Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian Thăng Long – Hà Nội: mười giá trị văn hoá tiêu biểu
Thăng Long – Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi văn hoá của cả nước đồng thời là nơi thu nhận và thâu tóm tinh hoa văn hoá các vùng miền đất nước. Nơi đây có hơn 5.000 di tích lịch sử văn hoá, gần 3.000 di tích lịch sử được xếp hạng di tích quốc gia và hàng chục di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội, trò chơi và trò diễn Thăng Long – Hà Nội có số lượng lớn và chất lượng cũng ở dạng tuyệt hảo, tiêu biểu, tượng trưng cho tinh hoa văn hoá của cả nước. Tất cả lễ hội, trò chơi, trò diễn tạo nên bản sắc văn hoá của Thăng Long – Hà Nội. Khi đi sâu vào nội dung của hàng trăm lễ hội và trò chơi, trò diễn, người xem, người tham dự còn cảm nhận được dấu vết, ý nghĩa lịch sử qua các nhân vật lịch sử, qua các sự kiện lịch sử và qua các tích trò được khai sinh hoặc có nguồn gốc từ trong lịch sử. Khi nghiên cứu, tìm hiểu hiểu lễ hội, trò chơi và trò diễn dân gian cũng là một trong những phương thức tiếp cận với lịch sử, nhìn nhận lịch sử, nuôi giữ gây dựng lòng yêu nước, yêu nhân dân của mỗi con người chúng ta.
Trong khuôn khổ cuốn sách “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cùng các cộng sự căn cứ trên 3 tiêu chí về quy mô lễ hội, về tính biểu tượng cho việc thờ cúng, việc tôn vinh, về trò chơi, trò diễn dân gian (nêu cụ thể trong Lời nói đầu) để chọn lọc giới thiệu 10 giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian trong hàng trăm lễ hội, hàng trăm trò chơi và trò diễn Thăng Long xưa - Hà Nội nay. Cụ thể:
Về lễ hội, chọn 10 lễ hội mang tính tiêu biểu, đại diện nhất: Lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Gióng, lễ hội đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh, lễ hội Cổ Loa, lễ hội đền Và, lễ hội chùa Thầy, lễ hội Giám lễ hội đền Sái, lễ hội làng Đăm, lễ hội làng Lệ Mật.
Về trò chơi, chọn 10 trò chơi mang tính tiêu biểu, đại diện nhất: Trò kéo lửa làng Từ Vân, trò thi đẩy gậy làng Bộ Đầu, trò bắt chạch trong chum làng Bạch Trữ, trò kéo mỏ hội làng Ngải Khê, trò vật lầu trùng trinh của đồng bào Mường xã Tiến Xuân, trò ném giỏ hội làng Ninh Hiệp, trò thổi cơm thi làng Thị Cấm, trò “ội ại” trong hội làng Miêng Hạ, trò thi thả diều làng Bá Giang, trò thi bắt vịt trên sông trong hội làng Chuôn Ngọ.
Về trò diễn, chọn 10 trò diễn mang tính tiêu biểu, đại diện nhất: Trò diễn ải lao trong hội Gióng, trò con đĩ múa bồng trong hội làng Triều Khúc, trò múa Tết nhảy của người Dao xã Ba Vì, trò thi bơi chải trong hội làng Đa Chất, trò dập sào bắt cá chép sông Tích ở huyện Thạch Thất, trò thuỷ chiến cửa đình hội làng Khê Hồi, trò cởi vú mo, kén rể ở trong hội làng Đường Yên, trò múa hát chèo tàu hội tổng Gối xưa, trò múa hát dô đền Khánh Xuân, trò giồng voi, chém may trong lễ hội làng Khê Thượng.
Khi nói về mười giá trị văn hoá tiêu biểu được chọn lựa trong tập sách “Mười giá trị văn hoá tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội: Lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian”, theo các tác giả, có nhiều lễ hội nhỏ diễn ra trong phạm vi làng xã, song cũng có nhiều lễ hội lớn rất hoành tráng về nghi trượng biểu trưng, rất đông đảo về số người tham gia lễ hội và rất sâu đậm về giá trị xã hội và nhân văn. Và cứ mỗi lễ hội thì kèm theo đó là những trò chơi dân gian đặc sắc, những trò diễn dân gian kỳ thú. Sự phân biệt giữa trò chơi và trò diễn ở đây chỉ khác nhau ở chỗ khi thực hiện trò chơi, người tham gia không phải hoá trang, không phải sắm vai, còn khi thực hiện trò diễn, người tham gia phải hoá trang theo vai diễn trong trò. Tất cả các trò chơi và trò diễn đều gắn với lễ hội ở một địa danh thuộc vùng Thăng Long – Hà Nội. Vì vậy sẽ không có những trò chơi hoặc trò diễn mang tính chất chung chung trong tập sách này, mặc dù trò chơi và trò diễn đó từng hiện hữu ở nhiều lễ hội thuộc nhiều làng quê khác. Tất cả lễ và hội, tất cả trò chơi và trò diễn tạo nên bản sắc của Thăng Long – Hà Nội và cũng là bản sắc văn hoá của cả nước.
Cuốn sách với dung lương hơn 90 trang, được viết ngắn gọn, súc tích, dễ đọc khi người đọc tiếp cận để tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội nói chung, đặc biệt tìm hiểu về những giá trị văn hoá tiêu biểu về lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian của vùng đất địa linh nhân kiệt hơn nghìn năm tuổi này. Là một tập trong bộ sách 5 tập “Mười giá trị văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, hy vọng cuốn sách sẽ góp thêm vào Tủ sách một mảng màu đẹp về văn hoá Thăng Long – Hà Nội.
Thảo Chi