Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tư liệu địa bạ về nông thôn truyền thống của huyện Gia Lâm
Thứ sáu, 15/11/2019 08:32

 Trong cơ cấu đề tài mảng sách tư liệu tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, “Tuyển tập địa bạ Thăng Long – Hà Nội: Địa bạ huyện Gia Lâm” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên là một đề tài có dung lượng khá đồ sộ. Với dung lượng hơn 2.500 trang, bản thảo được xuất bản sẽ là một tài liệu có ý nghĩa phục vụ hữu ích cho những nghiên cứu về nông thôn truyền thống. 

Công tác quản lý đất đai được các nhà nước quân chủ Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách cai trị. Năm 1802, Gia Long lên cầm quyền và sớm ý thức được về tầm quan trọng của việc lập sổ ruộng đất. Hai năm sau ngày thiết lập được nền thống trị, năm 1804 ông xuống chiếu và nhấn mạnh: “Việc làm sổ ruộng này quan trọng, cần phải cố gắng làm cho cẩn thận chớ có sao nhãng” (Nội các triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập III, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2005, tr.79). Công việc được triển khai lập tức và sau một năm, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Địa bạ được lập theo quy định “… mỗi xã phải làm ba bản Giáp, Ất, Bính, làm xong gửi nộp lên, đóng ấn có các chữ “Hộ bộ đường ấn” ở dưới chỗ đề ngày, niên hiệu và đóng kiềm ở các chỗ giấy giáp nhau; bản Giáp để lưu chiểu ở bộ, bản Ất đưa về lưu chiểu ở thành trấn, và bản Bính cấp phát cho xã để giữ làm bằng” (Nội các triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, tập III, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2005, tr.79). Cho đến cuối đời Minh Mệnh, sau gần bốn mươi năm, nhà Nguyễn đã cơ bản hoàn thành việc lập sổ địa bạ trên phạm vi toàn quốc, trong đất liền cũng như ngoài hải đảo. Trên bất kỳ ý nghĩa nào thì đây cũng là một thành công lớn của nhà Nguyễn. Nó là cơ sở cho quản lý ruộng đất - một chìa khoá của quản lý nông thôn, quản lý xã hội. Khối lượng địa bạ đồ sộ được lập dưới thời Nguyễn còn lại đến ngày nay có giá trị vô cùng to lớn để giúp chúng ta không chỉ hiểu về chế độ ruộng đất, kinh tế nông nghiệp mà còn cho chúng ta thấy bức tranh sinh động về đời sống nông thôn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.

          Có thể nói rằng, trong các nguồn tư liệu chữ viết về làng xã Việt Nam, không gì phong phú và đầy đủ hơn địa bạ. Nhưng số địa bạ hiện còn hầu hết có niên đại nửa đầu thế kỷ XIX. Hai sưu tập địa bạ lớn nhất của Việt Nam hiện nay, một được bảo quản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, một tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội). Ngoài ra, còn một khối lượng đáng kể địa bạ rải rác ở các cơ quan nghiên cứu, lưu trữ khác, ở trung ương cũng như địa phương và nhất là trong nhân dân mà hiện nay chưa có điều kiện thống kê cũng như sưu tầm.

Địa bạ huyện Gia Lâm là một mô tả sinh động, tương đối toàn cảnh về bức tranh của 10 tổng xã cụ thể: Tổng Cổ Biện, Tổng Cự Linh, Tổng Đa Tốn, Tổng Đặng Xá, Tổng Đông Dư, Tổng Gia Thị, Tổng Kim Sơn, Tổng Lạc Đạo, Tổng Nghĩa Trai, Tổng Như Kinh. Nghiên cứu địa bạ huyện Gia Lâm là phục dựng lại bức tranh 10 Tổng xã đó.

          Bộ sách “Tuyển tập địa bạ  Thăng Long – Hà Nội: Địa bạ huyện Gia Lâm” gồm 2 tập do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thuộc mảng sách Tư liệu - Tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, là nguồn tư liệu đặc biệt có giá trị trong nghiên cứu nông thôn Việt Nam truyền thống nói chung, nông thôn truyền thống của huyện Gia Lâm nói riêng, sách được xuất bản sẽ là một bộ tài liệu quý, ý nghĩa để bổ sung vào kho tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội.

Văn Sơn

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá