Trong các bài viết, bài nói chuyện của mình về gia đình Bác đều nhấn mạnh: “Gia đình là hạt nhân của xã hội”. Người viết: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải chú ý hạt nhân cho tốt”.
Quan niệm về gia đình của Bác không bó hẹp mà hướng tới một gia đình lớn: quốc gia, dân tộc. Theo cách phân tích: “gia” là “nhà”, “đình” là “sân” thì gia đình có nghĩa hẹp là cái nhà và cái sân. Chăm lo cho gia đình nhỏ ấy là đúng nhưng chưa đủ. Bác muốn dân ta phải nghĩ rộng hơn: đất nước ta là một gia đình, tất cả đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình. Từ quan điểm trên, Bác nhắc nhở mọi người phải mở rộng tình cảm gia đình thành tình cảm yêu thương làng xóm, cộng đồng, đất nước là đại gia đình của chúng ta.
Hồ Chủ tịch cũng đã nghiêm khắc phê phán tư tưởng “Gia đình trị” hoặc “Gia đình chủ nghĩa” của một số người ích kỷ, hẹp hòi. Người lo ngại những tư tưởng này sẽ gây hại cho xã hội khi mà “Một người làm quan cả họ được nhờ”, người có chức có quyền tùy tiện đưa cả gia đình, dòng họ mình vào bộ máy lãnh đạo đất nước.
Vậy làm thế nào mới có được một gia đình tốt? Gia đình tốt bắt đầu từ các mối quan hệ tốt. Quan hệ vợ chồng là tình yêu tự nhiên, giản dị “Râu tôm nấu với ruột bầu”, hòa thuận chứ không quá khuôn phép theo kiểu chủ tớ. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo. Quan hệ anh chị em bình đẳng, hòa đồng, hữu ái. Người đã dẫn những kinh nghiệm sống của con người từ hàng ngàn năm được đúc kết trong Nho giáo. Những dẫn chứng có ý nghĩa giáo dục rất cao, có rất nhiều điểm hợp lý mà chúng ta có thể khai thác và cải thiện Nho giáo để nó phục vụ tốt hơn cho gia đình hiện đại. Người khuyến khích gia đình giáo dục theo các chuẩn mực của Nho giáo nhưng có cải cách để phù hợp với tình hình mới. Chẳng hạn, những chuẩn mực về hiếu đễ; quan hệ vợ chồng chung thủy; Xây dựng đạo đức con người theo nhân, nghĩa, lễ trí tín và công dung, ngôn hạnh. Đây là sự kết tinh nhuần nhuyễn giữa cổ và kim để tạo nên một xã hội với những con người mới.
Qua những bài viết, chúng ta có thể thấy quan điểm của Bác muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc bố mẹ con cái phải thật sự yêu thương nhau, mọi thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm trong xây dựng gia đình chung của mình. Đồng thời mỗi người cũng cần phát huy tính hiện đại của gia đình: từ tình cảm gia đình đến tình yêu cộng đồng, đất nước. Ngoài trách nhiệm với gia đình con người phải có trách nhiệm với xã hội.
Điểm tiến bộ trong tư tưởng của Bác về hôn nhân gia đình là những quan điểm về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình.
Bác luôn đề cao tư tưởng bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ của chủ nghĩa Mác - Lê Nin và chủ nghĩa nữ quyền. Hồ Chí Minh thấu hiểu nỗi khổ của người phụ nữ dưới chế độ cũ bị ràng buộc khắt khe với bao tập tục lạc hậu đã làm cho phụ nữ dốt nát, cực khổ, tối tăm. Trong chế độ thực dân nửa phong kiến, phụ nữ cũng bị áp bức về dân tộc và giai cấp như nam giới nhưng họ còn chịu một sự áp bức nữa là áp bức giới. Người viết: “Dưới chế độ phong kiến và thực dân phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng”. Vì vậy cần giải phóng phụ nữ thoát khỏi những xiềng xích trói buộc họ đó chính là nội dung của Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng Chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Theo Bác, người phụ nữ đang dần có vai trò hơn trong xã hội chính vì vậy họ phải được khẳng định.
Hồ Chủ tịch đã biến những quan điểm ấy thành hành động. Người chỉ đạo xây dựng Hiến pháp năm 1946 trong đó xóa bỏ mọi hủ tục khắt khe với phụ nữ. Năm 1959, Người tiếp tục chỉ đạo xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình trên những quan điểm tiến bộ nhất. Theo Người, luật pháp mới có vai trò to lớn làm thay đổi thân phận phụ nữ, giải phóng họ khỏi ách áo bức của thực dân, phong kiến và áp bức giới. Người viết: “Luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng người đàn bà, đồng thời tiêu diệt tư tưởng phong kiến tư sản ở người đàn ông”.
Từ thực tế của đất nước, Người cho rằng việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình sẽ gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải có thời gian, phải kiên trì vì tập quán cũ đã ăn sâu lâu đời trong nhân dân, cho nên công bố đạo luật này chưa phải là mọi việc đã xong mà còn phải tuyên truyền, giáo dục lâu dài mới thực hiện tốt. Sau này, khi luật ra đời, Người còn trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thi hành Luật. Bộ luật Hôn nhân và Gia đình đã làm thay đổi căn bản gia đình Việt Nam ở miền Bắc trước năm 1975 và cả nước sau năm 1975. Đây là nền tảng pháp lý đầu tiên về gia đình được nhân dân nhiệt tình ủng hộ.
Bạn đọc muốn hiểu sâu hơn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề hôn nhân và gia đình có thể tìm đọc cuốn sách Gia đình Thăng Long - Hà Nội do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc vào quý I năm 2019.
Kim Ngân