VÀI NÉT VỀ PHỤ NỮ VIỆT NAM THẾ KỶ XVII QUA TƯ LIỆU CÁC CÔNG TY ĐÔNG ẤN
Quan điểm khác xuất phát từ sự ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội Việt Nam. Các quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, trói buộc người phụ nữ trong “tam tòng”, “tứ đức” đã khiến người phụ nữ không có địa vị cao, chịu nhiều sự áp bức… Mặc dù có sự ảnh hưởng từ “văn hóa tính mẫu”, giảm bớt sự trói buộc, cho người phụ nữ vai trò chủ động hơn nhưng sự chênh lệch này vẫn rất lớn. Người phụ nữ phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều để vươn lên, khẳng định vị trí của mình.
Các học giả đã đưa ra nhiều nguồn tư liệu để chứng minh quan điểm của mình. Một vài tư liệu trong khối tư liệu các công ty Đông Ấn Anh và công ty Đông Ấn Hà Lan do PGS.TS Hoàng Anh Tuấn khai thác, dịch, nghiên cứu, biên soạn trong khuôn khổ Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I và II sẽ cung cấp cho bạn đọc cơ sở để đối chiếu so sánh với tư liệu lịch sử Việt Nam.
Địa vị trong xã hội: Hơn ba phần tư thế kỷ 17, lịch sử Việt Nam chìm trong những cuộc “nội chiến” liên miên giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Ảnh hưởng của Nho giáo suy giảm. Người phụ nữ buộc phải đứng lên gánh vác trong khi người đàn ông tham gia chiến trận. Sự xâm nhập của các đoàn thám hiểm, thương nhân phương Tây trong bối cảnh đó đã góp phần thay đổi địa vị của người phụ nữ. Tư liệu các công ty Đông Ấn ghi lại bóng dáng của những người phụ nữ đằng sau quá trình người Anh tìm cách để chúa Trịnh (Trịnh Tạc và Trịnh Căn) chấp nhận cho chuyển thương điếm từ Phố Hiến lên Kẻ Chợ. Người Anh cũng ghi lại khá cặn kẽ sự can thiệp của bà vợ quan Trấn thủ Phố Hiến trong quá trình họ thu nợ của một thương nhân Đàng Ngoài.
Xã hội xuất hiện một bộ phận các bà “vợ hờ” người Đàng Ngoài của thương nhân phương Tây. Họ thậm chí tham gia vào công việc kinh doanh của các thương điếm, tạo mối liên kết với chính quyền chúa Trịnh… Một ví dụ điển hình là Bà vợ Đàng Ngoài của ông giám đốc thương điếm Anh William Keeling trong vụ tai tiếng tại thương điếm những năm cuối thế kỷ.
Địa vị kinh tế: Thị trường Đàng Ngoài cung cấp một sản phẩm quan trọng mà các thương nhân Anh, Hà Lan tìm kiếm: tơ lụa. Đây là mặt hàng đem lại nguồn lợi chủ yếu, quan hệ trực tiếp đến lợi nhuận hàng năm của các thương điếm. Sức mua rất lớn từ thương nhân phương Tây đã góp phần hình thành nên nhiều khu vực chuyên sản xuất mặt hàng tơ lụa xung quanh Kẻ Chợ. Điều đó cũng đồng nghĩa với ảnh hưởng của người phụ nữ trong việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Họ là lực lượng lao động chính tạo nên các sản phẩm tơ lụa. Họ tham gia vào việc thu mua nguyên vật liệu cùng như thành phẩm của mặt hàng.
Nhật ký thương điếm Hà Lan và Anh ghi nhận nhiều thương nhân lớn là phụ nữ. Người Hà Lan đã nhận định rằng: “Ở một xứ nghèo như Đàng Ngoài việc có tiền để chạy chợ quả thật là một lợi thế lớn và các bà vợ này khi có vốn trong tay sẽ tìm cách để sinh lời”. Vợ của các thương nhân đã mua tơ sống và thuê nhân công lúc nông nhàn để có thứ vải dệt tốt, chi phí thấp và sẵn nguồn hàng khi tàu cập bến.
Những ví dụ này cho thấy sự trùng khớp với nhiều tư liệu mà chúng ta đã biết đến. Nhà sư Trung Hoa Thích Đại Sán đến Việt Nam vào thế kỷ XVII đã ghi lại trong sách Hải ngoại kỷ sự: “Chợ hàng buôn bán đều là đàn bà con gái, không phải phân biệt nam ngoại nữ nội chi hết”. Hay trong Ghi chép về đời sống xã hội của Thăng Long thế kỷ XVII, Phạm Đình Hổ cũng cho biết “trong một số gia đình quan lại, người ta tìm cách tiến hành những hoạt động buôn bán không chính thức, thường thông qua vai trò của bà vợ và các con gái”.
Sự năng động, xốc vác, tài làm ăn, buôn bán… của người phụ nữ Việt Nam sau này được các ghi chép của những nhà lữ hành phương Tây tiếp tục khẳng định. Nó là một nét riêng của phụ nữ Việt Nam trong cùng một hệ thống những nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo.
Thu Trang