Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Vài nét về tư liệu địa bạ huyện Gia Lâm
Thứ hai, 28/10/2019 03:17

 

 “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tư liệu địa bạ huyện Gia Lâm” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên là một đề tài thuộc mảng sách tư liệu tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Tư liệu địa bạ huyện Gia Lâm gồm 2 tập, dung lượng khá lớn mỗi tập hơn 1.000 trang. Sách được xuất bản sẽ là nguồn tư liệu quý, có giá trị trên nhiều phương diện khi nghiên cứu về huyện Gia Lâm.

          Huyện Gia Lâm theo sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Ở cách phân phủ (Thuận An) 20 dặm về phía tây bắc, đông tây cách nhau 29 dặm, nam bắc cách nhau 21 dặm, phía đông đến địa giới huyện Siêu Loại 27 dặm, phía tây đến sông Nhị Hà tỉnh Hà Nội 2 dặm, phía nam đến địa giới huyện Văn Giang 16 dặm, phía bắc đến địa giới huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn 5 dặm” (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, tập 4, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1993, tr.61). Đời Lý vốn là quận Gia Lâm, sau mới đổi thành huyện, thời thuộc Minh lệ vào phủ Bắc Giang, năm Quang Thuận đời Lê Thánh Tông (1460-1469) lệ vào phủ Thuận An. Đến đầu thế kỷ XIX, huyện Gia Lâm thuộc phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (năm Minh Mệnh 3[1822] đổi gọi trận Bắc Ninh). Từ năm 1831 huyện Gia Lâm thuộc phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Năm Minh Mệnh 13 (1832), đổi đặt huyện Gia Lâm lệ vào phân phủ Thuận Thành kiêm lý. Năm 1961, huyện Gia Lâm thuộc thành phố Hà Nội, một phần thuộc về huyện Văn Lâm tỉnh Hải Yên. Đầu thế kỷ XIX, theo sách Các tổng trấn xã danh bị lãm, huyện Gia Lâm thuộc phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc gồm 10 tổng, 78 xã, thôn, sở. Giữa hai thời điểm đầu thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đơn vị hành chính - cộng đồng cơ sở có nhiều biến đổi, về tên gọi và số lượng. Huyện Gia Lâm đầu thế kỷ XIX nay thuộc đất các quận, huyện Gia Lâm, Long Biên thành phố Hà Nội, huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên. Thuộc địa phận huyện Gia Lâm là các xã, thôn của các tổng Cổ biện, Đa Tốn, Đặng Xá, Gia Thị. Thuộc địa phận huyện Văn Lâm là các xã, thôn của ba tổng Lạc Đạo, Nghĩa Trai và Như Kinh. Phần lớn các xã hiện nay được hình thành trên cơ sở nhiều thôn làng trước Cách mạng tháng Tám.

          Địa bạ là nguồn tư liệu có giá trị nghiên cứu trên nhiều phương diện. Địa bạ là bức tranh tương đối toàn diện về đời sống xã hội Việt Nam cả nông thôn và đô thị. Hai sưu tập địa bạ lớn nhất Việt Nam hiện nay một được bảo quản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, một tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội). Địa bạ huyện Gia Lâm có nguồn địa bạ được dịch lấy từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và phần lớn được lập dưới triều Nguyễn vào năm Gia Long thứ 4 (1805). Địa bạ huyện Gia Lâm là các thông tin về địa giới, thông tin về tổng diện tích tư thổ, thần từ Phật tự điền/thổ, công châu thổ hay đất bãi các loại, thổ trạch viên trì, tha ma mộ địa, gò đống…, ruộng đất công của các làng xã khác toạ lạc tại địa phận bản xã… Từ những thông tin trên, hàng loạt các giá trị nghiên cứu được xuất lộ, tuỳ thuộc góc độ - lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Dưới góc độ lịch sử hành chính, địa bạ cùng với các nguồn thông tin khác cho phép xác lập một danh mục đơn vị hành chính cơ sở đầy đủ, chính xác. Số liệu về tổng diện tích cho biết quy mô làng xã. Số liệu về công điền công thổ, tư điền tư thổ cho biết mức độ quá trình tư hữu hoá. Số liệu về ruộng đất tư với từng chủ sở hữu cho biết mức độ phân hoá và tập trung ruộng đất – cũng tức là sự phân hoá xã hội. Số liệu thần từ Phật tự cho phép đánh giá tình hình tín ngưỡng – tôn giáo. Số liệu ruộng đất của đội ngũ chức sắc cho phép đánh giá về thế lực kinh tế của bộ phận quản lý làng xã. Hệ thống địa danh là nguồn tư liệu quan trọng của ngành địa danh học lịch sử. Địa bạ huyện Gia Lâm là một mô tả sinh động, tương đối toàn cảnh về bức tranh của 10 tổng xã cụ thể: Tổng Cổ Biện, Tổng Cự Linh, Tổng Đa Tốn, Tổng Đặng Xá, Tổng Đông Dư, Tổng Gia Thị, Tổng Kim Sơn, Tổng Lạc Đạo, Tổng Nghĩa Trai, Tổng Như Kinh. Nghiên cứu địa bạ huyện Gia Lâm là phục dựng lại bức tranh 10 Tổng xã đó.

          Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, địa bạ Gia Lâm có số ký hiệu liên tục từ 2479 đến 2552, tổng số địa bạ toàn huyện là 74 cuốn, thuộc 81 đơn vị hành chính cơ sở xã, thôn. Có 62 đơn vị địa bạ cấp xã và 22 đơn vị cấp thôn thuộc xã. So với danh sách các đơn vị hành chính cơ sở thống kê trong Các tổng trấn xã danh bị lãm, số đơn vị có địa bạ là 77. Những giá trị nghiên cứu thể hiện ở từng loại thông tin, hết sức có ý nghĩa khi tìm hiểu về từng đơn vị làng xã hay rộng ra trên quy mô từng huyện, từng tỉnh hay cả một khu vực rộng lớn hơn. Bản dịch “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tư liệu địa bạ huyện Gia Lâm” có bố cục rõ ràng, trình bày khoa học thống nhất theo trình tự nội dung thể hiện trong văn bản gốc, thống nhất từ đầu đến cuối bản thảo về các tiêu chí, chữ in nghiêng, gạch đầu dòng. Phần từ vựng Hán - Việt trong địa bạ đã được chỉnh lý, dịch nghĩa tốt giúp cho phần biên dịch của địa bạ huyện Gia Lâm được chuẩn hơn. Phần bản dịch địa bạ huyện Gia Lâm được dịch chuẩn xác, với các xã trong huyện bản dịch cho biết địa phận giáo giới các xã như phần tiếp giáp Đông, Tây, Nam. Bắc. Tên các vùng đất được ghi bằng mã chữ Hán, chữ Nôm, người dịch đã phiên âm đúng, chuẩn và có in kèm các mã chữ Hán, Nôm. Đặc biệt, có nhiều địa danh cổ ghi bằng 4 mã chữ Nôm, rất đáng quý.

    Bộ sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tư liệu địa bạ huyện Gia Lâm” gồm 2 tập do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên là nguồn tư liệu đặc biệt có giá trị trong nghiên cứu nông thôn Việt Nam truyền thống, sách được xuất bản sẽ là một bộ tài liệu quý, ý nghĩa để bổ sung vào kho tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội.

Trần Quỳnh

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá