Hiệu quả của chính sách nhu viễn thời Lý trong ổn định, bảo vệ vùng biên giới Đại Việt
Sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ cho dời kinh đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên là thành Thăng Long. Năm 1054, Vua Lý Thái Tổ cho đổi tên nước là Đại Việt và đây là quốc hiệu được sử dụng lâu dài trong thời phong kiến ở nước ta. Triều đình nhà Lý bắt đầu xây dưng theo lối chính quy. Đổi 10 lộ thời Lê thành 24 lộ. Ở miền núi, biên giới thì đặt thành châu, trại… Khu vực biên giới phía bắc tập trung nhiều tộc người sinh sống. Các tộc người sống khá độc lập và các tù trưởng có uy tín, quyền lực tại cộng đồng. Đây lại là bức tường chắn bảo vệ biên giới phái bắc của Đại Việt. Xác định tầm quan trọng đó, triều Lý dùng các tù trưởng vào các chức quan trong bộ máy hành chính. Để bảo đảm sự trung thành của các thổ mục địa phương, ngoài chính sách cai trị ôn hòa các vua Lý còn ràng buộc các tù trưởng bằng hôn nhân. Việc gả các công chúa cho các châu mục miền núi đã được ghi nhận khá nhiều trong chính sử Việt Nam.
Người đầu tiên thực hiện chính sách này là vua Lý Thái Tổ, gả con gái cho tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu (thuộc vùng Bắc Giang và nam Lạng Sơn bây giờ) là Giáp Thừa Quý. Sau Thừa Quý đổi họ Giáp ra họ Thân. Con trai của Thừa Quý là Thân Thiệu Thái được tiếp nối làm châu mục Lạng Châu. Năm 1029 thời vua Lý Thái Tông, Thân Thiệu Thái lại được gả công chúa Bình Dương. Cháu của Thân Thừa Quý, tức con trai của Thân Thiệu Thái và công chúa Bình Dương là Thân Đạo Nguyên, năm 1066 lại được kết hôn với công chúa Thiên Thành.
Năm 1036, vua Lý Thái Tông còn gả hai công chúa cho hai châu mục người Mường. Công chúa Kim Thành cho châu mục Châu Phong (vùng Phú Thọ và Sơn Tây xưa) là Lê Tông Thuận và công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai (vùng Hoà Bình) là Hà Thiện Lãm.
Trong số các cuộc hôn nhân của các công chúa với các tù trưởng miền núi, được sử sách nhắc đến nhiều nhất là cuộc hôn nhân của Dương Tự Minh - châu mục vùng Phú Lương (ngày nay là các địa danh thuộc Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên) với hai công chúa nhà Lý. Năm 1127, ông cưới công chúa Diên Bình con vua Lý Nhân Tông, đến năm 1144 ông lại cưới công chúa Thiều Dung - con vua Lý Anh Tông. Cuộc hôn nhân thứ hai giữa Dương Tự Minh và công chúa Thiều Dung được coi như là cuộc tương giao tiêu biểu giữa miền xuôi và miền ngược. Dương Tự Minh đã trở thành vị phò mã trung thành với nhà Lý, sau này ông còn đem quân đánh đuổi quân Tống xâm phạm biên giới Đại Việt...
Không chỉ gả con cho các châu mục để ràng buộc mà Lý Thái Tông còn lập con gái của Đào Đại Di ở châu Chân Đăng (vùng Hưng Hoá) làm phi. Vua Lý Thánh Tông còn đem con gái nuôi là công chúa Ngọc Kiều (con gái của Phụng Càn vương Lý Nhật Trung) gả cho châu mục Chân Đăng họ Lê.
Có thể nói chính sách dùng hôn nhân để ràng buộc các tù trưởng miền núi của nhà Lý đã phần nào tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa triều đình và các vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Chính sách này làm tăng quyền lực của các quan mục địa phương nhưng cũng tăng uy lực của triều đình ở vùng biên viễn. Dù mối quan hệ vua – tôi chuyển thành mối quan hệ cha con, nhưng tính tự trị của các vùng biên viễn vẫn được giữ nguyên và tôn trọng, điều đó làm cho các tù trưởng miền núi trung thành hơn với triều đình. Với chính sách mềm mỏng và khôn khéo, dùng cả uy và đức của các vua nhà Lý, đã đưa đến kết quả là vùng biên giới trở thành phên dậu vững chắc của đất nước. Nhiều thủ lĩnh, tù trưởng đã trở thành quan lại, tướng lĩnh đắc lực của chính quyền trung ương, như họ Thân ở Lạng Châu, họ Hà ở Vị Long v.v... Trong công cuộc bảo vệ đất nước, các dân tộc ít người phía Bắc đã đóng góp nhiều thắng lợi quan trọng. Đồng bào các dân tộc ở các châu “miền biên viễn” tuy ít người, nhưng thực sự đã cùng với nhà Lý góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng quốc gia Đại Việt vững mạnh.
Hoàng Minh