Hoàn thiện mảng tư liệu Hán Nôm về Thăng Long - Hà Nội bằng Tuyển tập tộc ước, gia quy
Đặc biệt, từ công việc Điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ trì thực hiện, nhiều tuyển tập, công trình đã ra đời tạo thành một hệ thống tư liệu đồ sộ, khá đầy đủ, là công cụ phục vụ đắc lực cho bạn đọc, người nghiên cứu trong quá trình tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội. Đó là hệ thống các tuyển tập tư liệu và thư mục tư liệu trên rất nhiều lĩnh vực: địa bạ, địa chí, văn bia, hương ước, thần tích… Có thể thấy tính bao quát của các tư liệu khi đã tổng kết, đánh giá, giới thiệu một khối lượng đồ sộ nguồn tư liệu thành văn của Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian, kinh phí, Tủ sách giai đoạn I chưa giới thiệu được đầy đủ tất cả các nguồn tư liệu Hán Nôm. Để bổ sung cho hệ thống tuyển tập tư liệu được đầy đủ, trong giai đoạn II của Dự án tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc, người nghiên cứu: “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tộc ước, gia quy” do PGS.TS Nguyễn Kim Sơn chủ trì thực hiện.
Một trong những nét đặc sắc của văn hiến kinh đô và vùng phụ cận thể hiện ở chiều sâu của nó chính là đời sống tinh thần, phong tục tập quán của các gia tộc. Công trình do PGS.TS Nguyễn Kim Sơn chủ trì sẽ sưu tầm, chọn lọc, dịch, chú giải và giới thiệu các văn bản tộc ước, gia quy trên địa bàn Thăng Long - Hà Nội. Đây là nguồn tư liệu gốc (tư liệu cấp 1) có liên quan đến đời sống, nghi lễ, quy định trong các gia tộc, gia đình và làng xã Việt Nam thời kỳ trước 1945 của khu vực Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là nguồn tư liệu phục vụ nghiên cứu văn hóa vùng kinh đô, giúp ích cho nhiều ngành khoa học khác nhau như: lịch sử, văn hóa, nhân học, xã hội học, dân tộc học… Ngoài ra, công trình có thể đóng góp nhiều ý tưởng, kinh nghiệm cho việc hoạch định các chính sách văn hóa mới, chính sách đối với việc tổ chức họ tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới, con người mới. Giá trị giáo dục và giá trị thực tiễn của công trình chắc chắn không thể phủ nhận.
Trong khi phả học (nghiên cứu, gia phả, phả hệ) đã trở thành một ngành, một lĩnh vực nghiên cứu nhận được khá nhiều sự quan tâm đầu tư nghiên cứu thì nghiên cứu về tộc ước gia quy hầu như chưa được đầu tư quan tâm nhiều. Cho đến nay chưa có công trình nào ở dạng sách hay đề tài đã công bố, liên quan trực tiếp tới lĩnh vực này. Công trình sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới, lĩnh vực tiên phong trong nghiên cứu văn hóa truyền thống. Điều nay sẽ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu về gia tộc và văn hóa gia tộc đang thu hút giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quan tâm, dần trở thành một vấn đề nghiên cứu lớn. Văn hóa gia tộc là một thành tố quan trọng của văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu văn hóa gia tộc mở ra một góc độ nghiên cứu mới, một cách tiếp cận mới, một nguồn tư liệu mới trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Qua quá trình nghiên cứu này sẽ một lần nữa cho thấy tính chất khác biệt của gia đình, dòng họ ở Việt Nam so với các nước xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cũng như các Tuyển tập tư liệu khác công trình trên cơ sở điều tra, khảo sát nguồn tư liệu lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ, thư viện và các dòng họ thuộc địa bàn Hà Nội hiện nay, tuyển chọn, nghiên cứu, giới thiệu những phương diện nổi bật nhất của tộc ước về: cấu trúc, đặc trưng, các phương diện nổi dung, những khuynh hướng gí trị, ý nghĩa lịch sử và giá trị tư liệu… Ngoài phần dịch, chú giải công trình sẽ giới thiệu nguyên bản chữ Hán Nôm để bạn đọc, người nghiên cứu tiện tham khảo. Đây chắc chắn là công trình sẽ nhận được sự quan tâm, đón nhận của bạn đọc.
Hoàng Lâm