Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Đôi nét về cuộc sống người dân Hà Nội trong biến động xã hội dưới triều Nguyễn qua tư liệu châu bản
Thứ tư, 30/10/2019 10:47

Từ giữa thế kỷ XIX, trước những biến động về chính trị, xã hội, trước âm mưu xâm chiếm lãnh thổ của người Pháp, cuộc sống của nhân dân Hà Nội đã có nhiều thay đổi, ảnh hưởng. Dấu ấn những thay đổi này phần nào được phản ánh qua hệ thống tư liệu Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến

 Sau những chính sách mang tính thỏa hiệp của triều Nguyễn trước thực dân Pháp, phong trào phản đối của nhân dân tại các địa phương diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Dưới các triều vua từ Tự Đức đến Thành Thái, qua các bản tấu của quan lại tỉnh Hà Nội, tình trạng loạn lạc, “giặc cỏ” xảy ra thường xuyên ở các địa phương quanh thành Hà Nội. Nạn cướp bóc và giết người ngày càng phổ biến, táo tợn thậm chí không sợ quân triều đình. Điển hình trong Châu bản triều Tự Đức, tập 313, tờ 248-250) có ghi lại: “Tỉnh hạt các ngươi có cướp nổi lên đông đến 100 người, có đốt nhà đánh người bị thương, tội trạng khá nặng. Thực là ngươi hàng ngày canh giữ bất lực dẫn đến binh dân đi tiễu diệt mà đánh nhau đến 2 giờ không bắt được tên nào. Bọn đó ngầm trốn thoát cũng không biết đi hướng nào nơi nào. Nay lại có đảng cướp lớn nổi lên, tỉnh các ngươi không lập tức nghĩ cách truy nã còn nói là bọn đói rách kiếm ăn, không có danh mục bọn chúng cũng là không hợp”.

Trước những biến động của xã hội, đời sống của người Hà Nội từ quan lại đến người lao động đều bị ảnh hưởng. Nhiều quan lại địa phương đã bị giáng cấp, lưu nhiệm khi không thể dẹp yên được phỉ tặc. Ngày 2/3 năm Thiệu Trị 2 (1842), tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên đã có bản tấu trình về việc xử phạt quan viên phủ Hoài Đức để xảy ra án cướp tại huyện Từ Liêm: “… thự Tri phủ phủ Hoài Đức là Trần Duy Vỹ, Phó Quản cơ Nguyễn Văn Học đều cách chức trước, tại ngoại truy bắt bọn cướp. Tổng đốc Phạm Hữu Tâm, thự Tuần phủ Nguyễn Đình Hưng, thự Bố chính sứ Lê Đại Cương, Án sát sứ Phan Tĩnh, Lãnh binh Phùng Hữu Hoà đều giáng 1 cấp và cho lưu nhiệm...” (Châu bản triều Thiệu Trị tập 21, tờ 9-10).

Để đối phó với tình hình “giặc cỏ” khắp nơi, việc bám sát và báo cáo từng động tĩnh trong mỗi làng xã được quan lại các cấp như Lý trưởng, kỳ mục, chánh tổng tới cấp cao hơn như tri huyện, tri phủ, án sát, bố chánh... thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, do những chính sách cai trị không hiệu quả, thiên tai mất mùa xảy ra thường xuyên, người dân mất lòng tin vào một triều đình “nhu nhược” trước thực dân Pháp, tình hình xã hội tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung ngày càng mất ổn định. Đây là một trong những nguyên nhân bùng nổ các cuộc khởi nghĩa tại nhiều địa phương. Càng về cuối triều Nguyễn nội dung này càng xuất hiện đậm đặc, bao trùm trong tư liệu Châu bản. Chúng ta có thêm nguồn tư liệu giúp hình dung đời sống xã hội người dân Hà Nội trong giai đoạn khó khăn này.

Hoàng Minh

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá