Thăng Long – Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi văn hoá của cả nước đồng thời là nơi thu nhận và thâu tóm tinh hoa văn hoá các vùng miền đất nước. Bằng những cứ liệu khoa học và thực tế, các tác giả đã xác định một cách chính xác vị trí địa lý của địa điểm Đàn Xã Tắc. Quá trình khai quật và nghiên cứu Di tích này được các tác giả trình bày rất rõ ràng, khách quan. Theo sử sách, đàn Xã Tắc Thăng Long được Lý Thái Tông xây dựng ở bên ngoài của Trường Quảng (tức Ô Chợ Dừa ngày nay). Đàn tế này phát triển trong suốt thời Lý - Trần - Lê, bị mai một và mất hẳn vào khoảng giữa thế kỷ XX. Hiện nay di tích đã được bảo tồn dưới lòng đất, công cuộc nghiên cứu các di tích và di vật xuất lộ về cơ bản đã kết thúc, con đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa đã hoàn thành được đặt tên là đường Xã Đàn để gợi nhớ về đàn Xã Tắc xưa ở đây.
Tìm hiểu về lịch sử Đàn Xã Tắc, chúng ta cùng tìm theo quá trình các nhà khoa học, khảo cổ học nghiên cứu, phát lộ, khai quật địa điểm này để có cái nhìn sâu hơn, rõ hơn trình tự phát hiện, dấu tích hiện còn, trên cơ sở các dấu tích kiến trúc là các di vật. Theo PGS.TS. Tống Trung Tín cho biết, khu vực này mang tên Xã Đàn là bởi vì nơi đây hàng nghìn năm qua có đàn Xã Tắc, một loại hình đàn tế quan trọng vào bậc nhất trong không gian nghi lễ cúng tế của các vương triều Việt Nam ở kinh đô Thăng Long. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu vị trí và quá trình hình thành đàn Xã Tắc cũng như vấn đề địa danh Xã Đàn. Nhóm nghiên cứu cho biết, theo bản đăng ký di tích lịch sử văn hoá Hà Nội của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội tại ngõ Xã Đàn 1 có di tích lịch sử đàn Xã Tắc thời Lý. Trong khu vực này, theo báo cáo của UBND phường Nam Đồng thì khoảng trước năm 1956 đến nay, thửa đất số 1, ngõ Xã Đàn 1, rộng khoảng 177m2 được nhân dân địa phương truyền gọi là di tích đàn Xã Tắc. Địa chỉ này là nơi ở của cụ Nguyễn Tuấn Khanh sau đó con vụ là ông Nguyễn Đình Cầu. Ban Quản lý Di tích và Danh Thắng Hà Nội đã có các tài liệu trích lục bản đổ lưu trữ tại Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất năm 1942 cho thấy năm này, thửa đất có dấu tích đàn Xã Tắc vẫn là đất công. Đáng chú ý là từ đó đến nay mảnh đất này vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng vì chưa được Thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2001, UBND phường Nam Đồng mmowis kê khai rõ việc sử dụng đất di tích tại số nhà 1, ngõ Xã Đàn 1 của ông Nguyễn Đình Câu ở không còn dấu tích kiến trúc hay di vật trên mặt đất.
Nhóm nghiên cứu còn cho biết, khi chuẩn bị công tác khai quật, đoàn công tác của Viện Khảo cổ học và Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội đã tìm hiểu vị trí thửa đất số 1 ngõ Xã Đàn 1 là nhà ở của cụ Nguyễn Tuấn Khanh. Cụ Khanh đã mất, các con cụ tiếp tục ở đây cho biết: khoảng sau năm 1945, khu vực này còn để hoang, trên đó có một ngôi miếu nhỏ vẫn được dân gọi là di tích đàn Xã Tắc. Người dân các nơi dần dần về lấn chiếm xung quanh nhưng vẫn chưa dám ở trên khu cao nhất vì đó là di tích của đàn. Đến khoảng sau năm 1945, chỉ có cụ Khanh vì là thầy cúng nên mới dám ở khu đất với diện tích là 177m2 . Tuy nhiên đó chỉ là những ghi chép dựa vào truyền miệng dân gian.
Trong cuốn sách này, chủ biên và nhóm nghiên cứu, biên soạn đã phân tích và chỉ ra nguồn tư liệu nói về đàn Xã Tắc khi nghiên cứu, khai quật địa điểm Đàn Xã Tắc. Thật may mắn là các nguồn thư tịch cổ và văn bia, dù rất ít cũng ghi Xã Tắc của các vương triều đóng ở kinh đô Thăng Long. Theo đó, đàn Xã Tắc đầu tiên của Thăng Long bắt đầu được xây dựng từ thời Lý theo các sách ghi chép về việc lập Xã Tắc như Việt sử lược - bộ sử vắn tắt được hình thành từ thời Trần, Đại Việt sử ký toàn thư - chính sử thời Lê, Khâm định Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn, Việt điện u linh thời Trần. Đến thời Lê, sử cũ không ghi việc xây dựng đàn Xã Tắc nhưng đã hai lần ghi việc tế lễ ở đàn Xã Tắc. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết năm 1435, vua Lê Thái Tông “tế đàn Xã Tắc”. Đại Việt sử ký tục biên cũng cho biết năm 1707 thời Lê Dụ Tông “chúa Trịnh Căn thay vua tế thần Tiên Nông ở Xã Đàn”.
Khi tìm đọc, tiếp cận cuốn sách, độc giả sẽ dần thấy được có một đàn Xã tắc của kinh đô Thăng Long tồn tại bắt đầu từ năm 1048 thời Lý Thái Tông cho đến hết thời Lê. Và Đàn Xã Tắc đó được định vị ở bên ngoài cửa Trường Quảng của thành Đại La. Bằng sự phân tích hợp lý, sắc sảo, các tác giả đã làm nổi bật lên những giá trị lịch sử văn hóa của địa điểm Đàn Xã Tắc Thăng Long. Mỗi một di tích trong khu di tích Xã Đàn đều mang một giá trị tiêu biểu cho thời đại mình, tất cả đã góp phần tạo nên giá trị nổi bật của Di tích Đàn Xã Tắc, trong nền cảnh chung của Di sản lịch sử - văn hóa của hoàng thành Thăng Long.
Hy vọng rằng, với những căn cứ khoa học cùng những phát lộ của PGS.TS. Tống Trung Tín và cộng sự đối với đề tài “Di tích khảo cổ Đàn Xã Tắc Thăng Long – Thăng Long – Xã Tắc Altar archaeological site”, độc giả sẽ có được những thông tin bổ ích, lý thú về Đàn Xã Tắc Thăng Long.
Thảo Chi