Quan hệ đối ngoại giữa thủ đô Hà Nội với một số thủ đô và thành phố các nước Âu - Mỹ
Cuối những năm 1990, với sự phát triển ổn định của Việt Nam và việc Cộng hòa liên bang Nga từng bước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội đã tạo tiền đề cho sự phát triển quan hệ hai nước, hai Thủ đô. Tháng 7/1998, đại diện Hà Nội và Matxcova đã ký hiệp định về quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Thủ đô với mục đích trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực quản lý hành chính, xây dựng, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, bảo tồn các di sản lịch sử, văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch và các nghề thủ công truyền thống, phát triển quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại. Theo Hiệp định Việt Nam - CHLB Nga, Hà Nội và Mátxcơva thường xuyên trao đổi các đoàn đại biểu, các chuyên gia và các doanh nghiệp. Hai bên đã phối hợp tổ chức thành công “Những ngày Mátxcơva tại Hà Nội” và “Những ngày Hà Nội tại Mátxcơva”. Ngoài ra, hai bên còn trao đổi kinh nghiệm về quy hoạch và quản lý đô thị, tìm kiếm thị trường và cơ hội hợp tác kinh doanh mới của doanh nghiệp hai nước.
Tháng 3/1995, Thủ đô Hà Nội đã trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới thế giới các đô thị lớn. Vị thế quốc tế của Hà Nội được tăng cường, vừa có điều kiện để học tập thêm kinh nghiệm, vừa tranh thủ sự giúp đỡ cho Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức các chuyến thăm và làm việc với nhiều thủ đô và thành phố của các nước phát triển trên thế giới.
Tháng 8/1997, tại Thành phố Montrean và Quebec (Canada), Thành phố Hà Nội tiếp xúc trao đổi với cơ quan phát triển nhà ở để chuyển giao công nghệ xây dựng, quản lý các dự án xây dựng, trao đổi chuyên gia về quy hoạch, quản lý đô thị và bảo tồn các khu phố lịch sử, hợp tác bảo vệ môi trường. Hai Thành phố đã khuyến khích phát triển các mối quan hệ thương mại, tạo điều kiện để các tổ chức và doanh nghiệp tiếp xúc. Tại Mỹ, đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã thăm thành phố Boston, Chicago, Los Angeles, New York ... trao đổi đào tạo nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ký văn bản ghi nhớ hỗ trợ Hà Nội phát triển văn hóa kinh tế - văn hóa...
Thực hiện chương trình “cải tạo, bảo tồn phố cổ Hà Nội”, từ năm 1994, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được sự hợp tác và hỗ trợ về chuyên môn và tài chính của Thành phố Tuludơ (Cộng hòa Pháp), đã thí điểm việc cải tạo, bảo tồn 2 ngôi nhà cổ 87 Mã Mây và 38 Hàng Đào. Sau đó hàng chục tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ của các nước Pháp, Hà Lan, Đức, New Zealand, Thụy Điển, Australia, Canada giúp lập các dự án bảo tồn khu phố cổ Hà Nội và vùng Đảo quốc Pháp (Ile de France).
Với vị trí của mình, Hà Nội tạo nên sự gắn kết chặt chẽ với các vùng kinh tế khác trong cả nước và là trung tâm giao lưu quốc tế ngày càng quan trọng đối với khu vực và thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Thủ đô tiếp nhận các thành tựu khoa học - kỹ thuật, giao dục - đào tạo , kinh nghiệm quản lý tiên tiến, thu hút và lan tỏa các nguồn lực, phát huy lợi thế so sánh, từ đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đối ngoại của thủ đô Hà Nội trong tương lai.
Thuộc mảng sách Kinh tế - văn hóa – xã hội trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Kinh tế đối ngoại Thăng Long – Hà Nội là công trình có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc nghiên cứu và phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại của Thủ đo Hà Nội nói riêng, lịch sử phát triển Thăng Long – Hà Nội nói chung.
Hoàng Minh