Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Kinh tế đối ngoại - một góc tiếp cận mới về quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm
Thứ ba, 05/11/2019 01:56

Thăng Long - Hà Nội là một đô thị có lịch sử lâu đời nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là đô thị duy nhất của đất nước có sự cân đối giữa phát triển kinh tế và văn hóa, chính trị. Ngay từ khi thành lập vương triều, các vị vua thời Lý đã quan tâm tới việc phát triển kinh tế, giao thương với các nước láng giếng. Suốt chiều dài nghìn năm với bao biến thiên của lịch sử, Thăng Long xưa, Hà Nội nay đã có nhiều biến đổi trong lĩnh vực kinh tế nói chung, kinh tế đối ngoại nói riêng. Hiện nay kinh tế đối ngoại đã trở thành một lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thủ đô. Trên tinh thần đó GS.TS. Tô Xuân Dân và TS. Nguyễn Quang Lân cùng cộng sự đã biên soạn thành công cuốn sách “Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội”.

 Trong cuốn sách này, từ góc nhìn hiện đại, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các tác giả hướng đến một cách tiếp cận tương đối hệ thống về quá trình hình thành và phát triển kinh tế đối ngoại dựa trên những điều kiện khách quan của Thăng Long - Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử. Đồng thời phân tích tổng hợp về quá trình hình thành và phát triển của kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội từ thời kỳ phong kiến bắt đầu từ khi vua Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đến trước thời kỳ đổi mới. Qua đây, độc giả sẽ thấy được những lát cắt lịch sử của sự phát triển kinh tế đối ngoại Thăng Long trong dòng chảy của nền kinh tế, đồng thời nhận thấy vai trò và sự đóng góp ngày càng quan trọng của kinh tế đối ngoại trong cơ cấu của nền kinh tế Thủ đô nói riêng, của cả nước nói chung.

Bước ngoặt của sự phát triển kinh tế đối ngoại Thủ đô được đánh dấu từ năm 1986, khi Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Trải qua hơn 30 năm đổi mới kinh tế, lĩnh vực kinh tế đối ngoại của Thủ đô ngày càng khẳng định vị trí quan trọng, thu được nhiều thành tựu to lớn, đã và đang từng bước khẳng định là chỗ dựa thiết yếu, là một động lực quan trọng của nền kinh tế nước ta. Hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển, chủ động hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế của Hà Nội tiếp tục được mở rộng và phát huy hiệu quả. Việc hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phát triển kinh tế ngày càng được mở rộng. Các quan hệ hợp tác kinh tế trong khu vực doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực, đa dạng và mật thiết hơn. Cơ cấu thị trường đã có sự cải thiện, hài hòa hơn giữa thị trường trong nước với nước ngoài, truyền thống và mới, thành thị với nông thôn, trong và ngoài Hà Nội: Hiện Hà Nội có trên 2000 doanh nghiệp trực tiếp hoạt động xuất - nhập khẩu tới 187 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (so với chỉ có 60 nước năm 2000).

Hà Nội hiện có quan hệ hữu nghị và hợp tác với hơn100 Thủ đô, Thành phố của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới. Hà Nội ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn và an toàn. Uy tín và vị thế của Hà Nội từng bước được nâng lên trong khu vực và quốc tế. Thành phố tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển và các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc; hợp tác, hỗ trợ nước bạn Lào; triển khai các dự án hợp tác với Thành phố Seoul (Hàn Quốc) về phát triển công nghệ thông tin và quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng. Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung quốc) trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại - du lịch. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình hành động của Thành phố thực thi các cam kết trong WTO. Có thể thấy, sau hơn ba mươi năm đổi mới, hoạt động đối ngoại của Thủ đô đã có nhiều bước phát triển. Thủ đô Hà Nội đã và đang chủ động hợp tác và phát triển, liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, từng bước hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. 

Sau cùng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn các hoạt động kinh tế đối ngoại từ trong lịch sử trên các khía cạnh: hoạt động ngoại thương, đầu tư nước ngoài, du lịch quốc tế, các dịch vụ ngoại tệ...;  cùng với việc phân tích lợi thế so sánh của lĩnh vực kinh tế đối ngoại Thủ đô trong quan hệ với các thị trường chủ yếu như Nhật Bản, Hàn  Quốc, ASEAN, Trung Quốc, Mỹ...  các tác giả đã đưa ra những dự báo và phác thảo những định hướng phát triển của kinh tế đối ngoại Thủ đô tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đưa kinh tế đối ngoại của Thủ đô bước lên tầm cao mới.

Thuộc cơ cấu của mảng sách Kinh tế - Văn hóa - Xã hội trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội là công trình có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong việc nghiên cứu và phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại của thủ đô Hà Nội nói riêng, lịch sử phát triển Thăng Long  - Hà Nội nói chung. Đây là cuốn sách tham khảo có giá trị cao đối với những độc giả quan tâm nghiên cứu về kinh tế đối ngoại Hà Nội và là tài liệu hữu ích dành cho những nhà lãnh đạo quản lý, hoạch định chính sách của Thủ đô.

Hoàng Minh

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá