Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Đôi nét về quy mô và cơ cấu dân số Thăng Long – Hà Nội trong lịch sử và sự tác động của nó lên kinh tế hàng hóa Thăng Long - Hà Nội
Thứ tư, 30/10/2019 10:47

Thăng Long là vùng đất phát triển rực rỡ của văn minh Đại Việt, phát triển trên cơ sở kế thừa liên tục của các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Chính vị trí “trung tâm” về tự nhiên và xã hội, nơi hội tụ nhân tài và tinh hoa văn hóa của cả nước, đã giúp cho Thăng Long tồn tại và phát triển rực rỡ về kinh tế, văn hóa, giáo dục, nội ngoại thương, ngoại giao. Nơi đây cũng là  nơi hội tụ những con người có tài năng và phẩm chất tính cách, cũng như truyền thống lâu đời của đô thị. Nó đã được phản ánh trong những tục ngữ ca dao, những danh hiệu tôn xưng phổ biến như “người Tràng An”, “Thứ nhất Kinh Kỳ”, “Khéo tay hay nghề”, “đất lề Kẻ Chợ”, hoặc trong câu nói tổng kết về những người thợ khéo của Thăng Long.“Lĩnh hoa Yên Thái, thợ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Chính những đặc điểm đó phần nào đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa Thăng Long trong lịch sử. Điều này thể hiện rõ trong cuốn sách Kinh tế hàng hóa Thăng Long - Hà Nội. Công trình thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

 Thăng Long - Hà Nội là một đô thị lâu đời, phát triển dần dần từ nhỏ đến lớn, nhưng trải qua nhiều cuộc xáo trộn chính trị - xã hội, những biến cố lịch sử, nên số dân đã trải qua nhiều biến động và không được thống kê chính xác trong suốt thời kỳ dài. Lực lượng lao động của Thăng Long trước hết là những người thợ mà nguồn gốc của họ phần lớn là dân bản địa lâu đời của một số làng xã trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt phải kể đến những người nhập cư. Những đợt di dân nhập cư hành nghề từ các địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ vào Thăng Long rải rác đã có từ thời Lý và trước đó, nhưng rộ lên kể từ thế kỷ XVII và kéo dài sang thế kỷ XVIII.  Xuất phát từ thực tế cuộc sống, những người  thợ thủ công giỏi ở các vùng xung quanh đã tìm đến Thăng Long để làm ăn. Tiếp theo, là những người trong gia đình, họ hàng, bà con làng xóm cũng theo đó di cư về Thăng Long, phụ giúp, làm dịch vụ ở một điểm tụ cư nhất định, lao động trong những xưởng thủ công của người thợ nay có thể đã trở thành ông chủ... Về sau, số dân di cư theo họ hàng làng xóm từ quê đến định cư ở phường phố đó ngày một đông, dần dần hình thành những phường nghề, phố nghề phục vụ nhu cầu của tầng lớp quan lại Thăng Long nói riêng và người dân kinh thành nói chung . Những đợt di dân nhập cư từ các địa phương nông thôn chuyển dịch về Thăng Long - Hà Nội đã làm thay đổi bộ mặt xã hội ở đó và tạo nên một sự bùng nổ dân số tại chỗ. Kẻ Chợ khi đó được coi là thành phố đông dân nhất ở nước Việt và  là một trong những Thành phố có mật độ dân số cao ở châu Á.

Đóng góp vào nguồn lao động Thăng Long - Hà Nội truyền thống phải kể đến “nhân tố Hoa kiều”. Từ nửa sau thế kỷ XVII qua thế kỷ XVIII, một mặt các Hoa kiều nhập cư vào Việt Nam đã cố gắng len lỏi để được cư trú và làm ăn tại kinh thành Thăng Long, nhưng mặt khác, họ cũng bị Nhà nước phong kiến nhiều lần hạn chế, cấm đoán. Sang thế kỷ XIX, vua Gia Long, đã có chính sách ngoại giao mềm dẻo với nhà Thanh, ưu đãi giới Hoa kiều. Được dịp, họ đã ồ ạt di cư sang Việt Nam và tràn vào Thăng Long - Hà Nội. Các vua Minh Mệnh, Tự Đức sau này đã thi hành một số biện pháp hạn chế Hoa kiều (phải tuân theo phong tục Việt) nhưng vẫn không thay đổi được cục diện cơ bản. Trong các tư liệu châu bản triều Nguyễn về Hà Nội còn có nhiều bản tấu trình của quan lại địa phương và các bộ liên quan về vấn đề người Hoa làm ăn sinh sống tại Hà Nội, những quy định, nguyên tắc mà triều đình quy định đối với Hoa Kiều. Khi Thăng Long - Hà Nội không còn là kinh đô của cả nước, một số đông Hoa thương ồ ạt tràn vào đô thị này, tạo nên một tầng lớp phú thương giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế. Nhân tố “Hoa kiều” mang tính hai mặt, nó vừa góp phần kích thích sự phồn vinh và mở rộng giao thương của nền kinh tế hàng hóa đô thị, nhưng chính nó cũng lũng đoạn, làm thui chột những yếu tố Việt bản địa trong kết cấu kinh tế đó.

Có thể nói, đặt trong tổng thể, dân cư Thăng Long gồm nhiều tầng lớp khác nhau, đó là tầng lớp những gia đình quan lại quý tộc, các văn nhân tài tử, nho sinh từ các địa phương về theo học, các thợ thủ công nhập cư, nông dân bản địa . . Bên cạnh đó, còn có những người gánh hàng hóa đi bán rong ở đường phố và những nông dân từ các vùng phụ cận tràn vào trong những ngày phiên chợ, thậm chí hàng ngày. Bộ phận này không cư trú, nhưng chính họ đã tạo nên bộ mặt sống động của nền kinh tế hàng hóa đô thị. Còn một bộ phận khá đông đảo những thợ thủ công làm việc trong các quan xưởng, cục bách tác theo nghĩa vụ lao động cưỡng bức hoặc theo chế độ thuê mướn do Nhà nước quản lý

Tính chất nhiều thành phần của Thăng Long - Hà Nội về đại thể đã đem lại một sự ổn định, hoà dịu chính trị - xã hội tương đối. Dù ở địa vị xã hội khác nhau, có lợi ích khác nhau, các thành phần cư dân đó đã gắn kết lại trong một cộng đồng hoà hợp. Chất gắn kết ở đây chính là yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, lối sống, truyền thống, được biểu hiện trong những tinh thần gia tộc, quê hương, mở rộng ra là một phong cách sống Kinh kỳ, Kẻ Chợ hướng tới một phẩm chất cao, khéo tay hay nghề, tài hoa thanh lịch. Cũng chính sự đa dạng, nhiều thành phần đó đã làm nên sự phong phú đa dạng trong văn  hóa, đời sống tinh thần và tín ngưỡng Thăng Long. Như một sự tự nhiên, Thăng Long trở thành nơi hội tụ của trời đất, của con người bốn phương.... Tất cả kết tinh  thành một Thăng Long ngàn năm văn hiến trong lòng dân tộc Việt Nam.

Dương Anh

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá