Hệ thống sản xuất nông nghiệp thời Trần một mặt là kết quả của bức tranh sở hữu ruộng đất song đồng thời nó cũng phản ánh những đặc trưng căn bản trong thiết chế xã hội, đời sống tư tưởng của Đại Việt. Hệ thống sản xuất nông nghiệp của nhà nước chủ yếu dựa trên các loại ruộng công. Trong đó có hai loại là: ruộng đất đặt trực tiếp dưới sự quản lý của nhà nước (ruộng quốc khố, đồn điền, tịch điền và ruộng sơn lăng) và loại ruộng đất mà nhà nước chỉ gián tiếp quản lý (ruộng đất công làng xã). Qua đây chúng ta phần nào hiểu hơn về tình hình sản xuất nông nghiệp thời Trần cũng như những nét căn bản trong thiết chế xã hội thời Trần.
1. Bộ phận ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lý
Ruộng tịch điền là loại ruộng nghi lễ mà hoa lợi chủ yếu dùng vào việc cúng tế. Từ thời nhà Lý, các thiên tử đều có ruộng tịch điền để lấy hoa lợi cúng tế tôn miếu. Nghi lễ nhà vua đi "cày tịch điền" phổ biến dưới triều Lý, có tác dụng khuyến khích lao động nông nghiệp trong buổi đầu xây dựng chế độ phong kiến dân tộc. Tuy nhiên sang đến triều đại nhà Trần, nghi lễ vua “cày tịch điền” trở nên đơn giản hơn.Vua không đi cày mà chỉ một lần sai tế thần và tôn thất đi gặt lúa tịch điền (công việc này mang tính chất như đi cày tịch điền). Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì thời Trần chỉ chép có một lần về sự kiện gặt ruộng tịch điền vào năm 1316: “Mùa đông, tháng 11, sai tể thần, tôn thất và các quan gặt ruộng tịch điền”. Điều này cho thấy loại ruộng này dưới thời Trần cũng không có vị trí và ảnh hưởng trong hệ thống ruộng công do nhà nước quản lý.
Ruộng sơn lăng là loại ruộng đất gắn với lăng tẩm của các vua chúa, chuyên lấy hoa lợi vào việc bảo vệ và sửa chữa các lăng. Thời Trần có ở nhiều nơi như Thái Đường, Long Hưng (Thái Bình),Tức Mặc (Nam Định), An Sinh (Quảng Ninh)... So với tịch điền thì diện tích ruộng sơn lăng nhỏ hơn nhưng lại không mất đi mà tồn tại dưới hình thức giao cho nhân dân địa phương sở tại cày cấy và có nghĩa vụ nộp một ít hoa lợi để bảo vệ và chăm sóc phần lăng mộ của hoàng gia. Nhìn chung, ruộng đất tịch điền và sơn lăng chiếm tỷ lệ không nhiều trong số ruộng đất công nên không có tác động nhiều đến sự phát triển và biến động của ruộng đất thời nhà Trần nói chung.
Dưới thời Trần, tiếp tục phát huy chính sách từ thời nhà Lý, việc tổ chức khai hoang, phát triển ruộng đồn điền được chú trọng. Hoa lợi thu được ở các đồn điền hoàn toàn nhập vào kho nhà nước. Ở thời Lý, chính sách đồn điền có lẽ chưa được đặt ra cụ thể, nhưng sang thời Trần, ngoài việc cho tù binh khai hoang lập làng, Nhà nước còn lập đồn điền. Việc đặt các chức quan chánh phó đồn điền sứ chứng tỏ điều đó. Nhà Trần đã cho đặt các chức quan chuyên trách như: đồn điền chánh sứ, đồn điền phó sứ ở Ty khuyến nông chuyên lo việc mộ dân khai hoang lập đồn điền. Những đối tượng chủ yếu tham gia lập đồn điền chủ yếu là tù binh bị bắt trong các trận đánh nhau với nhà Nguyên hay Chămpa, hay những người dân tù tội, xiêu tán, binh lính... Dấu tích của đồn điền xung quanh kinh thành Thăng Long còn lưu dấu đến ngày nay ở các vùng như Đắc Sở, Yên Sở, Dịch Vọng, Phú Thượng.
Ruộng quốc khố là một trong hai loại ruộng công (ruộng thuộc sở hữu của nhà nước, đã khai khẩn hoặc còn bỏ hoang) trực tiếp do nhà nước quản lý, canh tác bằng trâu cày, nông cụ của nhà nước, với các lực lượng sản xuất nô tì, tội nhân, những người có địa vị thấp hèn trong xã hội. Hoa lợi thu được dự trữ vào kho của vua để chi dùng cho hoàng cung. Ruộng đất này không chiếm số lớn nhưng cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho triều đình. Tô thuế ruộng quốc khố thường vào loại cao nhất. Ở đây, tô và thuế nhập làm một. Điều đó cho thấy tính chất sở hữu của nhà nước và quan hệ bóc lột trong loại ruộng này. Một số địa điểm ruộng quốc khố được ghi chép đó là khu vực Cảo Xã ( phường Nhật Tảo, quận Bắc Từ Liêm ngày nay).
Tóm lại, dưới thời Trần, nhà nước trung ương nắm trực tiếp trong tay một số ruộng đất, chủ yếu nhằm phục vụ các nghi lễ và làm nơi tù đầy những người bị tội. Đây là bộ phận ruộng công được duy trì lâu dài cùng với sự tồn tại của nhà nước.
2. Ruộng công làng xã
Đây là loại ruộng đất thuộc sở hữu của nhà nước nhưng do làng xã quản lý, còn được gọi là “quan điền”hay “quan điền bản xã”.Ruộng đất công trong làng xã vốn thuộc sở hữu của công xã thời nguyên thủy và mỗi làng xã có một bộ phận ruộng đất công riêng. Đây là bộ phận quan trọng nhất trong trong số ruộng sở hữu của nhà nước. Thời phong kiến độc lập, ruộng đất công của làng xã thuộc quyền sở hữu của nhà nước trung ương. Thời Lý thì quy mô loại ruộng này chỉ ở mức trung bình nhưng đến thời Trần thì diện tích khá lớn. Nhà Trần kiểm soát loại ruộng này bằng cách lập điền tịch tức là xác lập cột mốc có ghi ranh giới, diện tích và chủ nhân của ruộng (giống như lập địa bạ, sau này phổ biến dưới thời Nguyễn). Dưới thời vua Trần Thái Tông, nhà vua yêu cầu phải ghi rõ họ tên cắm ở ruộng. Đồng thời nhà vua Trần Thái Tông yêu cầu đo đạc, thống kê diện tích ruộng công làng xã. Loại ruộng này được phân chia cho nhân đinh đến tuổi được hưởng để cày cấy, và theo đó cũng có trách nhiệm phải nộp đủ tô thuế cho nhà nước. Để quản lý được đất đai và thu tô thuế, nhà Trần đã nhiều lần tổ chức điều tra dân số để nắm nhân đinh; đồng thời cho đặt các chức quan cấp xã để trông coi các xã sách. Tuy nhiên, đây không phải là một cách quản lý ổn định, bền vững của nhà Trần. Bởi lẽ, để tăng cường sự kiểm soát, nhà Trần đã tìm cách can thiệp sâu vào nội bộ làng xã –một thiết chế tổ chức có tính tự trị cao và có quyền hạn nhất định đối với loại ruộng đất công làng xã này. Vì vậy, muốn ổn định cuối năm 1397 nhà Trần buộc phải hủy bỏ hệ thống các quan lại cấp xã này.
Có thể nói, kế thừa nhưng kinh nghiệm và những chính sách từ nhà Lý, các vị vua thời Trần đã từng bước xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp dựa trên một cơ cấu đất đai tương đối cụ thể và rõ ràng. Sự phân định rõ ràng về chế độ quản lý, sở hữu các loại đất đai là cơ sở để nhà nước quản lý được tài sản của mình đồng thời phản ánh thiết chế, trật tự xã hội nhà Trần đương thời. Đó cũng là một trong những yếu tố góp phần xây dựng vương triều Trần ổn định, thịnh trị và lâu dài.
Anh Vũ