Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Sông, hồ Hà Nội - yếu tố quan trọng góp phần tạo nên vị thế và diện mạo của Thủ đô
Thứ hai, 11/11/2019 08:26

Từ xưa tới nay, sông nước đã chảy trong tâm hồn của người Việt với biết bao buồn vui của mỗi đời người và những thăng trầm, đổi thay của thời cuộc. Quê hương thường đọng lại trong mỗi người qua những bài thơ về con sông quê. Đề tài về dòng sông luôn được thi ca khai thác và trong đó đã có không ít những thi phẩm đạt tới đỉnh tuyệt vời. Với Hà Nội, thủ đô của đất nước, mỗi khúc sông, mỗi hồ đầm đều thấm đậm những huyền tích, truyền thuyết, dấu ấn lịch sử, khiến nó trở nên lung linh, huyền ảo, ẩn chứa hồn núi sông, hiện lên hào hùng trong câu mở đầu bài hát “Người Hà Nội” của nhạc sĩ - thi sĩ Nguyễn Đình Thi đã đi vào lòng người của cả dân tộc Việt Nam: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”.

Trong lịch sử nghiên cứu các vấn đề về sông hồ Hà Nội, đã có một số công trình nghiên cứu liên quan với hệ thống sông, hồ Hà Nội, nhưng phần lớn chỉ là các công trình nghiên cứu đơn ngành, hoặc các công trình chỉnh trị cho từng khu vực (sông Đáy, sông Nhuệ,…), chưa có một công trình nào về sông - hồ - đầm Hà Nội mang tầm tổng hợp, khái quát, phục vụ việc tra cứu thông tin cần thiết cho những nhu cầu sử dụng khác nhau. Mặt khác, có những vấn đề hết sức bức thiết đối với xã hội vẫn chưa có câu trả lời một cách thuyết phục, ví dụ như những hạn chế của hệ thống đê sông Hồng là gì? Hà Nội nên phát triển ưu tiên các trung tâm đô thị về hướng nào, trên vùng đất nào, vì sao?; vấn đề khôi phục đoạn sông Đáy từ đập Phùng đến Ba Thá; vấn đề làm sạch nước sông Tô Lịch và hồ Tây; vị trí đích thực cửa sông Tô Lịch ở đâu, địa danh Hà Nội thực ra ẩn ý gì,... Tầm quan trọng của vấn đề này đã được, PGS.TS. Đặng Văn Bào, GS. Đào Đình Bắc cùng các cộng sự tập trung phân tích trình bày trong cuốn sách “Sông hồ Hà Nội”. Cuốn sách thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Nội dung cuốn sách thể hiện những nét tổng quan về sông hồ ở Hà Nội, phân tích một cách hợp lý về các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển của hệ thống sông hồ Hà Nội; mô tả hệ thống sông suối thành phố Hà Nội (bao gồm các hệ thống sông Hồng, sông Nhuệ - Đáy, sông Tô Lịch và hệ thống sông Cầu), các hồ và đầm (bao gồm các hồ và đầm ở các quận nội thành và các huyện thị ngoại thành Hà Nội). Đồng thời phân tích những biến động của hệ thống sông hồ Hà Nội trong quá khứ và hiện tại; đề xuất định hướng sử dụng hợp lý các hồ nước và sông ngòi Hà Nội. Qua đó phác họa một bức tranh khá đa dạng, phong phú về sông hồ Hà Nội, về quá trình hình thành và phát triển của hệ thống sống hồ dưới sự tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội và góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển vùng đất Hà Nội, đặc biệt là các dấu ấn minh chứng về sự biến đổi lòng sông và các hồ nước trong mối liên quan với quá trình khai thác, sử dụng và quản lý lãnh thổ thủ đô Hà Nội. Đây cũng là một trong những cơ sở khoa học quan trọng cho công tác quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nước, phòng tránh thiên tai liên quan tới ngập lụt và sụt sập tại các nền đất yếu trên địa bàn Thủ đô.

Theo thống kê chưa thật đầy đủ, Hà Nội có 301 hồ với tổng diện tích mặt nước khoảng 5.904ha, chiếm 1,75% diện tích đất tự nhiên. Khu vực nội thành (gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Tây Hồ) có 56 hồ, ngoại thành có 245 hồ. Hồ Tây có diện tích lớn nhất (520ha), tiếp đến là hồ Yên Sở (91ha) và Linh Đàm (58,5ha). Hồ Hoàn Kiếm có diện tích không lớn (10,54ha), song có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cảnh quan, môi trường và đời sống văn hóa của người Thủ đô, là biểu tượng của một Hà Nội bình yên, hòa bình.

Sau khi  mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội, cùng với việc phê duyệt dự án “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, hệ thống sông, hồ trở thành những thực thể tự nhiên, tài nguyên, không gian có vị thế và vai trò hết sức quan trọng không chỉ của Hà Nội mà rộng hơn - vùng thủ đô Hà Nội. Ngoài chức năng thoát lũ hiện nay, sông hồ Hà Nội phải “gánh vác” những trọng trách mới cho sự phát triển phồn thịnh của Thủ đô trong tương lai, trở thành những trục cảnh quan, hành lang xanh, điều hoà không khí và môi trường của thủ đô Hà Nội, hay tạo cảnh quan, môi trường cho các đô thị sinh thái bên sông. Qua đây chúng ta có thể thấy, chính sông, hồ đã tạo nên vị thế và diện mạo của Hà Nội từ trong lịch sử cho đến hôm nay. Tuy nhiên, đứng trước xu hướng đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay thì hàng loạt vấn đề đang được đặt ra giữa kinh tế đô thị và cảnh quan, môi trường. Hà Nội mở rộng và sẽ hiện đại hơn, nhưng việc gìn giữ cảnh quan sông , hồ Hà Nội lại là một bài toán khó đặt ra cho các cấp, các ngành, các nhà lãnh đạo của Thành phố, đồng thời đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng dân cư Thủ đô.

Hoàng Tâm

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá