Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Huyện Đan Phượng, huyện Hoài Đức, huyện Phúc Thọ
Thứ sáu, 15/11/2019 08:56

Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” gồm 10 tập, thuộc mảng sách Tư liệu tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, được bổ sung vào kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long, phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội. “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên dày 1.000 trang, đây là tập thứ 7 của Bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội”. Tập sách là tài liệu tham khảo có ý nghĩa cho độc giả muốn tìm hiểu về di sản văn hiến Thăng Long – Hà Nội nói chung, về huyện Đan Phượng, huyện Hoài Đức và huyện Phúc Thọ nói riêng.

Nội dung hồ sơ được xây dựng của bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” chưa bao gồm toàn bộ di sản văn hiến, mà giới thiệu tổng quát về vị trí địa lý, lịch sử diên cách, các đặc điểm nổi bật về lịch sử, kinh tế, văn hoá, các di sản văn hoá vật thể - phi vật thể đã và đang tồn tại tại các cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn 30 quận, huyện Hà Nội hiện nay. Tập 7 này giới thiệu những thông tin đó của 3 huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ. Huyện Đan Phượng hiện có 16 đơn vị hành chính cơ sở, gồm huyện lỵ và thị trấn Phùng và 15 xã: Đan Phượng, Đồng Tháp, Hạ Mỗ, Hồng Hà, Liên Hà, Liên Hồng, Liên Trung, Phương Đình, Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập, Thọ An, Thọ Xuân, Thượng Mỗ, Trung Châu. Huyện Hoài Đức hiện nay có 20 đơn vị hành chính cơ sở, gồm huyện lỵ và thị trấn Trạm Trôi và 19 xã: An Khánh, An Thượng, Cát Quế, Đắc Sở, Di Trạch, Dương Liễu, Đông La, Đức Giang, Đức Thượng, Kim Chung, La Phù, Lại Yên, Minh Khai, Sơn Đồng, Song Phương, Tiền Yên, Vân Canh, Vân Côn, Yên Sở. Huyện Phúc Thọ hiện nay có 23 đơn vị hành chính cơ sở, gồm huyện lỵ là thị trấn Phúc Thọ và 22 xã: Cẩm Đình, Hát Môn, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Long Xuyên, Ngọc Tảo, Phúc Hoà, Phụng Thượng, Phương Độ, Sen Chiểu, Tam Hiệp, Tam Thuấn, Thanh Đa, Thọ Lộc, Thượng Cốc, Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc, Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Võng Xuyên, Xuân Phú. Tập sách cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan về một cơ sở (xã, phường, thị trấn) tại 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ về nhiều phương diện, nhưng tập trung về mặt văn hoá. Tiếp cận tập sách có thể thấy, về diện mạo đời sống văn hoá, nhân vật tuỳ theo nguồn tài liệu của từng địa phương, theo sự tồn tại của hệ thống di tích và bề dày văn hoá (phong tục, tập quán, lễ hội…) mà nội dung được cung cấp nhiều hay ít. Trên thực tế, không phải đơn vị xã/phường/thị trấn nào cũng có đầy đủ (hoặc do điều kiện khách quan chưa được khảo sát đầy đủ) vì thế Phàm lệ sách ghi chi tiết những thông tin, cách trình bày từng nội dung, phần mục, tiểu mục để người đọc dễ dàng hơn khi tìm hiểu cuốn sách. 

          Tuy mỗi đơn vị hành chính cấp xã/phường/thị trấn của 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ chỉ có dung lượng từ 10 - 15 trang, có xã chỉ 5 - 6 trang nhưng nội dung phần biên soạn cho thấy, các tác giả đã có một quá trình khảo sát điền dã thực địa dày công, khảo cứu tài liệu, tư liệu thư tịch, thác bản văn bia khá công phu, những văn bản thần tích, thần sắc, hương ước, địa bạ, gia phả được biên chép trong bản thảo đảm bảo được tính khoa học, chất lượng. Trước sự phân tán tản mạn của tư liệu là rõ ràng, bộ sách “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội” được hoàn thiện là có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao khi một số địa phương đã có địa chí nhưng Hà Nội hiện chưa thực hiện.

          Bộ sách mang dáng dấp dạng địa chí văn hóa thu gọn, được trình bày theo tiêu chí thống nhất trong toàn bộ 584 đơn vị hành chính cơ sở xã, phường, thị trấn. Do tính chất của bộ sách, các quận, huyện, thị xã là độc lập nên việc sắp xếp các đơn vị trong từng quyển chỉ mang tính kỹ thuật, chủ yếu để hài hòa tương đối về dung lượng sách và phù hợp tương đối về địa dư.          

Hà Nội hôm nay đã là một Thủ đô có địa giới rộng lớn hàng đầu trên thế giới, tích hợp trong mình nhiều không gian lịch sử - văn hoá, đan xen và kết lớp với nhân lõi là vùng kinh đô Thăng Long ngàn năm tuổi. Do yêu cầu phát triển, xây dựng và bảo vệ Thủ đô, xây dựng và bảo về Tổ quốc, không gian hành chính Thủ đô Hà Nội được mở rộng và sự mở rộng đó cũng đã tích hợp vào trung tâm này các không gian lịch sử - văn hoá đặc sắc, làm giàu, làm phong phú thêm lịch sử và văn hoá Thủ đô. Vì vậy, cấu trúc bộ sách chia thành nhiều tập, mỗi tập gồm một số quận huyện, thị xã với toàn bộ đơn vị hành chính cơ sở tương ứng (phường, xã, thị trấn). Trong mỗi quận, huyện, thị xã, ngoài phần giới thiệu về diên cách chung của cả quận, huyện, thị xã thì mỗi phường, xã, thị trấn sẽ là một “hồ sơ” độc lập.

Bản thảo tập sách đã được Hội đồng Nghiệm thu bản thảo thông qua và đánh giá cao. Hy vọng “Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tập 7 - Huyện Đan Phượng - Huyện Hoài Đức - Huyện Phúc Thọ” được xuất bản sẽ là tài liệu hữu ích cho độc giả khi tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội.

Quỳnh Anh

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá