyễn Hiếu mang đến một bức tranh, một góc nhìn về đất Thăng Long trong những bước thăng trầm của lịch sử. Tất cả sống động, chân thật hiện ra dưới ngòi bút sáng tạo đầy trách nhiệm với cuộc đời, với quê hương Hà Nội và với văn chương của một nhà văn yêu đến say đắm trước cuộc sống, trước con người: Nguyễn Hiếu.
Không giống như một số đầu sách khác chỉ chú ý đến một lĩnh vực, một thể loại, một đối tượng, Chảy mãi văn hóa Hà thành của nhà văn, nhà báo Nguyễn Hiếu là cái nhìn bao quát về văn hóa đồng thời cũng là nhận xét theo chiều sâu ở nhiều khía cạnh đặc trưng khi đánh giá về văn hóa Hà Nội. Bởi tác giả là một người tương đối đa tài, viết khỏe, viết tốt ở nhiều thể loại văn học: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, tản văn, kịch, thơ, lý luận phê bình… trong khi nghề nghiệp chính của ông lại nhà nhà báo. Tuy nhiên, Chảy mãi văn hóa Hà thành lại là một cuốn sách khá đặc biệt về cả tiêu chí lẫn đề tài. Những tác phẩm khác là chân dung, số phận, cảnh đời cụ thể mà tác giả vẽ lên sau những trải nghiệm và khảo sát cuộc sống xã hội bằng bút pháp của nhà văn, nhà báo, nhà thơ… còn ở đây là sự tỉnh táo đến khắc nghiệt của một nhà phê bình bên cạnh những rung động chân thành qua suy nghĩ đau đáu của một người con đất Thăng Long trước thăng trầm và cả sự trở về khi thầm lặng, khi ồn ã những nét bản sắc đặc trưng của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Trải khắp những bài phê bình cách đây cả thập kỷ cho đến những ghi chép gần đây của Nguyễn Hiếu là sự giao hòa cùng nhịp đập, hơi thở của văn hóa, văn nghệ đương đại. Qua đó ta thấy thấp thoáng những âu lo, trăn trở cùng sự nỗ lực tìm ra phương cách mong gìn giữ, phát huy bản sắc Thăng Long trong thời đại mới. Với tâm huyết và dũng khí của một nhà phê bình, Nguyễn Hiếu đã mổ xẻ, phê bình trực diện những hiện tượng tiêu cực trong đời sống đương đại để từ đó trăn trở tìm đường văn hóa đất Kinh kỳ còn mãi, chảy mãi cho mai sau.
Thông qua bài “Để cho văn hóa Hà thành chảy mãi”, Nguyễn Hiếu muốn chỉ ra những nét chưa đẹp trong văn hóa - đặc biệt là văn hóa ứng xử, văn hóa học đường… của những công dân sống ở Hà Nội hiện tại. Nhưng đằng sau những trang viết, ông luôn ao ước văn hóa Hà thành, văn hóa của người Tràng An thanh lịch “chẳng thơm cũng thể hoa nhài” có bề dày ngàn năm chảy mãi nên đã không ngần ngại nhìn thẳng vào sự thật chưa hay, chưa đẹp, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó là phần chân dung “Những người quen mà lạ” trong làng văn, làng báo, làng kịch đương đại Việt Nam. Ở từng bài viết là những kỷ niệm đầy ắp chân tình mà cũng vô cùng giản dị với các bậc lão thành trong làng văn như Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Hà Ân,… Những chân dung đa dạng, đa thanh sắc, vừa nghiêm trang vừa tếu táo, hóm hỉnh của lớp nhà văn đàn anh và bạn bè: Chu Lai, Thanh Đạm, Giang Phong, Nguyễn Đình Chính, Trần Gia Thái, Lê Huy Thịnh,… cũng được Nguyễn Hiếu khắc họa rõ nét. Giữa bạn bè văn chương, báo chí đó, Nguyễn Hiếu nổi lên là nhà lý luận phê bình được đào tạo bài bản đầy tâm huyết, dũng khí, có cách nhìn nhạy bén, sắc sảo của một sự tỉnh táo nghiêm khắc thông qua bút pháp đa dạng: sắc bén trong chính luận, hài hước trong phê phán, cẩn trọng khi đánh giá. Trên tất cả những điều đó là một tình yêu da diết thấm đẫm từng con chữ của Nguyễn Hiếu với thành phố quê hương.
Trân trọng những đóng góp của nhà văn, nhà báo Nguyễn Hiếu với văn chương - nghệ thuật Hà Nội đương đại, mong muốn đem đến cho độc giả một cái nhìn sâu sát, cụ thể dưới góc độ riêng về văn hóa Hà thành, Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng gửi tới độc giả cuốn sách Chảy mãi văn hóa Hà thành đến đông đảo bạn đọc.
Nguyễn Dung