Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Mối quan hệ dì ghẻ con chồng trong gia đình Việt Nam
Thứ sáu, 08/11/2019 01:50

Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ đến xã hội.

 Gia đình là một hiện tượng tát yếu trong xã hội loài người. Nó vừ mang tính phổ biến lại vừa mang tính độc đáo. Gia đình có tính hai mặt: một mặt, tình cảm ấm áp giữa những người thân sẽ gắn kết các thành viên gia đình, là động lực sống cho mọi cá nhân. Mặt khác, gia đình là một xã hội thu nhỏ, vì vậy nó cũng chứa đựng tất cả những mâu thuẫn xã hội. Trong đó phải kể đến đó là mối quan hệ dì ghẻ con chồng, được tác giả GS. TS Lê Thị Quý thể hiện khá rõ trong cuốn Gia đình Thăng Long - Hà Nội trong Dự án Tủ sách ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội chủ trì.

Khi nói đến mối quan hệ này mọi người sẽ liên tưởng ngay đến Sự tích Tấm Cám kể rằng: Ở một nhà kia có hai vợ chồng nghèo có một cô con gái tên là Tấm. Mẹ mất sớm, bố đi bước nữa với một người đàn bà góa có con riêng tên là Cám. Tấm hiền hậu, chăm làm nhưng luôn bị mẹ kế soi mói, hành hạ  bắt làm mọi việc nặng nhọc và chiều chuộng đứa con riêng lười biếng. Một hôm hoàng tử mở hội kén vợ ở địa phương. Mẹ kế đổ thóc vào đậu xanh bắt Tấm nhặt riêng ra rồi mới cho đi chơi, còn hai mẹ con đi xem hội. Tấm ở nhà tủi thân ôm mặt khóc. Bụt hiện lên hỏi. Sau khi biết nỗi khổ của Tấm, Bụt liền sai  đàn chim sẻ giúp nhặt thóc và đậu riêng ra nên cô cũng được đi hội. Bụt còn cho Tấm quần áo đẹp đi hội. Nàng đi đến đâu cũng được mọi người trầm trồ khen ngợi. Hoàng tử kinh ngạc trước sắc đẹp của nàng và cầu hôn. Nghĩ đến thân phận mình, Tấm bỏ chạy không may rơi một chiếc hài. Hoàng tử nhặt được và rao khắp làng là ai đi vừa chiếc hài sẽ lấy làm vợ. Mọi người kể cả mẹ con Cám đều thử nhưng không ai vừa cả. Sau cùng hoàng tử đến nhà Tấm và thử hài. Nàng đi vừa khít. Hoàng tử nhận ra nàng và đưa người đẹp vào cung. Một hôm, Tấm về thăm cha, mẹ Cám sai nàng trèo lên cây cau hái quả. Ở dưới gốc, mẹ con Cám lay cây cho Tấm rơi xuống chết. Hồn Tấm biến thành một con chim bay đi và nhập vào một cây thị. Một bà lão đi chợ được quả thị rụng vào rổ, thơm ngào ngạt. Bà mang về nhà. Từ đó nhà bà lúc nào cũng có người giúp cơm nước sạch sẽ. Một hôm bà về bắt được cô gái chui từ quả thị ra. Bà rất mừng và nhận nàng làm con nuôi.

Sau khi giết Tấm, Cám vào cung thay chị nhưng vua không yêu nàng và luôn nhớ người vợ hiền thảo là Tấm. Một hôm, Vua  đi kinh lý qua làng và gặp người con gái đẹp, con nuôi bà lão. Vua nhận ra chính vợ mình và đưa nàng về cung. Từ đó Cám thất vọng và chết. (Nguyễn Đổng Chi, 1957 ).

Câu tục ngữ “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng.” Từ xưa đến nay vẫn được lưu truyền như một định kiến về mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng không mấy tốt đẹp. Nhưng thời nay xã hội đã có cái nhìn thiện cảm hơn về chân dung người mẹ kế, góp phần phá vỡ định kiến khắt khe mối quan hệ ngàn đời.

Hiện nay, khi con người trong xã hội đã có cái nhìn tiến bộ hơn về cuộc sống thì ranh giới trong mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng cũng dần mai một. Nhiều bà mẹ kế đã cố gắng gánh trách nhiệm nuôi dưỡng con chồng như con đẻ của mình, cũng không ít người vì chồng mà gần gũi với con riêng của chồng hơn. Cũng không ít người cảm nhận được sự đồng cảm của những đứa con chồng mà có cái nhìn thiện cảm…Tất cả những điều đó đã làm cho những đứa con chồng có suy nghĩ khác, từ những ác cảm về người mẹ kế là kẻ thứ ba chen vào phá vỡ sự bình yên của gia đình đến sự cảm thông, kính trọng rồi biết ơn.

Để lấy được tình thương yêu, đồng cảm trong mối quan hệ dì ghẻ con chồng là điều rất khó, nhưng xã hội hiện nay đã tạo cho con người có cái nhìn mới mẻ hơn, nhất là đối với những ai đang sống trong hoàn cảnh. Không phải người dì ghẻ nào cũng giống nhau để rồi từ đó gieo lên cái nhìn ác cảm về họ. Rất nhiều người mẹ đang cố gắng dành những tình cảm yêu thương nhất để làm tròn nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ trong gia đình mặc dù đó không phải là những giọt máu do chính họ sinh ra.

Trong cuộc sống, không ai có thể xóa bỏ định kiến dì ghẻ con chồng vì nó đã và luôn phù hợp với xã hội. Nhưng xét về một phương diện nào đó, nhất là đối với những người trong hoàn cảnh, nếu họ có cái nhìn mới, nhận thức mới thì ranh giới ấy sẽ bị xóa nhòa dần. Tình thương yêu, nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ kế cùng với lòng biết ơn, kính trọng của những đứa con chồng đã phần nào phá vỡ  định kiến khắt khe tồn tại từ ngàn đời. Sống là để yêu thương chứ không phải để hận thù. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó chúng ta phải có cái nhìn khách quan hơn để tạo cho mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng được gần gũi nhằm tạo dựng một gia đình hạnh phúc, trong ấm ngoài êm theo đúng nghĩa của nó.

Như vậy, các tài liệu lịch sử ít ỏi đã thể hiện và khẳng định mối quan hệ trong gia đình của người Việt với các chuẩn mực và giá trị đạo đức cơ bản. Những quy tắc của Nho giáo sau này đã được người Việt Nam tiếp nhận, kết hợp với văn hóa bản địa có sáng tạo để từ đó chúng ta có những hành động và việc làm và cách nhìn nhận trong sáng hơn về mối quan hệ dì ghẻ con chồng trong mối quan hệ gia đình và xã hội phức tạp như hiện nay. 

Đặng Tình

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá