Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội – pho sử liệu quý giá trong nghiên cứu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội trên một chiều cạnh mới
Thứ tư, 30/10/2019 09:28

 Châu bản triều Nguyễn là hệ thống văn bản hành chính tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ của các cơ quan trong bộ máy chính quyền triều Nguyễn, được Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình. Đó là các văn thư hành chính do các quần thần hoặc các cơ quan trong chính quyền triều Nguyễn soạn thảo đệ trình nhà vua phê duyệt và để lại dấu tích bằng mực son trên văn bản. Ngoài ra còn có các bản thượng dụ hoặc chiếu chỉ do đích thân nhà vua ban hành. Kho tư liệu quý giá này đã được rất nhiều nhà khoa học quan tâm, khai thác nghiên cứu, tuy nhiên chưa có một công trình Châu bản triều Nguyễn nào về riêng Hà Nội ra đời. Ý tưởng về công trình Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội đã được cố Giáo sư Phan Huy Lê ấp ủ từ giai đoạn I của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, và được TS. Đào Thị Diến cùng các cộng sự hiện thực hóa trong giai đoạn II của Dự án tủ sách. Sự ra đời của công trình này góp phần khai mở kho tư liệu quý giá trong nghiên cứu lịch sử Thăng Long  - Hà Nội trên một chiều cạnh mới – dưới góc độ văn bản hành chính.

 Trong hệ thống Châu bản triều Nguyễn hiện còn tại các trung tâm lưu trữ thì Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội có khối lượng tương đối lớn, khoảng gần 5 nghìn văn bản có liên quan. Trong cuốn sách Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội TS. Đào Thị Diến cùng cộng sự đã chọn lọc, dịch và chú giải khoảng 1.200 văn bản tiêu biểu viết chủ yếu bằng chữ Hán Nôm, một số ít bằng chữ Pháp và Quốc ngữ. Trong đó, số lượng văn bản từng niên đại có sự khác nhau. Đáng kể hơn cả là các Châu bản niên hiệu Tự Đức với 796 văn bản. Các văn bản được sắp xếp theo thứ tự niên đại từ Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân đến Bảo Đại (còn một số niên hiệu như Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định do số lượng văn bản ít và không tiêu biểu nên không được tuyển chọn). Cách sắp xếp như vậy giúp cho độc giả có cái nhìn bao quát về các chính sách của triều Nguyễn ở từng niên đại trên từng vấn đề cụ thể. Đồng thời có thể nhận thấy sự giống và khác nhau trong quan điểm, đường lối trị vì của các vị vua triều Nguyễn ở những thời điểm lịch sử khác nhau.

Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội phản ánh tương đối khái quát các vấn đề kinh tế - văn hóa, an ninh - xã hội của tỉnh Hà Nội cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Các vấn đề này trải dài trên hầu hết các vấn đề, trong đó tập trung chủ yếu là các báo cáo về các vấn đề: Tổ chức bộ máy hành chính, an ninh - trật tự, thủy lợi; sản xuất, thương mại, an ninh chính trị, trật tự xã hội trong của Hà Nội cuối thế kỷ XIX... cùng những vấn đề về đối ngoại bang giao với người nước ngoài mà chủ yếu là với Trung Hoa và Pháp. Sự phong phú về nội dung trong Châu bản triều Nguyễn thể hiện trên nhiều khía cạnh phức tạp khác nhau không chỉ về phương diện hành chính, lễ nghi, tư pháp, tài chính... mà còn là những vấn đề hết sức gần gũi của đời sống xã hội Hà Nội như: giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân và các tầng lớp quan lại (lương thực, vải vóc, hàng thủ công mỹ nghệ...), việc đắp đê, xây dựng các công trình thủy lợi, thời tiết, mùa màng, dịch bệnh; tình hình trộm cắp, dân nhập cư; tình hình làm ăn buôn bán của các thương nhân người Việt và người Hoa, cùng với đó là sự thay đổi cơ cấu dân cư vùng Hà Nội. Qua những báo cáo tương đối đầy đủ của bộ máy quan lại cho chúng ta có những cái nhìn tương đối đầy đủ và chi tiết về các số liệu, qua đó phần nào hình dung được xu thế vận động của xã hội: sự biến đổi của giá cả hàng tháng, hàng năm; sự hình thành và phát triển của các phường nghề, các điểm làm ăn buôn bán, kéo theo đó sự biến đổi của thị hiếu tiêu dùng trong dân cư và các tầng lớp quan lại; sự gia tăng dân số và sự phân chia khoảng cách giữa các tầng lớp dân cư gây nên những áp lực về mặt xã hội. Đồng thời, sự phát triển của tầng lớp thương nhân người Hoa và người Việt đã nảy sinh những mâu thuẫn nội tại làm thay đổi hệ thống chính sách thương mại của triều đình nhà Nguyễn qua từng thời kỳ. Chính từ những biến động xã hội đã từng bước làm thay đổi những chính sách cai trị của triều đình nhà Nguyễn đối với vùng đất này. Triều đình giao nhiều quyền hơn cho bộ máy quan lại  trực tiếp quản lý. Bên cạnh việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ đầy đủ, triều đình nhà Nguyễn cũng đã bước đầu để quan Tổng đốc thành và các cơ quan hành chính trực tiếp xử lý các vấn đề thực tế tại đây...

Có thể nói, bằng sự nỗ lực sưu tầm, lựa chọn, dịch, hiệu đính và sắp xếp, Tiến sĩ Đào Thị Diến và cộng sự đã cho ra mắt một công trình thật sự có giá trị, góp thêm mộ bộ sử liệu quý giá cho việc nghiên cứu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội trên một chiều cạnh mới.

Hoàng Minh

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá