Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Chính sách “trị thủy” của nhà Nguyễn qua nghiên cứu tư liệu Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội
Thứ ba, 30/10/2018 10:35

 

Thời Nguyễn, cùng với những chính sách nhằm củng cố quyền lực trung ương, giữ vững sự ổn định xã hội, triều đình cũng đặc biệt chú ý đến chính sách phát triển nông nghiệp, trong đó dành sự quan tâm nhiều đến việc đắp đê và bảo vệ đê.

 

Các vị vua triều đình nhà Nguyễn rất quan tâm đến tình hình đê điều ở Bắc thành, thường xuyên yêu cầu quan lại Bắc thành báo cáo tình hình các đoạn đê xung yếu. Khi vừa lên ngôi vua Gia Long đã quan tâm, cho người tu bổ đê cũ, đắp thêm đê mới. Năm 1803, vua Gia Long cho đắp đê Nhị Hà và 7 đoạn khác ở Bắc Bộ, chi phí khoảng 80.400 quan tiền. Năm 1806, chi phí đắp đê ở Bắc bộ lên tới 90.000 quan tiền. Năm 1809, vua cho đắp đê ở Sơn Nam (vùng Kim Động và Gia Lâm) hết khoảng 87.000 quan tiền. Các vua Nguyễn đã nỗ lực để xây dựng một hệ thống đê khá quy mô và hoàn chỉnh ở miền bắc.

Cùng với việc đắp và tu bổ đê, nhà Nguyễn đặt ra chức Đê chính Bắc thành (cai quản đê điều Bắc bộ), cử Binh bộ thượng thư Đặng Trần Thường làm Tổng lý và Tham chính Bộ Công Nguyễn Khắc Thiệu làm tham lý. Trước đây,  việc quản lý đê do các quan thuộc Bộ Hộ nắm giữ nhưng nay do bận nhiều việc nên triều đình đặt ra cơ quan chuyên trách quản lý riêng. Đến năm 1828, vua Minh Mệnh lại cho lập Nha Đê chính đặt tại thành Hà Nội, do một quan văn hàm nhị phẩm đứng đầu. Biên chế Nha Đê chính gồm 45 quan lại, nha dịch và 200 lính trực thuộc. Tuy nhiên, đến năm 1833 lại bỏ Nha Đê chính đưa việc quản lý đê về các địa phương. Đến năm 1857, vua Tự Đức mới lập lại cơ quan này.

Năm 1809, triều đình cũng ban hành Điều lệ Đê chính, trong đó có quy định: cứ tháng 10 hàng năm các quan phủ huyện  trấn phải lần lượt đến khám đê và quan đê chính khám lại để chuẩn bị cho mùa lũ. Những đê nào cần phải sửa thì phải xét xem mức độ lớn hay nhỏ rồi mới trình lên, tổ chức tu sửa và có kiểm tra nghiệm thu. Châu bản triều Minh Mệnh, tập 59, tờ 253-254 ghi: “Ngày 27/12 năm Minh Mệnh 18 (1837), Tổng đốc Hà Ninh là Đặng Văn Hòa tâu trình: Địa phận các thôn, phường của xã Phúc Lâm huyện Vĩnh Thuận xưa đã đắp đê bằng đá. Nguyên cố Tổng đốc Đoàn Văn Trường đã xin từ cột mốc bằng đá trở lên đắp thêm đê bằng đá và dựng cột mốc đá. Sau đó viên Tổng đốc tiếp nhiệm đi khám đạc tình hình thế nước đã xin dừng việc xây đắp”.

