Vấn đề làm ăn buôn bán của người Hoa tại Hà Nội qua nghiên cứu tư liệu đề tài Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội
Khác với mối quan hệ với các nước phương Tây, triều Nguyễn luôn duy trì quan hệ ngoại giao, buôn bán với Trung Quốc. Hà Nội từ nhiều thế kỷ trước đã không còn xa lạ với những phố làm ăn buôn bán của người Hoa, cùng với những xung đột, mâu thuẫn về lợi ích xảy ra giữa thương nhân người Hoa và người Việt.
Dưới triều Nguyễn, thương nhân Trung Quốc là bộ phận đông đảo nhất tới làm ăn, buôn bán tại Việt Nam. Châu bản triều Thiệu Trị, tập 13, tờ 68-69: “Bản tấu của tỉnh Nam Định trình rằng: Có một chiếc thuyền buôn, chủ thuyền người Thanh là Trần Thuận Dụ vào hạt đó. Đã sức cho cử người khám kiểm thấy trong thuyền đó không chở người Tây, sách Tây, cũng không có nha phiến cùng cấm vật. Bọn đó tình nguyện chạy đến tỉnh Hà Nội buôn bán, đã phái cử người đi theo thuyền đó đến giao cho tỉnh Hà Nội xem xét thu thuế theo lệ và cho mở khoang thuyền bán hàng. Bộ thần sức cho tra xét thuế lệ thấy phù hợp”. Châu bản triều Thiệu Trị, tập 30, tờ 340 đã nêu rõ: “Bộ Hộ tâu: Bản tấu của tỉnh Nam Định trình: Một chiếc thuyền buôn Quảng Châu nhà Thanh, chủ thuyền là Kim Đại Long đến buôn bán. Đã phái người đến khám kiểm, không thấy có sách Tây, người Tây, nha phiến cùng các vật cấm. Còn các loại hàng hóa chở đến đều là hàng Quảng Châu, nhưng vẫn chiểu theo y lệ: tàu ấy rộng 1 trượng 3 thước 6 tấc, nên đánh thuế là 1.224 quan tiền, chiểu thu nửa bạc nửa tiền. Sau đó, căn cứ theo đơn của hộ thuyền ấy nói là tình nguyện đến Hà Nội thông thương buôn bán, đã phái giám tọa thuyền ấy, giao cho tỉnh ấy kiểm tra thu thuế theo lệ. Bộ thần sức tra cứu lệ thuế sổ mục đều phù hợp, xin đem sổ thương khẩu gộp cùng dâng trình”.
Từ các văn bản trên có thể thấy, triều đình nhà Nguyễn quan tâm đến việc quản lý chặt chẽ việc làm ăn buôn bán của người Hoa và những hội đoàn của họ trên đất Hà Nội, Nam Định và các địa phương khác. Nhà Nguyễn đặt ra một hệ thống rất đầy đủ, chặt chẽ những quy định, quy tắc về những mặt hàng được phép buôn bán, mặt hàng cấm nhập khẩu, tuyến đường, hệ thống thuế quan... đối với các thương nhân.
Sự hiện diện và tích cực làm ăn của giới thương nhân người Hoa khiến dấu ấn của họ ngày càng rõ nét trong nhiều vấn đề xã hội của Hà Nội lúc bấy giờ. Từ đời Tự Đức về sau, châu bản phản ánh những vấn đề đa dạng, phức tạp hơn trong mối liên quan với người Hoa như: vấn đề làm ăn buôn bán, các vấn đề xã hội trên địa bàn Hà Nội. Thương nhân Trung Quốc để được vào làm ăn ở Hà Nội, theo quy định cần phải gánh trách nhiệm nhận tiền từ công quỹ nước Nam để tìm mua và giao nộp cho chính quyền sở tại một số loại hàng hóa theo yêu cầu, trong thời hạn quy định. Những hàng hóa triều Nguyễn đặt thương nhân người Hoa mua thường là các đặc sản có giá trị mà nước ta không có. Hoàn thành những việc này các thương nhân sẽ được triều đình cân nhắc giảm thuế (Châu bản triều Tự Đức - 1851, tập 22, tờ 111-112; tập 26, tờ 28-29...). Có thể thấy đây là những thỏa thuận để hai bên cùng có lợi và khích lệ thương nhân người Hoa làm ăn buôn bán tại Hà Nội.
Tuy nhiên, triều đình nhà Nguyễn và bộ máy hành chính tỉnh Hà Nội cũng không lơi là trọng trách giữ an ninh của tỉnh Hà Nội trước sự xâm nhập của Hoa kiều. Ví dụ như chuyện thương nhân Lý Hoán Ký có nhiều hoạt động làm ăn buôn bán tại huyện Thọ Xương, ông ta đã nhiều lần xin bỏ tiền xây dựng một căn nhà trong thành Huế để tiện làm ăn. Triều đình nhà Nguyễn căn cứ trên những báo cáo, tâu trình của quan chức tỉnh Hà Nội về quá trình làm ăn của thương nhân Lý Hoán Ký có nhiều “vết đen” nên không chuẩn y cho việc xây dựng dinh cơ buôn bán trong thành Huế (Châu bản triều Tự Đức, tập 73, tờ 219-225).
Qua châu bản triều Nguyễn về Hà Nội, có thể thấy, nhà Nguyễn luôn nắm độc quyền về ngoại thương và kiểm soát rất chặt chẽ bằng một hệ thống thuế, các quy định. Ngoại thương Việt Nam dưới triều Nguyễn có sự thay đổi liên tục về chính sách nhưng nhìn chung trong mối quan hệ với thương nhân Hoa kiều lại khá ổn định. Thương nhân Hoa kiều đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống thương mại triều Nguyễn nói chung và đời sống kinh tế xã hội Hà Nội nói riêng. Đây là tiền đề cho nhiều vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội, của Việt Nam trong những thế kỷ sau.
Dương Minh (tổng hợp)