Kết cấu cuốn sách bao gồm: Lời nhà xuất bản, bốn chương nội dung, kết luận và tài liệu tham khảo. Với cách cấu trúc bản thảo hợp lý, khoa học, cùng với việc khai thác nguồn tư liệu phong phú, các tác giả đã làm rõ bối cảnh lịch sử Việt Nam và khu vực cuối thế kỷ XIX trước nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa tư bản thực dân phương Tây và cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất (1873) và lần thứ 2 (1882) của nhân dân Hà Nội; quá trình thiết lập bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Hà Nội, qua đó thấy được sự chuyển biến về kinh tế, văn hóa - xã hội và diện mạo đô thị Hà Nội qua 2 giai đoạn (1897 - 1930 và 1930 - 1945).
Các phong trào được trình bày rõ nét theo tiến trình lịch sử giúp người đọc dễ theo dõi và có cái nhìn tổng quát về phong trào yêu nước ở Hà Nội những thập kỷ đầu thế kỷ XX và từ khi Đảng ra đời đến năm 1945. Phong trào yêu nước ở Hà Nội được tái hiện sinh động qua các giai đoạn. Đó là: Phong trào yêu nước của các nhà nho cấp tiến (1905 - 1913); phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản (1919 - 1930); phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản trước khi Đảng ra đời (1926 - 1930) và phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản (1930 - 1945).
Bản thảo được biên soạn trên tinh thần khoa học, nghiêm túc, cẩn trọng với nguồn tư liệu có độ chính xác cao, hệ thống chú giải, chú thích mang tới nhiều thông tin bổ ích. Cùng với đó, việc sử dụng văn phong vừa có tính khoa học, chính xác nhưng vẫn gần gũi, dễ hiểu giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận trong quá trình khai thác cuốn tư liệu. Hệ thống ảnh minh họa theo từng nội dung cũng là yếu tố để cuốn sách hấp dẫn hơn.
Với 424 trang cuốn sách “Lịch sử Hà Nội cận đại” được đánh giá là một trong những công trình có chất lượng của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II; hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn đọc nguồn tư liệu có giá trị về lịch sử Hà Nội thời kỳ cận đại.
Tình Tang