Khi diễn biến tình hình lũ lụt ở Bắc Thành diễn ra nghiêm trọng, triều đình luôn yêu cầu các quan lại địa phương huy động sức người để phòng vệ, ứng phó. Phó Tổng trấn Bắc thành là Phan Văn Thúy đã báo cáo tình hình đê điều Bắc thành như sau:“Thần căn cứ tâu báo của Đê chính thần Lê Đại Cương rằng khoảng giữa tháng 8 và tháng 9 nước lũ dâng cao. Nghe tin báo, ngay sáng ngày 18 tháng trước, thần đã phái Thống quản Thập cơ Tiền quân Đặng Hữu Chất đem 500 quân ở các quân đến đê Kim Quan. Đồng thời sức gấp cho các trấn thần Sơn Nam, Sơn Tây, Bắc Ninh sức cho các viên ở các phủ huyện sở tại đem quân dân cấp tốc đến các chỗ đê xung yếu dốc sức phòng hộ. Lại lần lượt phái Thống quản Tả quân Trần Văn Lộc, đem 500 quân đến các đoạn đê cũ và mới tại các xã thuộc huyện Từ Liêm trấn Sơn Tây. Lại phái Vệ uý Đinh Mậu Phong đem gấp 300 quân đến các đê điều ở các xã thuộc huyện Thanh Oai. Hết thảy gắng sức kè giữ các đoạn đê xung yếu để khỏi lo ngại” (Châu bản triều Minh Mệnh, tập 33, tờ 18-19).

 Cùng với những chính sách quản lý, đắp đê phòng lụt nhà Nguyễn còn có những chính sách xử phạt những quan lại lơi là việc tu sửa đắp đê phòng lũ, hay những quan lại vô trách nhiệm làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi. Những người vi phạm bị xử phạt nghiêm khắc. Năm 1827, triều đình cách chức Hiệp trấn Sơn Nam của Ngô Huy Viện do quản lý cấp dưới không nghiêm, để việc đắp đê có nhiều gian lận, Ngô Huy Viện biết mà không tố cáo gây ảnh hưởng đến mùa màng và đời sống của nhân dân.

Không những quan tâm đến việc bảo vệ và phòng vệ đê, vua Minh Mệnh còn rất quan tâm đến cuộc sống của nhân dân vùng đê bị lũ. Trong các văn bản châu bản cho thấy vua Minh Mệnh đều yêu cầu quan lại địa phương kiểm tra, quan tâm đến đời sống của nhân dân bị trong vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, vỡ đê; cấp chẩn giải quyết những nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân; báo cáo rõ ràng, cặn kẽ. Năm 1830, 11m đoạn đê huyện Thượng Phúc bị vỡ, vua yêu cầu quan lại địa phương “đến đoạn đê ấy xem xét thế nước, tính toán phái binh dân gắng sức bồi đắp và đem tình hình nhân dân, súc vật, mùa màng thiệt hại ra sao tâu báo để trẫm biết” (Châu bản triều Minh Mệnh, tập 43, tờ 120-121). Năm Minh Mệnh 18 (1837)  khi đê Sơn Tây bị vỡ, vua yêu cầu cắt cử Thị vệ kiểm tra đê, trong đó nêu rõ: “Trừ việc phát hồng bản sẽ dùng ngựa phi báo riêng, nay phụng chọn cử một viên Thị vệ theo trạm dịch đến tỉnh ấy khám nghiệm đích xác nơi đê vỡ. Trước mắt giải quyết công việc ra sao? Ruộng vườn, nhà cửa của dân có tránh khỏi ngập lụt hay không và việc chẩn cấp như thế nào, cốt sao nắm bắt cặn kẽ để phúc trình” (Châu bản triều Minh Mệnh, tập 57, tờ 215).

Mặc dù triều đình nhà Nguyễn quan tâm nhiều tới việc đắp đê, bảo vệ đê nhưng vấn đề này vẫn không được giải quyết triệt để như mong đợi. Do những mâu thuẫn trong quan điểm về “trị thủy”, triều đình Nguyễn không tìm được đáp án cho câu hỏi “giữ đê hay bỏ đê?”, do những biện pháp quản lý, bảo vệ đê không phù hợp… tình hình lũ lụt ở miền Bắc không được cải thiện. Vỡ đê xảy ra thường xuyên, đặc biệt là đê sông Hồng. Vì vậy vào thời Nguyễn, Bắc thành nói chung, tỉnh Hà Nội nói riêng không ít lần phải chịu cảnh “nước trắng kéo dài”. Cũng như trong nhiều vấn đề khác, những quan điểm mâu thuẫn về vấn đề “trị thủy” ở miền Bắc đã khiến triều Nguyễn bộc lộ sự lúng túng, không thống nhất, không hiệu quả trong chính sách cai trị của mình.

Thiên Bảo (tổng hợp)

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá